Chạy đua với nắng hạn

Bà con xã Ea Chà Rang (huyện Sơn Hòa) vét nước ở suối Hà Lan. Ảnh: TRUNG HIẾU

Những ngày nắng như đổ lửa, nước quý hơn cả cơm gạo. Những cơn mưa vừa qua cũng chỉ đủ làm giảm sự oi bức nơi vùng hạn, như muối bỏ bể. Mừng một chút, người nông dân lại tiếp tục lo, cái lo thường niên bởi cơn khát dai dẳng… Ngoài việc phải gồng mình tìm kiếm nguồn nước, đối phó với nắng hạn cứu cây trồng, họ còn phải đối mặt với việc thiếu nước sinh hoạt.

Kỳ 1: Lay lắt tìm nước sinh hoạt

Các chuyên gia khí tượng thủy văn nhận định, trong năm 2020, nhiệt độ trung bình trên phạm vi toàn quốc sẽ lại tăng. Chỉ bấy nhiêu cảnh báo đó cũng khiến người dân vùng hạn thêm mất ngủ. Hiện đã bước vào mùa khô trong sự lo toan của bao người…

Chia nhau nước từ lòng suối

Lòng suối bây giờ cũng kiệt lắm rồi. Có hôm nhà tôi phải canh gần cả tiếng đồng hồ mới lấy được 30 lít nước. 20 lít thì để dành sử dụng, 10 lít tắm cho mấy đứa nhỏ rồi hứng lại nước để giặt đồ. Mình già rồi thì chịu khó chút, chỉ tội cho con gái mới lớn. Việc vệ sinh phụ nữ khổ lắm, không biết sau này có ảnh hưởng gì đến sức khỏe sinh sản? Mí Bê ở thôn Độc Lập C

Hơn một tháng qua, tuyến đường dẫn lối đến suối Hà Lan ở xã Ea Chà Rang (huyện Sơn Hòa) trở nên nhộn nhịp hẳn khi hàng trăm hộ dân ở các thôn Độc Lập B, Độc Lập C, Kiến Thiết mỗi ngày mấy bận thay phiên nhau vào đây để vét nước. Mí Mai, một người dân ở thôn Độc Lập B, cho biết: “Thôn có mấy giếng đào nhưng giờ trơ cả đáy hết rồi, phải vào suối để vét nước về dùng. Nhà mí mỗi ngày đi suối 3 lần mới đủ nước cho cả nhà sử dụng”. Cũng theo mí Mai, để lấy được nước, từ tờ mờ sáng, mấy mẹ con mí đã lục đục dậy chuẩn bị lên đường. Đồ nghề mà mẹ con mí mang theo là những chai, bình, ca nhựa, vải lọc. Mặc dù đã tranh thủ đi từ sớm nhưng mấy mẹ con mí vẫn trễ hơn nhiều người khác, phải ngồi đợi đến lượt mới được vào vét nước. Có những hôm đông quá, nhà mí Mai phải tìm ra chỗ khác, tự đào một hố nhỏ đợi nước rỉ về.

Dòng suối Hà Lan nằm vắt vẻo qua sườn núi Hòn Táo. Trước Tết, nước còn chảy róc rách đổ từ sườn đồi xuống các thung lũng, nhưng từ đầu tháng tư đến nay, suối cũng cạn trơ lòng. Để có nước, bà con chung sức đào hố sâu khoảng 1m vào lòng suối, chắt lấy nước từ những mạch ngầm rỉ về. Cho nên, việc lấy nước mất khá nhiều thời gian. Mọi người chia nhau mỗi nhà một ít để có dùng cho qua mùa hạn.

