Chế tài nào với người bỏ cọc đấu giá biển số ô tô?
Các chuyên gia cho rằng hiện tại không có chế tài xử lý đối với những trường hợp bỏ cọc đấu giá biển số xe. Tuy nhiên, điều này gây mất thời gian và ảnh hưởng đến những người có nhu cầu thực sự.
Muốn chuyển nhượng biển số phải kèm xe
Cuối chiều 15.9, thông tin về kết quả phiên đấu giá biển số xe ô tô, Cục Cảnh sát giao thông cho biết phiên đấu giá nhằm thực hiện Nghị quyết số 73/2022/QH15 của Quốc hội về thí điểm đấu giá biển số ô tô.
Tổng số tiền trúng đấu giá đợt vừa qua là 82,325 tỉ đồng, bao gồm 11 biển số xe ô tô của 10 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (19A-555.55, 30K-555.55, 15K-188.88, 99A-666.66, 36A-999.99, 43A-799.99, 47A-599.99, 51K-888.88, 98A-666.66, 65A-399.99, 30K-567.89).
Giá trúng cao nhất là 32,34 tỉ đồng (biển 51K-888.88 của TP.HCM, giá trúng thấp nhất là 650 triệu đồng (biển 15K-188.88 của Hải Phòng).
Thu hút nhiều người tham gia nhất là cuộc đấu giá biển số 30K-567.89 của Hà Nội với 92 người đăng ký, trong đó số tham gia đấu giá là 91 người, số trả giá là 67 người. Tiếp đến là biển số 51K-888.88 của TP.HCM với 83 người đăng ký, trong đó số tham gia đấu giá là 82 người, số trả giá là 60 người.
Trao đổi với phóng viên Một Thế Giới về vấn đề này, luật sư Hà Thị Khuyên - Trưởng văn phòng Luật sư Nhân Chính (Đoàn Luật sư Hà Nội) phân tích: căn cứ quy định tại Thông tư 24/2023/TT-BCA, tổ chức, cá nhân chỉ được chuyển nhượng biển số xe ô tô trúng đấu giá kèm theo chuyển quyền sở hữu xe đã đăng ký biển số xe trúng đấu giá đó.
“Người sở hữu biển số xe trúng đấu giá sẽ không thể chuyển nhượng biển số một cách độc lập. Thay vào đó, biển số chuyển nhượng phải đi kèm với chiếc xe đã được đăng ký biển số đó. Nếu muốn chuyển nhượng biển số, người mua sẽ phải mua luôn chiếc xe đang gắn biển đó”, bà Khuyên nói.
Tuy nhiên, bà Khuyên cũng cho rằng dù không thể chuyển nhượng riêng biển số đấu giá nhưng quy định này cũng đã có phần dễ hơn so với biển số định danh, vốn là loại biển số không thể chuyển nhượng.
Theo luật sư Khuyên, thủ tục đăng ký xe đối với trường hợp chuyển quyền sở hữu xe kèm theo biển số xe trúng đấu giá như sau: Chủ xe nộp hồ sơ và làm thủ tục thu hồi theo quy định tại khoản 1 điều 14, khoản 1 điều 15 Thông tư 24/2023/TT-BCA. Chủ xe không phải nộp lại biển số xe trúng đấu giá nhưng phải nộp bản sao chứng từ chuyển quyền sở hữu xe và xuất trình bản chính để đối chiếu (chứng từ chuyển quyền sở hữu phải thể hiện rõ nội dung chuyển quyền sở hữu xe kèm theo biển số trúng đấu giá).
Tổ chức, cá nhân nhận chuyển quyền sở hữu xe nộp hồ sơ và làm thủ tục đăng ký sang tên xe theo quy định tại khoản 2 điều 14, khoản 2 điều 15 Thông tư 24/2023/TT-BCA và được đăng ký, giữ nguyên biển số xe trúng đấu giá (chứng từ chuyển quyền sở hữu phải thể hiện rõ nội dung chuyển quyền sở hữu xe kèm theo biển số trúng đấu giá).
