Chạy đua trên các công trường thủy điện

Dự kiến từ nay đến cuối năm 2020 có thêm 6 dự án thủy điện hoàn thành với công suất 90,5 MW. Trước tình hình dịch Covid-19 từng bước được kiểm soát, các chủ đầu tư và nhà thầu đang tập trung nhân lực, phương tiện, chạy đua với thời gian để hoàn thành các dự án.

Thủy điện Nậm Lúc đặt tại xã Nậm Lúc (huyện Bắc Hà) có công suất thiết kế 24MW, gồm 2 tổ máy. Công trình được tái khởi động vào tháng 11/2017, sau khi hoàn thành sẽ là dự án thủy điện thứ 3 trên dòng chính sông Chảy thuộc địa phận Lào Cai phát điện. Không chỉ khai thác hiệu quả nguồn thủy năng, cung cấp sản lượng điện lớn cho đất nước, dự án còn đóng góp hàng tỷ đồng cho ngân sách địa phương mỗi năm.

Thủy điện Nậm Lúc đã hoàn thành phần xây dựng.

Sau gần 3 năm thi công, dự kiến đến thời điểm này, công trình sẽ hoàn thành và phát điện các tổ máy. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, từ tết Nguyên đán đến nay, nhiều hạng mục của nhà máy bị chậm so với yêu cầu. Sau khi dịch bệnh được kiểm soát, những ngày này trên công trường, gần 200 kỹ sư và công nhân đang chạy đua với thời gian để hoàn thiện dự án, phấn đấu phát điện tổ máy đầu tiên vào tháng 8 năm nay.

Ông Vũ Trọng Vinh, Trưởng Ban Quản lý Dự án Thủy điện Nậm Lúc cho biết: Đến nay, phần xây dựng cơ bản đã hoàn thành và nhà thầu đã hoàn thiện tuyến đường 110 kV để đấu nối vào hệ thống điều độ. Dự kiến đến tháng 7 công trình sẽ tích nước lòng hồ để chuẩn bị cho việc phát điện các tổ máy. Khó khăn nhất hiện nay là việc chuyên gia Trung Quốc chưa thể sang công trường để lắp đặt tuabin, hiệu chỉnh máy.

Trong số các dự án thủy điện dự kiến phát điện trong năm nay, Thủy điện Nậm Chăn 1 được xây dựng trên địa bàn xã Hòa Mạc (huyện Văn Bàn) là công trình lớn nhất. Với công suất thiết kế 27 MW, gồm 2 tổ máy, việc dự án chưa đi vào vận hành theo kế hoạch khiến chủ đầu tư thiệt hại đáng kể vì phải lùi thời gian bán điện.

Theo báo cáo của chủ đầu tư, các hạng mục xây dựng đã kết thúc từ tháng 9/2019, trên công trường lác đác một số công nhân đang vệ sinh khu vực trạm biến áp. Trong nhà máy hiện chỉ còn các công nhân cơ khí phụ trách lắp đặt thiết bị. Cũng giống như Thủy điện Nậm Lúc, công trình này chưa thể phát điện đúng kế hoạch bởi các chuyên gia Trung Quốc của nhà thầu lắp đặt thiết bị chưa thể sang hiệu chỉnh máy do vướng quy định về phòng, chống dịch Covid-19.

Ông Lê Văn Chung, Trưởng Ban Quản lý dự án cho biết: Nếu không bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh, công trình sẽ phát điện tổ máy số 1 vào ngày 30/4. Đội ngũ kỹ sư và công nhân vận hành nhà máy đã được gửi đi đào tạo, sẵn sàng tiếp quản khi dự án được bàn giao nhưng phải nằm chờ mấy tháng qua.

Lắp đặt tuabin Thủy điện Nậm Chăn 1.

Theo Sở Công thương, năm 2020, dự kiến trên địa bàn tỉnh có thêm 10 dự án thủy điện với tổng công suất 124,65 MW đi vào hoạt động. Những tháng đầu năm 2020 đã có 4 dự án thủy điện hoàn thành phát điện gồm: Minh Lương Thượng (13,6 MW), Bắc Cuông (5,75 MW), Ngòi Phát mở rộng (12 MW), Bắc Nà (2,8 MW).

Dự kiến trong 6 tháng cuối năm 2020 có thêm 6 dự án thủy điện hoàn thành với tổng công suất là 90,5 MW gồm: Thủy điện Móng Sến (6 MW) dự kiến tháng 9 phát điện, Thủy điện Suối Chút 2 (3 MW), Thủy điện Suối Chăn 1 (27 MW) dự kiến tháng 9 phát điện, Thủy điện Pa Ke (26 MW) dự kiến tháng 8 phát điện, Thủy điện Nậm Phàng B (4,5 MW) dự kiến tháng 8 phát điện, Thủy điện Nậm Lúc (24 MW) dự kiến tháng 9 phát điện. Theo báo cáo của các chủ đầu tư, 6 dự án này đều chậm tiến độ do chuyên gia Trung Quốc thuộc các nhà thầu lắp đặt thiết bị chưa sang làm việc ảnh hưởng đến công việc lắp đặt các thiết bị, hiệu chỉnh máy của một số dự án, do đó chậm tiến độ hoàn thành dự án so với kế hoạch đặt ra từ 6 đến 9 tháng dẫn đến thiếu hụt sản lượng điện khoảng 200 kWh đã đăng ký năm 2020. Hiện các dự án đang chờ làm thủ tục cấp thị thực để chuyên gia Trung Quốc nhập cảnh vào Việt Nam thực hiện lắp đặt thiết bị tại các dự án.

Việc các dự án thủy điện chậm tiến độ so với kế hoạch không chỉ tác động xấu đến tình hình kinh tế của các chủ đầu tư mà còn ảnh hưởng đến công tác thu ngân sách của tỉnh. Trước tình hình đó, Sở Công thương đã đề xuất giải pháp cho phép nhập cảnh chuyên gia, lao động kỹ thuật phục vụ các dự án trên địa bàn tỉnh, trong đó có các dự án thủy điện, đồng thời đề nghị các doanh nghiệp từng bước chủ động công nghệ để thay thế chuyên gia nước ngoài và thay đổi doanh nghiệp trong nước thực hiện lắp đặt máy, thiết bị.

Mạnh Dũng

Nguồn Lào Cai: http://www.baolaocai.vn/kinh-te/chay-dua-tren-cac-cong-truong-thuy-dien-z3n20200617082707688.htm