Chạy đua với nắng hạn (tiếp theo kỳ trước)

Kỳ cuối: Nỗ lực “giải cơn khát”

Thời tiết trở nên khắc nghiệt hơn theo từng năm, đòi hỏi nông dân phải bằng mọi cách thích nghi để tồn tại với công việc đã gắn bó bao đời. Chống hạn, hiện nay như một phần không thể thiếu trong nông vụ. Nhưng nếu cứ chống hạn bằng sức vóc hay ứng phó tạm bợ, việc giải bài toán “giải cơn khát” không hề đơn giản.

Trước mùa khô năm nay, nhiều địa phương, tổ chức, cá nhân đã chung tay thực hiện các giải pháp hỗ trợ người dân vùng hạn. Chủ động, cấp bách và quyết liệt là những điều mà các ngành chức năng Phú Yên đang hành động để ứng phó với nắng hạn.

Chủ động khoan giếng

Khi chưa có điều kiện để xây dựng các công trình cấp nước tập trung, khoan giếng là giải pháp cấp bách mà nhiều địa phương đề ra nhằm “giải cơn khát” cho người dân ở thời điểm hiện tại.

Đầu mùa khô, xã Ea Trol (huyện Sông Hinh) khoan giếng hỗ trợ bà con có nước sinh hoạt. Theo ông Lê Văn Tấn, Chủ tịch UBND xã Ea Trol, địa phương đã khảo sát và khoan 3 giếng nước với kinh phí 60 triệu đồng/giếng. Tại mỗi giếng đều đặt bồn chứa giúp bà con thuận tiện lấy nước. Địa phương đang kiểm tra chất lượng giếng khoan, dự kiến trong tuần tới sẽ nghiệm thu, đưa vào phục vụ người dân.

ĐỒNG CHÍ TRẦN HỮU THẾ, ỦY VIÊN BAN THƯỜNG VỤ TỈNH ỦY, PHÓ CHỦ TỊCH UBND TỈNH: Cố gắng không để người dân thiếu nước sinh hoạt

Giải quyết bài toán thiếu nước sinh hoạt cho người dân, tỉnh đưa ra phương án đầu tư 129 giếng, 52 túi dự trữ nước tại những vùng thiếu nước, được chia làm 3 giai đoạn, bắt đầu thực hiện từ tháng 5.

Cùng với đó, UBND tỉnh yêu cầu chính quyền các địa phương theo dõi diễn biến nguồn nước, khuyến cáo người dân sử dụng nước tiết kiệm. Các địa phương tập trung nạo vét, khơi sâu thêm giếng đào, có thể kết hợp giếng khoan bên trong lòng giếng đào để tận dụng nguồn nước ngầm; đẩy nhanh tiến độ các công trình cấp nước tập trung, chia sẻ nguồn nước, đồng thời có phương án vận chuyển nước hỗ trợ người dân vùng gặp khó khăn, không để người dân thiếu nước sinh hoạt.

Ông Đinh Ngọc Dạn, Phó Chủ tịch UBND huyện Sông Hinh cho biết: Sông Hinh có 1 nhà máy nước và 6 công trình cấp nước sinh hoạt tập trung, phục vụ cho người dân 9 xã, thị trấn. Riêng các xã Ea Bar, Sơn Giang và một số thôn của xã Ea Trol, địa phương đang khoan giếng hỗ trợ. Cùng với đó, huyện cũng đang triển khai công trình cấp nước sinh hoạt tập trung xã Ea Bar đảm bảo phục vụ cho hơn 6.000 người. Ngoài ra, trong thời gian qua, huyện còn đầu tư, quản lý và khai thác 21 công trình thủy lợi nhằm khắc phục tình trạng thiếu nước sản xuất trong mùa khô. Tuy nhiên, phần lớn công trình chỉ mới cấp nước cho sản xuất lúa, còn các loại nông sản khác thì vẫn phụ thuộc vào nước trời.

Huyện miền núi Sơn Hòa có 20 công trình cấp nước tập trung thì một số đã ngừng hoạt động, còn lại vì thiếu hụt nước nguồn nên công suất cấp nước không cao. Toàn huyện có hơn 6.000 giếng nước, nhưng chỉ khoảng 2.000 giếng có nguồn nước ổn định. Trước khó khăn này, UBND huyện đã chỉ đạo thực hiện cấp nước luân phiên cho từng cụm dân cư thuộc phạm vi công trình, vận động người dân xây bể chứa tại nhà để tích nước sử dụng. Địa phương cũng triển khai khoan nhiều giếng nước; vận động người dân sử dụng tiết kiệm, chia sẻ nguồn nước với nhau.

Ở nơi được ví như “chảo lửa”, để giải quyết bài toán nước sinh hoạt, xã Sơn Định đang triển khai thủ tục đầu tư, dự kiến đầu tháng 6 tới sẽ tiến hành khoan 13 giếng.