Để thích nghi với tình trạng này, bà con sử dụng rất tiết kiệm, phần lớn nước ưu tiên cho ăn uống nên việc tắm giặt, vệ sinh phải... xếp lại sau. Một ngày tắm thì vài ngày nghỉ để tiết kiệm nước mặc dù ai cũng biết rằng, việc vệ sinh phải được thực hiện hàng ngày. Mí Bê ở thôn Độc Lập C lo lắng: “Lòng suối kiệt lắm rồi. Có hôm nhà tôi phải canh gần cả tiếng đồng hồ mới lấy được 30 lít nước. 20 lít thì để dành sử dụng, 10 lít tắm cho mấy đứa nhỏ rồi hứng lại giặt đồ. Mình già rồi thì chịu khó chút, chỉ tội cho con gái mới lớn. Việc vệ sinh phụ nữ khổ lắm, không biết sau này có ảnh hưởng gì đến sức khỏe sinh sản?”.

Trưởng thôn Độc Lập B Rơ Chăm Y Phúc cho hay: “Bây giờ, cả thôn hơn 80 hộ với 335 người dân đều sống nhờ vào nguồn nước vét được từ lòng suối Hà Lan. Nắng hạn, lòng suối còn rất ít nước, có khi bà con phải canh đón xe mua nước bình dùng thêm chứ không đủ. Như nhà tôi mỗi ngày phải mua thêm 1 bình 20 lít”.

Còn theo Phó Chủ tịch UBND xã Ea Chà Rang Kpắ Y Phúc, đến mùa khô thì cả năm thôn với 909 hộ dân của xã đều rơi vào tình trạng thiếu nước trầm trọng. Toàn bộ giếng đào của xã đều kiệt nước, mỗi giếng chỉ bơm được từ 1-2 xô nước là khô đáy. Đầu năm nay, xã đã chủ động khoan thêm 3 giếng, sâu từ 70-95m, song thật đáng buồn khi nước ở các giếng đều bị nhiễm phèn. Bà con vẫn phải ra suối kiếm nước. Mới bước vào đầu mùa khô, nhưng Ea Chà Rang đã có khoảng 40% hộ thiếu nước sinh hoạt.

Tương tự, trong hai tháng qua, tại một số vùng cao ở huyện miền núi Sông Hinh, người dân cũng đã phải vào suối cõng nước về dùng. Ma A, Trưởng buôn Đức Mùi (xã Ea Trol), tặc lưỡi: “Các giếng đào trong buôn đều khô đáy. Cả buôn 230 hộ dân phải kéo nhau vào suối Ea Bắc cách buôn khoảng 5km để lấy nước”.

Tun Van ở buôn Đức Mùi, vừa gùi nước vừa nói: “Từ nhà vào đến suối Ea Bắc xa lắm, nên mỗi ngày tôi phải dậy từ rất sớm, đưa con nhỏ vào suối tắm giặt rồi cõng nước về dùng. Mấy mẹ con cũng chỉ cõng được 20 lít nước thôi, vì nhiều hơn sẽ đi không nổi”.

Người dân xã An Cư (huyện Tuy An) nối hàng chục mét ống chuyền nước mua từ xe vào nhà. Ảnh: TUYẾT HƯƠNG

Người dân xã An Cư (huyện Tuy An) nối hàng chục mét ống chuyền nước mua từ xe vào nhà. Ảnh: TUYẾT HƯƠNG

Chi tiền triệu mua nước

Là một trong ba xã thuộc cao nguyên Vân Hòa, Sơn Định nằm trên khu vực có độ cao 474m so với mực nước biển, trở thành chảo lửa mỗi khi đến mùa hạn. Các giếng nước trong làng bắt đầu cạn kiệt dần và khô rốc.

