Chế tài mạnh với doanh nghiệp có dấu hiệu gian dối khi cung cấp thông tin hải quan

Số hóa việc thu thập, trao đổi thông tin và rõ chế tài đối với các doanh nghiệp có dấu hiệu gian dối là những trọng tâm mà ngành Hải quan đặt ra trong công tác quản lý rủi ro năm 2022.

Phát hiện nhiều vi phạm

Thời gian qua, nhiệm vụ thu thập xử lý thông tin được ngành Hải quan lưu tâm để xác định sớm các đối tượng rủi ro đưa vào diện quản lý, theo dõi. Theo báo cáo mới nhất của Cục Quản lý rủi ro (Tổng cục Hải quan), triển khai kế hoạch thu thập xử lý thông tin năm 2021, trên cơ sở danh sách 15.929 doanh nghiệp (DN) được phân bổ thu thập thông tin, các cục hải quan tỉnh, thành phố đã chủ động lập kế hoạch triển khai các hoạt động thu thập xử lý thông tin.

Cũng trong năm 2021, thông tin về 14.548 DN/15.929 DN có hoạt động xuất nhập khẩu, quá cảnh hàng hóa; thông tin đại lý làm thủ tục hải quan đã được thu thập, đạt 91,3% cao hơn năm 2020 (83%). Một số cục hải quan tỉnh, thành phố đạt kết quả cao như các Cục Hải quan: Bình Dương, Bình Định, Hải Phòng, TP. Hồ Chí Minh, Quảng Ninh, Khánh Hòa.

Cán bộ hải quan TP. Hồ Chí Minh kiểm tra thông tin hàng hóa trên hóa đơn và thực tế của doanh nghiệp.

Thực tế, việc thu thập thông tin để phân tích đánh giá rủi ro, xác định trọng điểm đã phát huy hiệu quả trong việc ngăn ngừa, phát hiện, kiểm soát chặt các đối tượng rủi ro và tạo thuận lợi cho DN tuân thủ tốt. Đồng thời chủ động hướng dẫn, xử lý các vướng mắc liên quan đến công tác xác định trọng điểm. Trên cơ sở các hồ sơ địa bàn, hồ sơ rủi ro, văn bản chỉ đạo của Tổng cục Hải quan, Cục Quản lý rủi ro đã rà soát dữ liệu, phân tích thông tin, tập trung xác định các đối tượng trọng điểm thuộc một số loại hình, lĩnh vực, ngành hàng rủi ro và áp dụng đồng bộ, linh hoạt các biện pháp kiểm soát rủi ro đối với các lô hàng có dấu hiệu rủi ro, dấu hiệu vi phạm. Qua đó, đơn vị đã cung cấp thông tin đối tượng trọng điểm, cảnh báo rủi ro cho các đơn vị nghiệp vụ để tiếp tục xử lý theo chức năng, thẩm quyền.

Ví dụ riêng tuyến đường biển, năm vừa qua, đơn vị đã cung cấp thông tin về 16 lô hàng trọng điểm và 5 DN rủi ro cao cho Cục Điều tra chống buôn lậu (Tổng cục Hải quan), thông tin về 3 lô hàng trọng điểm cho Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Cái Mép (Cục Hải quan Bà Rịa - Vũng Tàu)… Trong đó, cung cấp thông tin về 5 lô hàng tiêu dùng trọng điểm qua hình ảnh soi chiếu phát hiện nghi vấn và tồn quá 90 ngày tại cảng Hải Phòng cho Cục Điều tra chống buôn lậu xử lý. Kết quả khám xét, lực lượng Hải quan đã phát hiện số lượng lớn hàng hóa nhập khẩu (NK) không khai báo, hàng hóa NK có điều kiện, hàng cấm trong 4 lô hàng như mỹ phẩm, thực phẩm, rượu, dầu gội, đồ gia dụng, quần áo mới, quần áo cũ đã qua sử dụng, hàng điện tử đã qua sử dụng…

Tại cảng Cái Mép, Cục Quản lý rủi ro chuyển giám sát trực tuyến một lô hàng chứa động cơ đã qua sử dụng. Lô hàng này đã được điều chỉnh 2 lần (từ người nhận hàng tại Việt Nam sang DN tại Campuchia; sau đó điều chỉnh người nhận hàng tại Campuchia sang DN tại Lào) để hợp thức hóa hàng quá cảnh là động cơ đã qua sử dụng.

Số hóa việc thu thập xử lý thông tin

Cũng qua phân tích đánh giá rủi ro, xác định trọng điểm, lực lượng Hải quan các cấp đã phát hiện nhiều vụ gian lận xuất xứ, khai báo sai, NK hàng hóa không đáp ứng điều kiện; phải kiểm tra chuyên ngành mà không có thông báo kết quả kiểm tra chuyên ngành… Điều đáng nói, có DN khai báo là nhập nguyên liệu gia công sản xuất xuất khẩu từ Trung Quốc nhưng lại NK hàng thành phẩm ghi “Made in Vietnam”.

Điển hình vụ phát hiện lô hàng cập cảng Cát Lái của Công ty TNHH hàng thủ công XIN DONG YA Việt Nam khai báo là nguyên liệu gia công sản xuất xuất khẩu từ Trung Quốc. Tuy nhiên, qua kiểm tra thực tế, toàn bộ hàng hóa là 194.700 chiếc túi xách thân thiện với môi trường, mới 100%, trên thùng carton ghi "Made in Vietnam".

Tương tự, lô hàng cập cảng Hải Phòng của Công ty TNHH gốm sứ Khánh Thái khai báo là mặt hàng bình gốm nhưng không có nhãn gốc, tổng trị giá hàng vi phạm là 652 triệu đồng, phạt tiền 55 triệu đồng. Cục Hải quan TP. Hồ Chí Minh cũng đã phát hiện 80 container vi phạm.

