Chỉ 1% người dân Hà Nội sử dụng đường sắt đô thị, cách nào tăng sức hút?

Hà Nội đang triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm đẩy nhanh xây dựng mạng lưới đường sắt đô thị, hướng tới mục tiêu hơn 600 km metro vào năm 2045, qua đó giải bài toán ùn tắc giao thông và bảo vệ môi trường.

Hiện tại, Hà Nội có hai tuyến metro đang hoạt động. Đầu tiên là tuyến metro số 2A (Cát Linh - Yên Nghĩa), được khai trương vào tháng 11/2021 với tổng chiều dài 13 km.

Tuyến metro số 2A có 12 ga bao gồm Cát Linh, La Thành, Thái Hà, Láng, Thượng Đình, Vành Đai 3, Phùng Khoang, Văn Quán, Hà Đông, La Khê, Văn Khê, và Yên Nghĩa. Năm 2023, tuyến 2A phục vụ trung bình 29.600 lượt hành khách mỗi ngày.

Tính ưu việt của metro

Tuyến thứ hai là tuyến metro số 3 (giai đoạn I), chạy từ ga Nhổn đến ga Cầu Giấy, đi vào hoạt động từ tháng 8/2024. Tuyến này dài 8,5 km với 8 nhà ga: Nhổn (S1), Minh Khai (S2), Phú Diễn (S3), Cầu Diễn (S4), Lê Đức Thọ (S5), Đại học Quốc Gia (S6), Chùa Hà (S7), và Cầu Giấy (S8). Trong thời gian khai trương, tuyến này ghi nhận khoảng 60.000 lượt hành khách mỗi ngày.

Hà Nội đang có 2 tuyến đường sắt đô thị (metro) đang vận hành.

Hà Nội đang có 2 tuyến đường sắt đô thị (metro) đang vận hành.

Thực tế cho thấy từ khi đi vào vận hành, cả 2 tuyến đường sắt đô thị tại Hà Nội đang vận hành an toàn, ổn định, chất lượng phục vụ tốt, kết quả bước đầu đã chứng minh ưu thế của một phương thức vận tải nhanh, khối lượng lớn, văn minh, hiện đại.

Cả 2 tuyến đường tàu Cát Linh – Hà Đông và Nhổn – ga Hà Nội đều được đánh giá là giải pháp quan trọng, căn bản để giải quyết tình trạng ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường trong tương lai, hướng tới xây dựng Thủ đô văn minh, hiện đại, an toàn và sinh thái.

Điển hình, với Tuyến 2A Cát Linh - Hà Đông, sau gần 3 năm đi vào khai thác, tổng sản lượng hành khách phục vụ đã lên tới con số hàng triệu hành khách, với hơn 24.500 lượt tàu an toàn.

Qua khảo sát của Công ty TNHH MTV Đường sắt Hà Nội, 60% hành khách từ bỏ xe máy để đi tàu điện Cát Linh – Hà Đông. Con số này phản ánh đúng với những lợi ích mà đường sắt đô thị đem lại, đó là an toàn, thuận tiện và quan trọng là đúng giờ.

Trong bối cảnh tắc đường vẫn là bài toán khó vào giờ cao điểm tại nhiều tuyến phố Thủ đô, việc người dân lựa chọn đường sắt đô thị là hợp lý và chính đáng. Theo thống kê, cứ 1 triệu chuyến di chuyển bằng xe cá nhân, nếu chuyển sang tàu điện sẽ giúp giảm 487 nghìn giờ tham gia giao thông trên đường, giúp giảm khí thải và ùn tắc giao thông.

Nỗ lực tăng sức hút

Bà Nguyễn Thị Miên (70 tuổi), nhà gần ga Cầu Diễn (Nam Từ Liêm), cho hay dù đã từng gặp không ít bất tiện trong thời gian thi công dự án kéo dài, nhưng kể từ đầu tháng 8 vừa qua, khi tuyến tàu điện tuyến Nhổn – ga Hà Nội chính thức vận hành, bà cảm thấy vô cùng xúc động.

“Kể từ khi tàu điện chạy, hầu như tuần nào tôi cũng đi 2-3 chuyến, di chuyển rất thuận tiện, không sợ bị tắc đường. Những người về hưu lại là cựu chiến binh như chúng tôi còn được miễn phí vé, mưa không đến mặt, nắng không đến đầu, vừa nhanh, vừa an toàn”, bà Miên chia sẻ.

Ưu điểm của các tuyến đường sắt đô thị là rất rõ ràng, tuy nhiên cần phải thẳng thắn nhìn nhận rằng các loại hình giao thông công cộng trên địa bàn Thủ đô chưa phát huy hết tiềm năng.

Tỷ lệ hành khách sử dụng metro tại Hà Nội hiện đang thấp hơn đáng kể so với các thành phố lớn trong khu vực, với chỉ khoảng 1% dân số Hà Nội sử dụng metro, trong khi con số này ở Singapore, Bangkok, và Kuala Lumpur lần lượt là 50%, 15%, và 10%.

