Cháy rừng ở Indonesia gây mây mù bất thường ở TP Hồ Chí Minh?
Mấy ngày qua, tại thành phố Hồ Chí Minh nói riêng và khu vực Nam Bộ nói chung xuất hiện tình trạng mây mù, nhất là khu vực tiếp giáp sông Sài Gòn (quận Bình Thạnh, quận 1, quận 2). Theo các chuyên gia, đây là hiện tượng ảnh hưởng của ô nhiễm môi trường, đặc biệt là nồng độ bụi mịn cao khiến nhiều người dân lo lắng.
Mấy ngày qua, tại thành phố Hồ Chí Minh nói riêng và khu vực Nam Bộ nói chung xuất hiện tình trạng mây mù, nhất là khu vực tiếp giáp sông Sài Gòn (quận Bình Thạnh, quận 1, quận 2). Theo các chuyên gia, đây là hiện tượng ảnh hưởng của ô nhiễm môi trường, đặc biệt là nồng độ bụi mịn cao khiến nhiều người dân lo lắng.
Mây mù xuất hiện bất thường
TTXVN dẫn lời ông Vũ Viết Đoàn, một người dân sống ở tòa nhà Saigon Pearl, khu vực gần sông Sài Gòn, quận Bình Thạnh cho hay trong hai ngày cuối tuần vừa qua, mây mù tại khu vực này xuất hiện nhiều hơn ngày thường. "Tuy tầm nhìn có bị hạn chế nhưng tôi vẫn chưa thấy có sự thay đổi về mùi trong không khí, mọi sinh hoạt vẫn diễn ra bình thường", ông Đoàn chia sẻ. Tương tự, theo chị Lê Quỳnh Hường, trú tại đường Trần Não, quận 2, khu vực sát gần sông Sài Gòn, mấy ngày gần đây mây mù xuất hiện nhiều ở độ cao 5-6 tầng của chung cư chị sinh sống. Mặc dù khu vực dưới mặt đất mọi thứ vẫn bình thường nhưng chị và nhiều người dân nơi đây không khỏi lo lắng về vấn đề ô nhiễm không khí.
Trước hiện tượng mây mù xuất hiện bất thường những ngày qua, Phó giáo sư, tiến sỹ Hồ Quốc Bằng, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu ô nhiễm không khí và biến đổi khí hậu thuộc Viện Môi trường và Tài nguyên-Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh cho biết để tìm nguyên nhân, đơn vị đã chạy mô hình mô phỏng truy tìm nguồn gốc ô nhiễm không khí tại Thành phố Hồ Chí Minh theo hai chiều và xác định nguyên nhân chính là do ảnh hưởng của cháy rừng ở Indonesia. Cụ thể, ngày 18-9, có những đám cháy rừng lớn và trên diện rộng tại Indonesia mang theo các chất ô nhiễm bay tới Thành phố Hồ Chí Minh, vì vậy thứ sáu (ngày 20/9), nồng độ ô nhiễm không khí đo được tại Thành phố tăng cao đột biến. Tương tự, ngày 22-9, kết quả mô phỏng cũng cho thấy không khí ô nhiễm do cháy rừng ở Indonesia ảnh hưởng đến môi trường của Thành phố Hồ Chí Minh. Nguyên nhân tiếp theo là độ ẩm trong không khí cao (những ngày qua độ ẩm không khí đo được từ 95-100%) và trong khí quyển có các hạt nhân ngưng kết khiến hơi nước bám vào nên xuất hiện sương mù. Ngoài ra, do trời không nắng, không có đủ bức xạ làm nóng mặt đất, tạo ra lớp nghịch nhiệt làm cho các khí ô nhiễm nằm lớp sát mặt đất không phát tán lên cao được. Cộng hưởng với đó là các phát thải từ hoạt động giao thông, công nghiệp và sinh hoạt của người dân... góp phần hình thành nên lớp bụi mịn như sương mù xuất hiện những ngày qua.