Khoan giếng là giải pháp cấp bách mà nhiều địa phương đề ra ở thời điểm hiện tại. Ảnh: DƯƠNG THỦY

Khoan giếng là giải pháp cấp bách mà nhiều địa phương đề ra ở thời điểm hiện tại. Ảnh: DƯƠNG THỦY

Đáp ứng niềm mong mỏi của bà con

Năm ngoái, chị Lê Minh Thu, người phụ nữ Hà Nội gắn bó với Phú Yên đã dốc lòng kết nối, vận động người thân, bạn bè hỗ trợ làm 11 giếng với 320 triệu đồng, mang đến dòng nước mát cho bà con vùng hạn Sơn Hòa. Chị Thu bảo, chưa có chương trình từ thiện nào mà chị hồi hộp, lo âu rồi vỡ òa niềm vui như chương trình đào giếng, bởi không phải cứ đào giếng là có nước. Chị vui khi đến đâu cũng nghe “có nước tốt lắm” rồi tận mắt thấy những gàu nước đầy, mát rượi. Đang trong mùa hạn này, nghĩ đến việc làm ấy, chị thấy ấm lòng vì đã giúp được cho bà con nguồn nước sinh hoạt.

Còn nhớ, vợ chồng anh Nguyễn Sâm (thôn Hòa Trinh, xã Sơn Định) hân hoan: “Đã qua rồi những ngày mua nước với giá đắt đỏ, qua rồi những ngày nhịn tắm; chắt chiu nước giặt giũ…”. Giếng nước tại xóm Giữa ở buôn Ma Giấy (xã Phước Tân) thì rộn ràng tiếng phụ nữ, trẻ em đến tắm giặt. Giếng sâu chừng 10m, nước trong và mát.

Và mới đây, công trình nước sạch tập trung với nguồn kinh phí hơn 340 triệu đồng do Hội LHTN tỉnh phối hợp với Công ty CP Việt Thành đã đưa vào sử dụng, gồm 3 bể lọc nước, ống dẫn nước, 2 tụ điểm lấy nước, cung cấp nước sạch cho hơn 107 hộ đồng bào Chăm ở làng Bà Đẩu, thôn Phú Tâm, xã Xuân Quang 1 (huyện Đồng Xuân). Phó Chủ tịch UBND xã Xuân Quang 1 Nguyễn Duy Luân cho biết, công trình nước sạch này đã “giải cơn khát”, đáp ứng niềm mong mỏi của bà con, giúp địa phương đảm bảo được tiêu chí vệ sinh, nước sạch nông thôn.

Giải quyết căn cơ bài toán thiếu nước mùa khô hạn, tỉnh đang kêu gọi đầu tư, cấp nước sạch trên địa bàn theo hình thức xã hội hóa. Theo ông Hồ Hữu Như, Giám đốc Trung tâm Nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn, Công ty TNHH Kỹ thuật kiểm định toàn cầu đang khẩn trương thi công công trình cấp nước sinh hoạt tập trung tại xã Xuân Quang 2 (huyện Đồng Xuân) với công suất 1.000m3/ngày đêm để cấp nước cho khoảng 1.000 hộ dân các thôn Triêm Đức, Kỳ Đu và Phước Huệ. Dự kiến tháng 8 năm nay sẽ đưa vào hoạt động. Ngoài ra còn có 3 nhà đầu tư khác đang trình dự án cấp nước sinh hoạt tập trung tại xã An Cư (huyện Tuy An), Sơn Long (huyện Sơn Hòa) và Hòa Xuân Nam (huyện Đông Hòa).

Hiệp sức thôi chưa đủ

Một điều phải ghi nhận là ở những địa phương bị ảnh hưởng nặng nề bởi nắng hạn, chính quyền nơi đây vào cuộc rất quyết liệt. Đó được xem là chỗ dựa rất lớn để bà con nông dân có thể trông cậy khi bị hạn hán đe dọa đến vụ mùa. Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Đồng Xuân Phạm Trung Chánh, ngoài khoan 3 giếng tại xã Xuân Lãnh và Đa Lộc, địa phương chỉ đạo khẩn trương chuyển đổi sang trồng các loại cây chịu hạn trên diện tích 150ha đất lúa tại các xã Xuân Quang 3 và Xuân Phước để thích nghi trong điều kiện kiệt nước.

Hết chuyển đổi cây trồng, dự trữ nguồn nước; hết áp dụng những kỹ thuật thâm canh truyền thống đến đưa phương tiện hỗ trợ nông nghiệp hiện đại vào ruộng, rẫy…, dường như những gì có thể để cứu lấy vụ mùa vượt qua khô hạn, nông dân đều áp dụng. Song có lẽ, chỉ bấy nhiêu đó thôi vẫn chưa đủ để người nông dân hết khổ.

Theo các chuyên gia, để phòng chống hạn cần phát triển thủy lợi tưới tiêu, cấp nước, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, thực hiện CNH, HĐH nông nghiệp - nông thôn... Còn về kỹ thuật canh tác, việc tưới nước nhỏ giọt đảm bảo độ ẩm sẽ giúp cây sinh trưởng, phát triển tốt. Ngoài ra, khoa học còn vào cuộc giúp sức cho bà con bằng những phát minh về giống cây thích nghi tốt nhất với môi trường nắng hạn. Những bước tiến này tạo ra cơ sở thực tiễn để đồng hành cùng nông dân “cõng cực” qua hạn hán.

Nắng hạn ngày một khắc nghiệt, khó lường cũng từ biến đổi khí hậu mà ra. Sự tàn phá môi trường là nguyên nhân cốt lõi tạo ra không ngớt các đợt thiên tai làm khổ con người, là “thủ phạm” mà chúng ta cần đấu tranh trực diện trong cuộc chiến chống hạn hôm nay.

TRUNG HIẾU - TUYẾT HƯƠNG - DƯƠNG THỦY

Nguồn Phú Yên: http://www.baophuyen.com.vn/89/240424/chay-dua-voi-nang-han-tiep-theo-ky-truoc.html