Chạy đua với thời gian, giành lại sự sống cho người bệnh

Phòng cấp cứu - nơi mà chẳng ai muốn đến nhưng lại không khi nào vắng người. Trong không gian giới hạn, hàng chục con người hối hả, gấp gáp chạy đua với thời gian để giành lại sự sống cho người bệnh. Mỗi ngày ở phòng cấp cứu, các y, bác sĩ (BS) trải qua biết bao cung bậc cảm xúc với những câu chuyện vui, buồn, có cả sự tiếc nuối, bất lực khi không cứu được ca nguy kịch nào đó.

1. “Có ca nặng” - vừa nghe đồng nghiệp thông báo, BS Nguyễn Thị Trúc Vân - Khoa Cấp cứu Bệnh viện Đa khoa Long An, bỏ dở công việc đang làm, chạy theo chiếc băng ca vừa được đẩy vào, các điều dưỡng nhanh chóng vào việc. Mọi người luôn tay, ai cũng căng thẳng: “Huyết áp…”, “tim…”, “truyền máu”… Bên ngoài, người nhà bệnh nhân (BN) hồi hộp dõi theo từng động tác của BS, có người chắp tay cầu nguyện, nước mắt lăn dài. BN được chuyển đến trong tình trạng hôn mê, khó thở và bị mất nhiều máu sau vụ tai nạn. Sau gần 30 phút cấp cứu, BS Trúc Vân quyết định chuyển BN lên tuyến trên. Mời người nhà vào thông báo tình trạng sức khỏe và tư vấn chuyển viện, BS Trúc Vân vội vã gọi điện thoại nhờ sự hỗ trợ của điều dưỡng ở các khoa khác theo xe cấp cứu và không quên động viên người nhà.

Nghe người nhà bệnh nhân báo, bác sĩ Nguyễn Thị Trúc Vân vội đến khám khi bệnh nhân có biểu hiện lạ

Nghe người nhà bệnh nhân báo, bác sĩ Nguyễn Thị Trúc Vân vội đến khám khi bệnh nhân có biểu hiện lạ

Vừa ngồi xuống bàn làm việc tiếp tục công việc dở dang, phía cuối phòng, người nhà một BN khác hô hoán “cha tôi co giật BS ơi!”, BS Trúc Vân cùng ê-kíp lại vội vã đến cấp cứu. Không khí trong phòng như đặc quánh lại, mọi thứ hối hả hơn, các y, BS nhanh nhẹn, thuần thục từng thao tác. 15 phút sau, tình trạng BN đã ổn hơn, gương mặt BS, điều dưỡng và cả người nhà BN như giãn ra. Mọi người nhìn nhau nở nụ cười thay cho lời động viên. Rồi chưa kịp nói hết câu bông đùa với đồng nghiệp, nghe tiếng xe cấp cứu đỗ trước cửa, BS Trúc Vân lại cùng ê-kíp hối hả ra nhận ca nặng, BN ngưng tim.

Từng bước chân vội vã, từng ánh nhìn lo lắng, người nhà BN chen nhau vào phòng cấp cứu, mấy anh bảo vệ nhẹ nhàng mời họ ra để BS làm việc. Thông cảm với sự lo lắng đó nên cả BS và nhân viên đều nhẹ nhàng, động viên người thân. Cứ thế, những người trực cấp cứu hầu như không lúc nào ngơi tay. Y, BS, điều dưỡng thì tất bật tiếp nhận, xử lý các ca bệnh, đội ngũ nhân viên ráo riết hoàn chỉnh hồ sơ BN, nhắc người nhà BN nộp bảo hiểm y tế để chuyển viện hoặc chuyển đến khoa khác sau khi đã được cấp cứu.

2. Những ngày lễ, khi đường phố tràn ngập ánh đèn, tưng bừng tiếng nhạc, mọi người háo hức với kế hoạch vui chơi thì ê-kíp trực lại tất tả vào “tua”, lòng nặng trĩu. Sự nặng trĩu đó không đến vì lý do hôm nay không được vui lễ cùng gia đình mà như một “quy luật” - ngày lễ, số ca cấp cứu lại tăng 2-3 lần so với ngày thường và trong đó, có những ca không thể cứu được... Nhắc đến đây, giọng BS Trúc Vân chùn xuống: “Lễ, tết, số ca cấp cứu tiếp nhận nhiều nhất là tai nạn giao thông. Càng về khuya, số ca càng nhiều, có ngày, khoa nhận hàng trăm ca cấp cứu”. Nhiều nạn nhân tai nạn giao thông nhập viện trong tình trạng nguy kịch, đa chấn thương. Điều này đòi hỏi BS phải hết sức cẩn trọng và nhanh chóng cứu người, bởi chỉ cần chẩn đoán thiếu chính xác hay xử lý không kịp rất dễ dẫn đến BN tử vong.

