Chạy đua với virus

Cuộc chạy đua để tìm ra biện pháp đối phó hiệu quả với virus Corona chủng mới (hay SARS-CoV-2) được xem là cuộc 'chạy đua với tử thần' khi mà mỗi ngày số ca nhiễm bệnh và chết vì loại virus này lại tăng chóng mặt.

“Di chuyển” nhanh hơn đại dịch SARS, khả năng lây lan từ người sang người theo cấp số nhân, SARS-CoV-2 đã “phủ sóng” 5 châu lục với gần 84.000 người nhiễm, trong đó có hơn 2.800 trường hợp tử vong trên toàn thế giới. Nỗi lo về dịch Covid-19 có thể biến thành đại dịch lây lan trên phạm vi toàn cầu đang ngày càng có nguy cơ thành hiện thực khi lần đầu tiên số ca nhiễm mới bên ngoài Trung Quốc đã lớn hơn số ca nhiễm của nước này.

Giới khoa học toàn cầu đang ráo riết tìm phương pháp điều trị cũng như vắc-xin phòng bệnh, bởi hơn lúc nào hết việc sớm tìm ra vắc-xin hay các loại thuốc đặc trị để chữa cho hàng chục nghìn người nhiễm SARS-CoV-2 đang là đòi hỏi cấp bách nhất để sớm ngăn chặn dịch bệnh nguy hiểm này cũng như giảm tối đa thiệt hại, trước hết là về sinh mạng con người.

Thông thường, để bào chế được một vắc-xin mới phải mất nhiều năm, với quá trình thử nghiệm trên động vật, thử nghiệm lâm sàng và chờ đợi sự cho phép của các cơ quan chuyên môn. Do đó, có nhiều ý kiến cho rằng vào thời điểm vắc-xin được coi là an toàn, dịch bệnh có thể đã dịu bớt. Tuy nhiên, điều này không ngăn được các nhà nghiên cứu từ khắp các quốc gia trên thế giới, trong đó đi đầu là Mỹ, Anh, Pháp, Australia, Trung Quốc... tích cực đầu tư vào việc phát triển vắc-xin chống virus SARS-CoV-2. Một cuộc đua bào chế vắc-xin đã bắt đầu như vậy. Hiện có khoảng 10 công ty dược phẩm lớn trên thế giới đã tham gia cuộc đua này, trong đó có các gương mặt khá quen thuộc là Johnson & Johnson và Inovio Enterprises của Mỹ.

 Thế giới đang tăng tốc điều chế vắc xin chống virus Corona mới. Ảnh: Getty.

Thế giới đang tăng tốc điều chế vắc xin chống virus Corona mới. Ảnh: Getty.

Bên cạnh việc sớm điều chế được vắc-xin đặc trị virus SARS-CoV-2, những phương pháp, cách thức chữa trị khác cũng đang được nghiên cứu, tìm kiếm. Tại Trung Quốc, hơn 80 thử nghiệm lâm sàng đang được tiến hành hoặc chờ duyệt nhằm tìm phương pháp điều trị tiềm năng cho dịch Covid-19. Trong đó, thuốc Remdesivir của hãng dược phẩm Gilead Sciences Inc (Mỹ) được coi là một trong ba "ứng cử viên" hàng đầu trong chiến dịch chống lại Covid-19. Remdesivir là loại thuốc có đặc tính chống virus mạnh nhất hiện nay. Hồi tháng 1 vừa qua, Remdesivir đã được dùng để điều trị khẩn cấp cho một bệnh nhân nam 35 tuổi ở bang Washington (Mỹ) bị nhiễm SARS-CoV-2. Sức khỏe của bệnh nhân này được cải thiện nhanh chóng sau khi dùng thuốc và sau đó được ra viện. Tuy nhiên, thuốc này hiện đang được sử dụng trong quá trình điều trị thử nghiệm chống sự lây lan của virus SARS-CoV-2 và vẫn chưa được cấp phép sản xuất hoặc bày bán ở bất cứ đâu trên thế giới.

Trong 3 ứng viên kể trên, chỉ duy nhất thuốc chống sốt rét có tên Favilavir là loại thuốc điều trị Covid-19 đầu tiên được Cục Quản lý sản phẩm y tế quốc gia Trung Quốc cho phép bán ra thị trường kể từ khi dịch bệnh bùng phát. Là sản phẩm của Công ty Dược Hisun Chiết Giang và ban đầu dùng để điều trị cúm, Favilavir giờ đây được mong đợi đóng vai trò quan trọng trong việc ngăn ngừa và chữa trị Covid-19. Thuốc Favilavir đã được thử nghiệm ở 70 bệnh nhân bị nhiễm Covid-19 tại thành phố Thâm Quyến.

Ứng viên cuối cùng cho thấy hiệu quả trong điều trị Covid-19 là thuốc chống sốt rét Chloroquine Phosphate. Các chuyên gia y tế Trung Quốc đã thống nhất đưa thuốc Chloroquine Phosphate vào phác đồ điều trị Covid-19. Chloroquine Phosphate được lựa chọn trong hàng chục nghìn loại thuốc hiện có và sàng lọc hàng chục lần trước khi được thử nghiệm chữa viêm phổi do SARS-CoV-2. Thuốc đã được sử dụng trong hơn 70 năm qua, đang được thử nghiệm tại 10 bệnh viện ở Bắc Kinh và các tỉnh Quảng Đông, Hồ Nam của Trung Quốc.

Hiện SARS-CoV-2 đang có dấu hiệu dần được kiểm soát tại Trung Quốc. Tuy nhiên, loại virus nguy hiểm này lại đang lan rộng và cho thấy sự bùng phát đáng sợ tại các quốc gia, như: Hàn Quốc, Iran, Italy. Trong bối cảnh dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp, không lạ gì khi cuộc đua tham vọng trị giá nhiều triệu USD tìm kiếm phương thuốc hay vắc-xin phòng Covid-19 thu hút được sự chú ý của dư luận quốc tế. Nên biết rằng, việc tìm ra phương thuốc hiệu quả đối phó với Covid-19 chắc chắn sẽ đánh dấu thành công đối với nền y học của bất kỳ quốc gia nào đi đầu trong lĩnh vực này. Bởi vậy, cuộc đua giữa các quốc gia trong việc tìm kiếm phương thuốc hữu hiệu có thể dập tắt được ngọn lửa dịch bệnh đang bùng phát và lan rộng trên khắp các châu lục cũng được xem như một cuộc phô diễn về công nghệ y học cũng như tiềm lực tài chính giữa các ông lớn.

NGỌC HÂN

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/thoi-su-quoc-te/doi-song-quoc-te/chay-dua-voi-virus-611165