Tình trạng thiếu nước sinh hoạt xảy ra ở đây đã gần 20 năm, nên người dân nảy ra nhiều sáng kiến. Theo Trưởng thôn Hòa Bình Dương Văn Hòa, cả thôn có 222 nóc nhà thì có đến 2/3 mái nhà được lắp hệ thống thu nước mưa. Chạy vòng theo mái, người dân thiết kế máng hứng nước mưa đưa vào bể chứa. Lượng nước này các gia đình tích trữ từ mùa mưa để qua mùa hè sử dụng. Cả thôn có 58 giếng đào và hơn chục giếng khoan, lúc này hầu hết đã khô đáy, chỉ một vài giếng khoan còn nước. Bà con phải nối ống mua nước từ giếng khoan hoặc từ các xe chở đến bán với giá cao.

Bà Lê Thị Kim ở xóm Bắc, thôn Hòa Bình, cho hay: “Nhà tôi có một bể chứa khoảng 5 khối tích trữ nước giọt thu được từ mùa mưa để dùng dần. Mặc dù biết việc sử dụng nước mưa tích trữ có nguy cơ gây nên nhiều loại bệnh, nhưng vì không có nước sinh hoạt nên đành chấp nhận. Nước mưa tích được từ năm ngoái đã dùng hết, gần 2 tháng nay gia đình tôi phải mua nước xe với giá 60.000 đồng/m3 nước. Tính ra, khoảng 2 tháng, chúng tôi đã chi 2,4 triệu đồng để mua nước”. Vì quá tốn kém nên hàng ngày khi đi rẫy bên thôn Hòa Ngãi, bà Kim phải dỡ theo quần, áo, chăn, màn bẩn... để tranh thủ ra suối giặt.

Chủ tịch UBND xã Sơn Định Nguyễn Minh Hoài cho biết: “Toàn xã hiện có khoảng 150 hộ dân thiếu nước sinh hoạt, chủ yếu ở thôn Hòa Bình”. Trong khi đó, dự kiến đến cuối tháng 5, nếu không có mưa lớn, Sơn Hòa sẽ có hơn 1.000 hộ dân thuộc các xã Sơn Định, Phước Tân, Cà Lúi, Sơn Hội thiếu nước sinh hoạt nghiêm trọng.

Tương tự, từ đầu mùa khô đến nay, người dân các xã An Cư, An Hiệp, An Lĩnh ở huyện Tuy An cũng xoay xở đủ cách để có nước dùng. Nằm cặp bờ đầm Ô Loan, các thôn Phú Tân 1, Phú Tân 2 thuộc xã An Cư thường xuyên bị xâm nhập mặn mỗi khi mùa khô đến. Trưởng thôn Phú Tân 1 Lê Thị Mai Thoa cho hay: Nắng hạn khiến các giếng nước trong vùng bị khô và nhiễm mặn, làm cho 522 hộ dân thiếu nước sinh hoạt. Bà con phải đi xin nước ở những vùng khác hoặc mua nước. Toàn thôn hiện có 10 xe công nông chuyên chở nước bán cho bà con.

Xe chở nước của ông Tiếu Xuân Thì ở thôn Phú Tân 1, từ đầu tháng 3 âm lịch đến nay hoạt động liên tục. “Khi các giếng trong vùng kiệt nước, tôi mua nước ở những vùng khác rồi chở về bán cho bà con. Mỗi ngày tôi bán được khoảng 10 xe, mỗi xe 8 phuy với giá 100.000 đồng”, ông Thì thổ lộ.

Kỳ 2: Nông dân đối mặt vụ mùa trắng tay

Mùa khô năm 2019, toàn tỉnh có hơn 10.000 hộ dân bị thiếu nước sinh hoạt. Năm nay, dự báo thời tiết nắng nóng kéo dài với nền nhiệt cao từ tháng 4-8 và mực nước ngầm đang giảm thấp, khả năng tiếp tục xảy ra tình trạng thiếu nước sinh hoạt trầm trọng hơn.

(Trung tâm Nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn tỉnh)

TRUNG HIẾU - TUYẾT HƯƠNG - DƯƠNG THỦY

Nguồn Phú Yên: http://www.baophuyen.com.vn/82/240328/chay-dua-voi-nang-han.html