Tuy nhiên, ông Lê Đình Quyết, Phó Trưởng Phòng Dự báo, Đài Khí tượng Thủy văn khu vực Nam Bộ lại cho rằng chưa đủ bằng chứng để xác định cháy rừng ở Indonesia liên quan đến hiện tượng mù tại Thành phố Hồ Chí Minh vài ngày qua. Lý giải nguyên nhân xuất hiện mù, ông Lê Đình Quyết cho hay dưới góc độ khí tượng, mấy ngày qua mưa nhiều kết hợp không khí lạnh khuếch tán từ trên xuống, độ ẩm không khí cao, không có nắng, tạo ra sự ngưng kết với các hạt bụi, hạt tổng hợp gây nên hiện tượng mây mù.
Bụi mịn ảnh hưởng sức khỏe người dân
Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Thành phố Hồ Chí Minh, trong sáng 23-9, các chỉ số chất lượng không khí đo tình trạng ô nhiễm không khí và mức độ ảnh hưởng đến sức khỏe của con người (Air Quality Index - AQI) từ phần mềm Air Visual (Mỹ) cho thấy địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh ở mức 128. Đây là mức cảnh báo có hại cho sức khỏe, nhất là nhóm có cơ địa nhạy cảm. Các chuyên gia đánh giá mức độ ô nhiễm bụi mịn tại Thành phố Hồ Chí Minh đang ở mức cao. Không chỉ ở Thành phố Hồ Chí Minh, chỉ số AQI ở các tỉnh khác của khu vực phía Nam từ Bình Thuận đến Cà Mau cũng ở mức nghiêm trọng. Bác sỹ Vũ Xuân Đán - Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Thành phố Hồ Chí Minh cho biết bụi mịn là các hạt tìm thấy trong không khí, bao gồm cả bụi, muội, khói, hạt chất lỏng, có đường kính nhỏ hơn hoặc bằng 2,5 µg/m3 (=1/30 kích thước sợi tóc).
Các hạt bụi này vô cùng nguy hiểm bởi chúng có khả năng đi sâu vào cơ thể ảnh hưởng tới hệ hô hấp, tim mạch và não bộ. Bụi mịn có khả năng xâm nhập sâu vào phổi, thậm chí vào máu nên tác động rất lớn đối với sức khỏe. Việc tiếp xúc với bụi mịn trong ngắn hạn và dài hạn gây nên những bệnh về đường hô hấp như viêm hô hấp trên (viêm mũi, viêm xoang), viêm đường hô hấp dưới (viêm phế quản, viêm phổi, ung thư phổi), làm phổi không phát triển bình thường ở trẻ em. Việc tiếp xúc với bụi mịn ở thời gian ngắn có thể gây rối loạn nhịp tim, tiếp xúc trong thời gian dài gây bệnh động mạch vành, bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính... Bên cạnh đó, trong bụi mịn có thành phần là các chất hữu cơ thơm đa vòng (PAH), các kim loại, chất hóa học vô cơ phát sinh do quá trình đốt cháy nhiên liệu trong giao thông và công nghiệp là những chất nguy cơ gây ung thư cao. "Đối tượng chịu nhiều ảnh hưởng của bụi mịn, ô nhiễm không khí là những người mắc bệnh mãn tính (hen suyễn, hô hấp, tim mạch), người già có hệ miễn dịch suy yếu, trẻ em có hệ miễn dịch chưa hoàn chỉnh," bác sỹ Vũ Xuân Đán cho hay.
Cũng theo bác sỹ Vũ Xuân Đán, để phòng ngừa hít phải bụi mịn, người dân cần hạn chế ra đường, nhất là vào giờ cao điểm bởi thời điểm này nồng độ bụi mịn cao do lượng xe lưu thông lớn, kẹt xe làm thời gian tiếp xúc dài với bụi mịn và lượng bụi mịn đi vào cơ thể nhiều; hạn chế các hoạt động thể lực, thể thao gần đường giao thông. Nếu bắt buộc phải ra đường, bác sỹ Vũ Xuân Đán khuyến cáo người dân nên mang những loại khẩu trang có kích thước lọc nhỏ như N95 (có thể lọc hạt có kích thước 0,45 um). Bên cạnh đó, cần hạn chế hút thuốc lá, hạn chế đốt nhang, đốt vào những giờ có ít người tiếp xúc, không lựa chọn các loại nhang có mùi thơm nhiều.