Thu thập 100% chỉ tiêu thông tin doanh nghiệp trong năm 2021

Năm 2021, ngành Hải quan đã thu thập thông tin của 271 doanh nghiệp thuộc lĩnh vực kinh doanh đặc thù, đạt 100% chỉ tiêu phân bổ. Đó là, doanh nghiệp cung ứng dịch vụ bưu chính quốc tế, dịch vụ chuyển phát nhanh quốc tế, doanh nghiệp kinh doanh hàng miễn thuế, doanh nghiệp kinh doanh cảng, kho, bãi... Cùng với đó, thu thập đầy đủ 19.017 lượt thông tin về phương tiện vận tải xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh; thông tin doanh nghiệp kinh doanh vận tải hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu, quá cảnh...

Nhận định đây là một nhiệm vụ quan trọng, mới đây, Tổng cục Hải quan đã ban hành Kế hoạch thu thập xử lý thông tin năm 2022. So với kế hoạch thu thập xử lý thông tin năm 2021, để đảm bảo việc đánh giá tuân thủ, xếp hạng rủi ro kịp thời, chính xác trong khi các chỉ tiêu thông tin phục vụ hệ thống tự động đánh giá, kế hoạch thu thập xử lý thông tin năm 2022 đã yêu cầu các cục hải quan tỉnh, thành phố tập trung thực hiện thu thập, xử lý thông tin người khai hải quan có trụ sở đóng theo địa bàn.

Theo đó, kế hoạch cũng đã đặt ra mục tiêu thu thập, cập nhật vào hệ thống 100% các chỉ tiêu thông tin đáp ứng yêu cầu tự động đánh giá tuân thủ, phân loại rủi ro đối với người khai hải quan trên hệ thống nghiệp vụ.

Cũng theo Cục Quản lý rủi ro, về biện pháp, cách thức thực hiện, so với kế hoạch năm 2021, kế hoạch lần này đã yêu cầu các đơn vị đẩy mạnh việc ứng dụng số hóa các thông tin trao đổi, cung cấp. Cụ thể, các đơn vị cần đẩy mạnh việc thu thập, trao đổi thông tin qua hệ thống hoặc môi trường điện tử, hạn chế sử dụng văn bản giấy trừ trường hợp cần thiết để đảm bảo việc triển khai hải quan số, hải quan thông minh. Đồng thời, chỉ đạo các chi cục trực thuộc chủ động thông báo, hướng dẫn DN sử dụng dịch vụ công trực tuyến (tại địa chỉ https://pus.customs.gov.vn/) để gửi Phiếu cung cấp, bổ sung thông tin DN tới cơ quan Hải quan theo phương thức nộp hồ sơ điện tử.

Mặt khác, về xử lý thông tin sau khi thu thập, các đơn vị cần tăng cường phối hợp với các cơ quan thuế, công an, quản lý thị trường, các cơ quan quản lý liên quan trên địa bàn để tiến hành xác minh, thẩm định độ tin cậy của thông tin người khai hải quan cung cấp trong trường hợp thông tin có dấu hiệu khai báo sai lệch, không đúng thực tế.

Kế hoạch thu thập xử lý thông tin năm 2022 nêu rõ chế tài đối với các DN không hợp tác, không cung cấp thông tin hoặc cung cấp thông tin không chính xác, có dấu hiệu gian dối. Ngoài các biện pháp phối hợp với cơ quan thuế trên địa bàn xác minh, Cục Quản lý rủi ro yêu cầu các cục hải quan tỉnh, thành phố chỉ đạo công chức cập nhật tình trạng không hợp tác của DN vào Hệ thống CRMS. Theo đó, thông tin này sẽ trực tiếp tác động đến phân loại rủi ro, đánh giá mức độ tuân thủ của DN.

Hải quan bắt giữ hơn 85.000 test nhanh Covid-19 nhập lậu

Ngày 17/2, tại khu vực sân bay quốc tế Nội Bài, Cục Điều tra chống buôn lậu (Tổng cục Hải quan) chủ trì, phối hợp với Cục Hải quan Hà Nội tiến hành kiểm tra lô hàng vi phạm.

Theo Cục Điều tra chống buôn lậu, thực hiện ý kiến chỉ đạo của lãnh đạo Tổng cục Hải quan về tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát với mặt hàng thiết bị y tế phòng chống dịch covid 19, Cục Điều tra chống buôn lậu đã chủ trì, phối hợp với Cục Hải quan Hà Nội phát hiện, theo dõi và khám xét một lô hàng test Covid-19 có dấu hiệu nhập lậu, vi phạm pháp luật hải quan.

Lô hàng được vận chuyển từ Hàn Quốc về Việt Nam qua sân bay quốc tế Nội Bài, Hà Nội. Kết quả khám xét phát hiện hơn 85.000 test nhanh Covid các loại có xuất xứ Hàn Quốc, trị giá ước tính trên 8 tỷ đồng.

Theo quy định mặt hàng test Covid là mặt hàng nhập khẩu có điều kiện, phải có giấy phép của Bộ Y tế. Tuy nhiên, các đối tượng đã sử dụng thủ đoạn khai báo hàng hóa chung chung, khai báo sai tên hàng hóa để nhập lậu.

Vụ việc đang được cơ quan Hải quan tiếp tục điều tra xác minh, làm rõ theo quy định.

Nguồn Thời báo Tài chính: https://thoibaotaichinhvietnam.vn/che-tai-manh-voi-doanh-nghiep-co-dau-hieu-gian-doi-khi-cung-cap-thong-tin-hai-quan-100514.html