Chưa có chế tài việc bỏ cọc
Ngoài ra, với mức trả giá bất ngờ lên tới hơn 32 tỉ đồng, nhiều ý kiến cũng lo ngại về trường hợp người trúng đấu giá “bỏ cọc”.
Trao đổi về trường hợp bỏ cọc, bà Khuyên cũng cho biết tiền đặt trước được gửi vào một tài khoản thanh toán riêng của tổ chức đấu giá tài sản mở tại ngân hàng kể từ khi đăng ký tham gia cho đến trước thời điểm tổ chức đấu giá 3 ngày. Trường hợp trúng đấu giá, tiền đặt trước được chuyển vào tài khoản chuyên thu của Bộ Công an để nộp vào ngân sách nhà nước theo quy định.
Việc xử lý tiền đặt trước trong các trường hợp cụ thể được thực hiện theo quy định tại điều 39 Luật Đấu giá tài sản 2016. Người tham gia đấu giá sẽ không được nhận lại tiền đặt cọc nếu từ chối kết quả trúng đấu giá.
Bà Khuyên cho hay, theo điều 16 Nghị định 39 thì trong vòng 15 ngày kể từ ngày thông báo kết quả trúng đấu giá, người trúng đấu giá phải nộp đầy đủ số tiền nộp trúng đấu giá sau khi đã trừ đi số tiền đã đặt trước.
Trường hợp người trúng đấu giá không hoàn thành nghĩa vụ tài chính thì kết quả trúng đấu giá bị hủy theo quy định tại điểm a, khoản 3, điều 19 Nghị định 39 do “người trúng đấu giá không nộp đủ tiền trúng đấu giá trong thời hạn quy định tại điều 16 nghị định này”.
Đây cũng có thể được xem là trường hợp từ chối kết quả đấu giá theo quy định điểm đ, khoản 6 điều 39 Luật Đấu giá năm 2016, khi ấy họ sẽ không được nhận lại số tiền đặt cọc đấu giá trước đó đã nộp. Số tiền đặt cọc sẽ được nộp vào ngân sách nhà nước theo quy định tại khoản 4 điều 19 Nghị định 39 “Biển số xe ô tô trúng đấu giá được đưa ra đấu giá lại; số tiền đặt trước, số tiền trúng đấu giá mà người trúng đấu giá đã nộp không được hoàn trả lại và được nộp vào ngân sách nhà nước trong các trường hợp quy định tại khoản 1, 2, 3 điều này”.
Trả lời báo chí, luật sư Lê Hồng Hiển cũng cho biết Chính phủ cũng quy định rõ nếu người trúng đấu giá không nộp đủ tiền trong thời gian quy định, kết quả đấu giá sẽ bị hủy. Biển số xe sẽ được đưa ra đấu giá lại, đồng thời số tiền đặt trước (40 triệu đồng) sẽ không được hoàn lại và được nộp vào ngân sách nhà nước.
Ông Hiển cũng khẳng định hiện không có chế tài xử lý đối với những trường hợp bỏ cọc đấu giá biển số xe.
Các chuyên gia cũng cho rằng theo Nghị định 39 quy định nếu người trúng đấu giá không nộp đủ tiền trong thời gian quy định, kết quả đấu giá sẽ bị hủy và biển số xe sẽ được đưa ra đấu giá lại, đồng thời số tiền đặt trước (40 triệu đồng) sẽ không được hoàn lại và được nộp vào ngân sách nhà nước.
Ngoài các quy định trên thì hiện tại không có chế tài xử lý đối với những trường hợp bỏ cọc đấu giá biển số xe. Tuy nhiên, việc đẩy giá trúng đấu giá biển số lên cao rồi bỏ cọc sẽ gây thiệt hại về thời gian, tiền bạc cho nhiều người có nhu cầu thực và cơ quan chức năng.