Chế độ dưỡng sức sau khi nghỉ thai sản

Lao động nữ sau thời gian hưởng chế độ khi sẩy thai, nạo, hút thai hoặc thai chết lưu, hoặc sau thời gian hưởng chế độ khi sinh con mà sức khỏe còn yếu thì được nghỉ dưỡng sức, phục hồi sức khỏe.

Ảnh minh họa

Bà Lương Thị My Âu (luongthimiaubl@....) sinh mổ ngày 28/2/2013, nghỉ thai sản đến ngày 28/8/2013 thì đi làm lại. Ngày 29/8/2013, do sức khỏe còn yếu nên bà Âu làm đơn xin nghỉ dưỡng sức từ ngày 30/8/2013 đến ngày 5/9/2013 (7 ngày) và được cơ quan BHXH duyệt thanh toán chi dưỡng sức 7 ngày.

Vừa qua đoàn kiểm tra việc chi trả chế độ BHXH tại đơn vị bà Âu đã yêu cầu đơn vị thu hồi lại toàn bộ số tiền đã chi nghỉ dưỡng sức cho bà, lý do là đơn vị có trả lương cho bà vào những ngày BHXH đã chi trả.

Theo bà Âu, BHXH chỉ thu hồi tiền nghỉ dưỡng sức của bà vào những ngày làm việc, còn ngày thứ 7, chủ nhật, ngày lễ 2/9 là ngày bà được nghỉ và được cơ quan BHXH chi trả.

Bà Âu hỏi, thời gian nghỉ dưỡng sức có tính cả ngày nghỉ hàng tuần và ngày lễ không? Việc thu hồi toàn bộ tiền nghỉ dưỡng sức của bà là đúng hay sai?

Luật sư Trần Văn Toàn, Văn phòng Luật sư Khánh Hưng - Đoàn Luật sư Hà Nội trả lời thắc mắc của bà Âu như sau:

Theo khoản 1 Điều 37 Luật BHXH và hướng dẫn tại Điều 17 Nghị định số 152/2006/NĐ-CP, chế độ dưỡng sức, phục hồi sức khỏe sau thai sản được quy định như sau:

Lao động nữ sau thời gian hưởng chế độ khi sẩy thai, nạo, hút thai hoặc thai chết lưu, hoặc sau thời gian hưởng chế độ khi sinh con mà sức khỏe còn yếu thì được nghỉ dưỡng sức, phục hồi sức khỏe.

Thời gian nghỉ dưỡng sức, phục hồi sức khỏe trong một năm tính cả ngày nghỉ lễ, nghỉ Tết, ngày nghỉ hàng tuần, ngày đi và về nếu nghỉ tại cơ sở tập trung. Số ngày nghỉ dưỡng sức, phục hồi sức khỏe do người sử dụng lao động và Ban Chấp hành Công đoàn cơ sở hoặc Ban Chấp hành Công đoàn lâm thời quyết định, cụ thể như sau:

- Tối đa 10 ngày đối với lao động nữ sinh một lần từ 2 con trở lên.

- Tối đa 7 ngày đối với lao động nữ sinh con phải phẫu thuật.

- Bằng 5 ngày đối với các trường hợp khác.

Mức hưởng dưỡng sức, phục hồi sức khỏe một ngày:

- Bằng 25% mức lương tối thiểu chung nếu nghỉ dưỡng sức, phục hồi sức khỏe tại gia đình.

- Bằng 40% mức lương tối thiểu chung nếu nghỉ dưỡng sức, phục hồi sức khỏe tại cơ sở tập trung, mức hưởng này tính cả tiền đi lại, tiền ăn và ở.

Theo quy định này, điều kiện lao động nữ được nghỉ dưỡng sức, phục hồi sức khỏe sau thời gian hưởng chế độ khi sẩy thai, nạo, hút thai hoặc thai chết lưu hoặc sau thời gian hưởng chế độ khi sinh con là sức khỏe của họ còn yếu không thể đi làm được, không thể tham gia công tác, lao động sản xuất được.

Trong thời gian nghỉ dưỡng sức, phục hồi sức khỏe, BHXH chi trả chế độ theo mức quy định tại khoản 3 Điều 17 Nghị định 152/2006/NĐ-CP. Do lao động nữ nghỉ dưỡng sức, phục hồi sức khỏe, không đi làm được nên người sử dụng lao động sẽ không phải trả tiền lương trong thời gian người lao động nghỉ việc (bao gồm cả ngày nghỉ lễ, nghỉ Tết, ngày nghỉ hàng tuần nằm trong khoảng thời gian nghỉ việc dưỡng sức).

Do vậy Luật BHXH quy định BHXH chi trả chế độ nghỉ dưỡng sức, phục hồi sức khỏe đối với lao động nữ sau thai sản cho tất cả các ngày nghỉ mà họ không làm việc, không được người sử dụng lao động trả lương (tính cả ngày nghỉ lễ, nghỉ Tết, ngày nghỉ hàng tuần, ngày đi và về nếu nghỉ tại cơ sở tập trung) là bảo đảm quyền lợi tốt nhất cho lao động nữ.

Trường hợp bà Lương Thị My Âu, sau khi nghỉ thai sản mà sức khỏe còn yếu không thể đi làm được thì được nghỉ dưỡng sức, phục hồi sức khỏe, hưởng chế độ do BHXH chi trả đối với toàn bộ số ngày được nghỉ (bao gồm ngày lễ, ngày tết, ngày nghỉ hàng tuần).

Nếu sau thời gian nghỉ thai sản, bà Âu đã đi làm, thì người sử dụng lao động mới chi trả tiền lương cho thời gian làm việc và những ngày nghỉ được hưởng lương theo quy định của Bộ luật Lao động.

Trong trường hợp bà Âu đã đi làm, hưởng lương do người sử dụng lao động chi trả, thì việc cùng một lúc vừa hưởng lương, vừa hưởng cả chế độ nghỉ dưỡng sức, phục hồi sức khỏe do BHXH chi trả là lạm dụng, sai đối tượng. Khi bị phát hiện, BHXH thu hồi toàn bộ khoản tiền đã chi sai đối tượng (bao gồm cả số tiền đã chi cho ngày nghỉ vào ngày lễ, ngày nghỉ hàng tuần) là đúng quy định.

Luật sư Trần Văn Toàn

VPLS Khánh Hưng, Đoàn Luật sư Hà Nội

* Thông tin chuyên mục có giá trị tham khảo với người đọc, không dùng làm tài liệu trong tố tụng pháp luật.

Nguồn Chính Phủ: http://baodientu.chinhphu.vn/tra-loi-cong-dan/che-do-duong-suc-sau-khi-nghi-thai-san/183075.vgp