Chế Lan Viên – nhà thơ mang tình yêu với nhân dân và Tổ quốc vào thơ ca

Để tưởng nhớ một nhà thơ tài năng, nhà hoạt động văn hóa có vị trí quan trọng trong nền văn học Việt Nam hiện đại, Hội Nhà văn Việt Nam đã tổ chức lễ kỷ niệm 100 năm Ngày sinh nhà thơ Chế Lan Viên (20-10-1920/20-10-2020) tại Hà Nội vào sáng 27-10.

Đông đảo của các nhà văn, nhà thơ tham dự buổi lễ đã cùng nhau ôn lại chặng đường văn học của nhà thơ Chế Lan Viên và đắm chìm trong những vần thơ của thi sĩ đã để lại cho đời những tác phẩm văn học quý báu.

Thơ Chế Lan Viên mang sức mạnh của những binh đoàn ra trận

Nhà thơ Hữu Thỉnh, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam cho rằng: Nếu tất cả các nhà thơ còn lại là sự thăng hoa của tâm hồn thì Chế Lan Viên là sự thăng hoa của trí tuệ; nếu các nhà thơ còn lại rung động trữ tình thì Chế Lan Viên là đanh thép của chính luận; nếu các nhà thơ còn lại là ru ca, tình ca, thì Chế Lan Viên là tráng ca, hùng ca. Chế Lan Viên không chỉ bổ sung cho thơ ca những bài thơ hay, tập thơ hay mà ông bổ sung cho thơ ca một từ trường, cấu trúc của nền thơ đất nước theo nghĩa chiến lược. Chế Lan Viên có công rất lớn mở rộng không gian của thơ. Thơ ông có nhiều tầng văn hóa.

 Nhà thơ Hữu Thỉnh, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam phát biểu tại Lễ kỷ niệm.

Nhà thơ Hữu Thỉnh, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam phát biểu tại Lễ kỷ niệm.

Theo nhà nghiên cứu văn học Lưu Khánh Thơ, thơ Chế Lan Viên trong những năm chiến tranh mang sức mạnh của những binh đoàn ra trận. Thơ có thể là “Chim báo bão”, có thể là “Hoa ngày thường”, nhưng luôn mang niềm tin và sức mạnh của một tình yêu lớn đối với nhân dân và Tổ quốc. Từ năm 1956-1975, với phong cách trữ tình, chính luận, ông đã phát huy thế mạnh của mình để viết nên những bài thơ có ý nghĩa khái quát, mang tầm vóc sử thi như: Tổ quốc bao giờ đẹp thế này chăng; Con mắt Bạch Đằng… Cảm hứng về Tổ quốc, về dân tộc là cảm hứng chủ đạo, ra đời nhiều bài thơ trong thời kỳ chống Mỹ cứu nước của Chế Lan Viên. Những vần thơ chính luận của Chế Lan Viên đã góp phần cổ vũ bao người lên đường đánh giặc “Ôi Tổ quốc ta yêu như máu thịt/Như mẹ cha ta, như vợ như chồng/Ôi Tổ quốc nếu cần ta chết/Cho mỗi ngôi nhà, ngọn núi, non sông…).

Tự nguyện biến thơ mình thành công cụ vận động đồng bào đánh giặc cứu nước, đó là nhận xét của nhà thơ Vũ Quần Phương về phong cách thơ của Chế Lan Viên trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp. Trong kháng chiến chống Mỹ, thơ của ông còn là "chỗ dựa tâm hồn" cho những chiến sĩ khi ra trận.

“Thơ đánh giặc của Chế Lan Viên là thơ bình luận về phẩm chất anh hùng, lý tưởng cao cả và sự hy sinh to lớn của nhân dân ta trong cuộc chiến chống lại kẻ thù xâm lược”, nhà thơ Vũ Quần Phương cho biết.

GS Hà Minh Đức, nguyên Viện trưởng Viện Văn học cho rằng, những bài thơ đánh giặc thể hiện vấn đề về thế sự, ý chí căm thù giặc và tình yêu quê hương, đất nước của nhà thơ:“Giặc Mỹ mày đến đây/Thì ta tiêu diệt ngay/Trời xanh ta nổi lửa/Biển xanh ta diệt mày”. Mạch thơ đã tố cáo và vạch trần âm mưu của kẻ xâm lược.

Thơ của Chế Lan Viên giai đoạn kháng chiến chống Mỹ đã phản ánh tinh thần chiến đấu dũng cảm của nhân dân Việt Nam. Các tác phẩm của ông đã khéo léo kết hợp hai mạch thơ chính luận hào sảng, mạnh mẽ với mạch thơ trữ tình xúc động, điều này không dễ thực hiện với thơ ca.

Thơ bắt kịp đời sống

Chế Lan Viên là nhà thơ tái nhận thức, tái điều chỉnh, tự vận động không ngừng, cốt cho thơ bắt kịp với đời sống.

Sự hòa hợp những yếu tố nội dung và hình thức trong thơ Chế Lan Viên đã tạo nên một phong cách thơ độc đáo, luôn có sự vận động và biến đổi. Sự nghiệp thơ ca của Chế Lan Viên được tạo dựng bằng tài năng thiên phú và sức lao động sáng tạo không ngừng nghỉ trong suốt cuộc đời.

Theo nhà thơ Hữu Thỉnh, thơ của Chế Lan Viên đem đến sự hài hòa, đó là sự hài hòa của trời đất, đêm ngày... Không có “Điêu tàn”, không có Chế Lan Viên, Thơ mới vẫn hay nhưng hay một cách đơn tuyến. Có Chế Lan Viên, có “Điêu tàn”, Thơ mới hay một cách đa tuyến. Nói đến thơ Chế Lan Viên không chỉ giới hạn trong cái nghĩa ông làm phong phú, hài hòa cho nền thơ đất nước gần một thế kỷ nay mà trước hết ông tự làm phong phú, hài hòa trong chính thơ mình.

GS, TS Trần Đăng Suyền khẳng định: Thơ Chế Lan Viên chinh phục người đọc trước hết bằng trí tuệ thông minh, vô cùng sắc sảo. Ngòi bút của ông có khả năng chạm vào cốt lõi của những vấn đề về cuộc sống và con người, dân tộc và thời đại. Tư duy thơ Chế Lan Viên độc đáo ở chỗ, đó là kiểu tư duy không chỉ dừng lại ở cảm xúc, bề ngoài của sự vật mà còn luôn có ý thức khám phá cái bên trong, bản chất của đối tượng, hướng tới nắm bắt ý nghĩa hàm ẩn sâu xa trong mỗi sự vật, hiện tượng và bằng những hình tượng, biểu tượng nhiều tầng, đa nghĩa.

Tài thơ thiên bẩm, ý chí và nghị lực phi thường, ý thức lao động nghệ thuật hết mình, gắn bó sâu sắc với Tổ quốc, nhân dân và thời đại, đã tạo nên một nhà thơ lớn Chế Lan Viên mà cho đến nay ít có cây bút nào sánh kịp. Ông đã để lại một sự nghiệp thơ lớn lao, có sức sống mãnh liệt trong lòng độc giả.

Bài, ảnh: KHÁNH HUYỀN

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/van-hoa-giao-duc/van-hoc-nghe-thuat/che-lan-vien-nha-tho-mang-tinh-yeu-voi-nhan-dan-va-to-quoc-vao-tho-ca-642141