Tiếp nhận ca cấp cứu, ê-kíp nhanh chóng làm nhiệm vụ

Tiếp nhận ca cấp cứu, ê-kíp nhanh chóng làm nhiệm vụ

Có một điều mà có lẽ bất cứ y, BS, nhân viên y tế trực cấp cứu nào cũng từng gặp phải là tình trạng người nhà BN quá khích, có những lời nói, hành động không đúng mực, thậm chí có ý định hành hung BS khi không đồng tình với cách chữa trị. Hay có những cuộc ẩu đả giữa các băng nhóm, khi nạn nhân được đưa vào cấp cứu, nhóm người kia cũng hung hãn ùa vào gây mất trật tự. Kể về những trường hợp như thế, điều dưỡng Nguyễn Thị Cẩm Giang nói: “Có người còn vào cản trở BS làm nhiệm vụ, dùng hung khí hăm dọa, mọi lời khuyên với họ lúc này hầu như không có tác dụng. Những lúc như thế, chúng tôi phải nhờ lực lượng công an, bảo vệ can thiệp”.

Ngoài sự cản trở của một vài nhóm người thì đa số người nhà đều mong muốn được chuyển viện lên tuyến trên nhưng tùy tình trạng bệnh mà BS sẽ có quyết định tốt nhất. “Không hẳn lúc nào chuyển lên tuyến trên cũng tốt, có những BN đang trong tình trạng nguy kịch, nếu được điều trị tại chỗ thì cơ hội sống sẽ cao hơn. Với những trường hợp như thế, chúng tôi sẽ giải thích cặn kẽ để người nhà BN hiểu rõ còn quyền quyết định là của họ” - BS Trúc Vân chia sẻ. Gần 10 năm làm nghề, không ít lần BS Trúc Vân bất lực khi không thuyết phục được người nhà BN, để khi chưa kịp đến tuyến trên thì BN đã không qua khỏi.

Điều dưỡng luôn theo sát từng bệnh nhân

Điều dưỡng luôn theo sát từng bệnh nhân

Với các y, BS, hạnh phúc lớn nhất chính là giây phút cứu được người bệnh qua cơn nguy kịch. Cách đây 3 tuần, trong “tua” trực, BS Trúc Vân và ê-kíp tiếp nhận ca cấp cứu BN mang thai 12 tuần bị ngưng tim, hạ huyết áp,... Qua hội chẩn cùng BS Bệnh viện Đa khoa TWG Long An, các BS quyết định phẫu thuật. Cơ hội được cứu sống khá mong manh khi BN đã ngưng tim, mất nhiều máu chưa rõ nguyên nhân. Khi xác định BN bị vỡ tử cung, ê-kíp tích cực thực hiện các biện pháp cấp cứu, mổ, lọc máu,... và nhanh chóng chuyển BN lên tuyến trên. Đến nay, sức khỏe BN chuyển biến tốt.

Những câu chuyện ở phòng cấp cứu vốn đã đầy kịch tính mà ở đó ai cũng tất bật chạy đua với thời gian để cứu lấy người bệnh. Nơi đó có đủ những cung bậc cảm xúc lo lắng, vui mừng, tuyệt vọng và đội ngũ y, BS nhận được biết bao lời cảm ơn và có cả những lời trách móc. Bỏ qua tất cả, cả sự hiểu lầm, nóng giận của người nhà BN, những người đang khoác lên mình chiếc áo blouse luôn đặt nhiệm vụ cứu người lên hàng đầu. Và ở phòng cấp cứu, nhiệm vụ ấy trở thành trọng trách bởi phải dành từng phút, từng giây để cứu người./.

Anh Túc

Nguồn Long An: https://baolongan.vn/chay-dua-voi-thoi-gian-gianh-lai-su-song-cho-nguoi-benh-a150413.html