Đường sắt đô thị nhiều ưu điểm, song vẫn cần cải thiện để tăng sức hút với người dân.

Đường sắt đô thị nhiều ưu điểm, song vẫn cần cải thiện để tăng sức hút với người dân.

Hiện nay, đối tượng sử dụng metro chủ yếu là người đi làm và học sinh, sinh viên, chiếm 90% tổng số hành khách. Riêng tại Hà Nội, 47% hành khách là người đi làm, 45% là học sinh, sinh viên, và 8% sử dụng metro cho các mục đích khác. Ở Singapore, tỷ lệ này là 50% người đi làm và 43% sinh viên, trong khi ở Kuala Lumpur, 36% là người đi làm và 58% là sinh viên.

Theo bà Nguyễn Thị Hồng Vân, Phó Giám đốc Bộ phận Định giá và Tư vấn tại Savills Hà Nội, nguyên nhân chính là do hệ thống metro ở Hà Nội còn quá hạn chế với tổng chiều dài chỉ 22 km, chỉ bằng 1/10 so với các thành phố khác. Điều này khiến việc đi lại và kết nối giao thông chưa thuận tiện.

Ngoài ra, thói quen sử dụng phương tiện cá nhân, đặc biệt là xe máy, cũng ảnh hưởng đến tỷ lệ sử dụng metro. Metro mới chỉ xuất hiện tại Việt Nam trong 3 năm, trong khi các nước trong khu vực đã phát triển hệ thống metro từ 20-30 năm, thậm chí 100 năm ở các quốc gia phát triển.

Theo chuyên gia, giai đoạn tới xe, buýt, tàu điện cần tập trung cạnh tranh với phương tiện cá nhân trên phương diện chi phí đi lại, tính an toàn và thái độ phục vụ.

Cụ thể, theo TS Vũ Hồng Trường, Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Đường sắt Hà Nội, hiện giá cả đã khá hợp lý, nên chỉ cần tăng cường hơn tính an toàn như khi tiếp cận nhà ga, thay đổi từ phương thức này sang phương thức khác khi đi trên xe buýt.

Ông Trường cho rằng, thành phố Hà Nội cần xác định rõ vận tải hành khách công cộng đang đứng ở đâu, tiếp đến là triển khai quyết liệt, đồng loạt các giải pháp, thay đổi nhận thức và phải có tư duy đột phá, mục tiêu về giao thông công cộng ở các đô thị lớn mới có thể đạt được tăng tỷ lệ người dân sử dụng làm phương tiện đi lại.

Hướng tới mục tiêu 600 km metro

Liên quan đến nội dung tuyên truyền, phát động người dân Hà Nội sử dụng tàu điện đi lại trên các tuyến đường đã vận hành đường sắt đô thị để tăng doanh thu bán vé lên 20 lần so với hiện nay, TP. Hà Nội cũng rất quan tâm đến vấn đề này.

Các chính sách được thể hiện rõ tại Nghị quyết số 07/2019/NQ-HĐND ngày 10/07/2019 về việc ưu tiên phát triển hệ thống vận tải hành khách công cộng khối lượng lớn. Khuyến khích đầu tư xây dựng, khai thác bến xe, bãi đỗ xe ô tô và các phương tiện cơ giới khác; áp dụng công nghệ cao trong quản lý, điều hành hệ thống giao thông vận tải.

Theo nghị quyết, Thành phố đã ban hành Quyết định số 07/2021/QĐ-UBND về giá vé vận tải hành khách công cộng, miễn tiền vé cho người có công, người khuyết tật, người cao tuổi, trẻ em dưới 6 tuổi, nhân khẩu thuộc hộ nghèo; hỗ trợ 100% giá vé trong 15 ngày đầu vận hành thương mại.

Cùng với đó là hỗ trợ 50% giá vé tháng đối với học sinh, sinh viên, công nhân các khu công nghiệp; hỗ trợ 30% giá vé tháng đối với cán bộ, nhân viên tại các văn phòng công sở, doanh nghiệp ngoài khu công nghiệp khi mua vé tháng theo hình thức tập thể.

Có thể nói, đường sắt đô thị là một trong những mục tiêu trọng điểm và dài hạn của TP Hà Nội nhằm giải bài toán ùn tắc giao thông, phát triển hạ tầng giao thông xanh, hiện đại, thông suốt.

Theo đề án đầu tư xây dựng hệ thống đường sắt đô thị giai đoạn 2024 - 2045, TP Hà Nội dự kiến hoàn thiện khoảng 12 tuyến đường sắt đô thị (khoảng 600km) với tổng mức đầu tư gần 50 tỷ USD. Trong đó, từ nay đến năm 2030 cần 14,6 tỷ USD để hoàn thành 96km; giai đoạn 2031-2035, cần 22,5 tỷ USD làm 301km; giai đoạn 2036-2045 cần 18,2 tỷ USD làm 200km.

Đông Phong

Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//dia-phuong/chi-1-nguoi-dan-ha-noi-su-dung-duong-sat-do-thi-cach-nao-tang-suc-hut-1103106.html