Cháy nổ điện mặt trời: Cẩn trọng trong lựa chọn thiết bị
Thời gian qua, với sự bùng nổ phát triển điện mặt trời, nhiều người dân đã tự phát lắp đặt và sử dụng hệ thống năng lượng điện mặt trời mái nhà, đặc biệt tại khu vực Tây Nguyên.
Điện mặt trời có thể giúp người dân, các nhà đầu tư thu được tiền nhờ bán điện cho ngành điện. Song ngoài ưu điểm trên, nhiều lo ngại đặt ra liên quan đến việc phòng chống cháy nổ các thiết bị này.
Mới đây, tại nhà sản xuất của Công ty cổ phần Điện Gia Lai, đã xảy ra vụ cháy 60 tấm pin mặt trời. Vụ việc này khiến nhiều người có nhu cầu lắp đặt hệ thống điện mặt trời mái nhà lo ngại về tính an toàn của các thiết bị.
Tuy nhiên, theo ông Mai Duy Thiện, Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng Sạch Việt Nam, phải khẳng định, các tấm pin điện mặt trời không phải nguyên nhân gây cháy nổ. Việc sử dụng thiết bị điện mặt trời cũng tương tự như chúng ta sử dụng các thiết bị tivi, tủ lạnh, điều hòa...
“Việc cháy nổ xảy ra có thể do thi công, quản lý kém, thiết bị sản xuất không đạt chuẩn thì xảy ra chập cháy. Giống như khi sử dụng bóng đèn, nếu vô tình để chập điện thì vẫn gây ra cháy nổ trong gia đình. Hoặc do chúng ta mua phải các thiết bị không đảm bảo chất lượng”, ông Thiện nói.
Ngoài ra, theo ông Thiện, còn là vấn đề về năng lực nhà đầu tư, quản lý của địa phương với các dự án lớn; còn với ngành điện thì khi đấu nối phải nghiệm thu kỹ càng, có trách nhiệm khi đưa vào vận hành sẽ đảm bảo an toàn. Khi lắp đặt, người dân cần một đơn vị có chuyên môn, đảm bảo các vấn đề về môi trường và tuân thủ các khuyến cáo của nhà nước về phòng cháy chữa cháy.
Trong quá trình sử dụng, bản thân người dân, nhà đầu tư cũng phải thường xuyên quan tâm tới các vấn đề bảo dưỡng, kiểm tra thiết bị, các điểm dò điện... để xử lý sớm.
Theo ông Diệp Bảo Cánh, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Năng lượng Mặt trời đỏ - đơn vị sản xuất và thi công lắp đặt điện mặt trời cho nhiều công trình xây dựng, nhà xưởng tại khu vực Tp. Hồ Chí Minh, việc e dè cháy nổ với các thiết bị sử dụng điện là đúng.
Nhưng chỉ cần lựa chọn lắp đặt của các đơn vị uy tín, thiết bị tấm pin đảm bảo chất lượng, đáp ứng các tiêu chuẩn thế giới thì điều này không đáng lo ngại. Như sản phẩm của Mặt trời đỏ có chứng chỉ, chứng nhận về chất lượng, đảm bảo an toàn.
Ngoài ra về phần lắp đặt, nhiều người dân không có chuyên môn đã tự mua về lắp đặt, hoặc thuê các đơn vị tư vấn, lắp đặt có năng lực yếu kém. Điều này khiến công trình kém an toàn. Thứ nữa là các phụ kiện sử dụng cũng không đạt chuẩn; dây điện không đủ tải khiến cho cháy dây, dò điện...
“Với công ty, từ khi lắp đặt đều mua bảo hiểm. Bởi ngoài kiểm tra của đơn vị thi công, nghiệm thu của phòng cháy chữa cháy, ngành điện khi đấu nối vào hệ thống thì cũng có thêm sự thẩm định, kiểm nghiệm của bên bảo hiểm. Điều này sẽ tăng tính đảm bảo an toàn cho mỗi công trình, dự án”, ông Cánh nói.
Thực ra, sử dụng pin mặt trời cũng giống như sử dụng thiết bị điện trong gia đình. Nếu không có sự quan tâm, vệ sinh, bảo dưỡng thì đến một thời điểm, các thiết bị xuống cấp, sẽ dễ gây ra chập cháy.
Theo thông tin từ Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), Cục Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy (Bộ Công an) đã ban hành văn bản hướng dẫn công tác thẩm duyệt thiết kế về phòng cháy chữa cháy đối với nhà máy điện mặt trời và hệ thống điện mặt trời mái nhà; trong đó có nhiều quy định về thẩm duyệt dự án, khuyến cáo để đảm bảo an toàn...
Bản thân EVN cũng đã đưa ra các hạng mục kiểm tra ban đầu khi đấu nối và trong quá trình vận hành dự án điện mặt trời mái nhà; hỗ trợ, tư vấn người dân trong quá trình lắp đặt thiết bị.
Để ngăn chặn cháy nổ hệ thống điện mặt trời mái nhà, chủ đầu tư, người dân cần lựa chọn vật tư phù hợp của đơn vị cung cấp uy tín, có chứng nhận nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng. Cùng với đó là lựa chọn đơn vị lắp đặt uy tín, có kinh nghiệm về điện mặt trời, tránh việc tự ý lắp đặt... /.
Nguồn Bnews: https://bnews.vn/chay-no-dien-mat-troi-can-trong-trong-lua-chon-thiet-bi/180191.html