Chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ngày 14/2

Văn phòng Chính phủ vừa có thông cáo báo chí Chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ngày 14/2/2023.

Kiện toàn Ủy ban Quốc gia phòng, chống AIDS, ma túy, mại dâm

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ký Quyết định số 89/QĐ-TTg ngày 14/2/2023 kiện toàn Ủy ban Quốc gia phòng, chống AIDS, ma túy, mại dâm.

Theo Quyết định, Ủy ban Quốc gia phòng, chống AIDS, ma túy, mại dâm (gọi tắt là Ủy ban Quốc gia) được kiện toàn trên cơ sở Ủy ban Quốc gia phòng, chống AIDS và phòng, chống tệ nạn ma túy, mại dâm được thành lập theo Quyết định số 61/2000/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ và kiện toàn theo Quyết định số 50/2007/QĐ-TTg, Quyết định số 2083/QĐ-TTg và Quyết định số 1968/QĐ-TTg.

Ủy ban Quốc gia là tổ chức phối hợp liên ngành, có chức năng giúp Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo, phối hợp công tác phòng, chống AIDS, ma túy, mại dâm.

Nhiệm vụ, quyền hạn của Ủy ban Quốc gia

Quyết định nêu rõ, Ủy ban Quốc gia thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn sau:

Giúp Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo xây dựng chiến lược, chủ trương, chính sách, chương trình, kế hoạch phòng, chống AIDS, ma túy, mại dâm;

Giúp Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo, triển khai thực hiện, đôn đốc, kiểm tra và đánh giá hoạt động của các bộ, ngành, đoàn thể trung ương và địa phương về công tác phòng, chống AIDS, ma túy, mại dâm;

Giúp Thủ tướng Chính phủ tổ chức và chỉ đạo sự phối hợp hoạt động giữa các bộ, ngành, đoàn thể trung ương và địa phương; lồng ghép, phối hợp các chương trình, kế hoạch và nguồn lực của công tác phòng, chống AIDS, ma túy, mại dâm theo yêu cầu và mục tiêu chung;

Chỉ đạo các bộ, ngành, đoàn thể trung ương, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương thực hiện nhiệm vụ được giao và báo cáo tình hình, kết quả thực hiện nhiệm vụ phòng, chống AIDS, ma túy, mại dâm;

Giúp Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các hoạt động hợp tác quốc tế trong lĩnh vực phòng, chống AIDS, ma túy, mại dâm;

Tổng hợp và định kỳ báo cáo Thủ tướng Chính phủ tình hình thực hiện công tác phòng, chống AIDS, ma túy, mại dâm.

Phó Thủ tướng Chính phủ là Chủ tịch Ủy ban Quốc gia

Theo Quyết định, thành viên của Ủy ban Quốc gia gồm: Chủ tịch là Phó Thủ tướng Chính phủ.

Các Phó Chủ tịch là: Bộ trưởng Bộ Công an; Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội; Bộ trưởng Bộ Y tế; Mời 01 Phó Chủ tịch Ủy ban trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.

Các Ủy viên là lãnh đạo các bộ, ngành, cơ quan liên quan.

Ủy ban Quốc gia làm việc theo nguyên tắc tập trung dân chủ, đề trách nhiệm người đứng đầu. Các thành viên Ủy ban Quốc gia làm việc theo chế độ kiêm nhiệm.

Chủ tịch Ủy ban Quốc gia ban hành Quy chế tổ chức và hoạt động của Ủy ban Quốc gia, cơ chế điều hành, chế độ thông tin, báo cáo; mối quan hệ giữa Ủy ban Quốc gia với các Ban Chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương để bảo đảm sự phối hợp chặt chẽ và sự chỉ đạo thống nhất từ trung ương đến địa phương.

Cơ quan Thường trực của Ủy ban Quốc gia

Văn phòng Chính phủ là Cơ quan Thường trực chung, giúp Ủy ban Quốc gia và Chủ tịch Ủy ban Quốc gia.

Bộ Công an là Cơ quan Thường trực về lĩnh vực phòng, chống ma túy của Ủy ban Quốc gia.

Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội là Cơ quan Thường trực về lĩnh vực vực phòng, chống mại dâm của Ủy ban Quốc gia.

Bộ Y tế là Cơ quan Thường trực về lĩnh vực phòng, chống AIDS của Ủy ban Quốc gia.

Kế hoạch hành động chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định, chuẩn bị làm việc với Đoàn Thanh tra của Ủy ban châu Âu lần thứ 4

Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang đã ký Quyết định số 81/QĐ-TTg ngày 13/2/2023 ban hành "Kế hoạch hành động chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định, chuẩn bị làm việc với Đoàn Thanh tra của Ủy ban châu Âu lần thứ 4".

Quản lý khai thác và phát triển bền vững

Mục tiêu của Kế hoạch là triển khai đồng bộ, hiệu lực, hiệu quả các quy định pháp luật thủy sản; khắc phục các tồn tại, hạn chế theo khuyến nghị của Ủy ban châu Âu (EC) về chống khai thác IUU, gỡ cảnh báo "Thẻ vàng" trong năm 2023.

Thống nhất nhận thức, hành động và vào cuộc của cả hệ thống chính trị trong công tác phòng, chống khai thác IUU. Người đứng đầu cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền các cấp của các ban, bộ, ngành, địa phương có liên quan trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo và chịu trách nhiệm trong công tác phòng, chống khai thác IUU, coi đây là nhiệm vụ chính trị, ưu tiên, cấp bách, tập trung nguồn lực thực hiện, quyết tâm gỡ cảnh báo "Thẻ vàng".

Quản lý khai thác và phát triển bền vững ngành thủy sản vì lợi ích của người dân, của quốc gia; nâng cao vị thế, hình ảnh, trách nhiệm quốc tế của Việt Nam trong thực hiện các cam kết, điều ước quốc tế trong bảo vệ môi trường biển, hệ sinh thái biển bền vững; góp phần đảm bảo quốc phòng an ninh, chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc.

Kiểm tra, kiểm soát 100% tàu cá xuất, nhập bến

Để đạt được mục tiêu trên, Kế hoạch đặt ra nhiệm vụ cho các Bộ, ngành và các địa phương liên quan từ nay đến tháng 5/2023 rà soát, thống kê toàn bộ số lượng tàu cá của địa phương, hoàn thành 100% việc đăng ký, đăng kiểm, đánh dấu tàu cá, cấp giấy phép khai thác thủy sản, lắp đặt thiết bị giám sát hành trình tàu cá (VMS) theo quy định.

Kiểm tra, kiểm soát 100% tàu cá xuất, nhập bến tại đồn/trạm biên phòng tuyến biển; kiểm tra, kiểm soát tàu cá ra, vào tại cảng cá theo đúng quy định đảm bảo thiết bị VMS hoạt động liên tục 24/24 giờ từ khi tàu cá rời cảng đến khi cập cảng; theo dõi, giám sát 24/7 100% tàu cá hoạt động trên biển qua hệ thống giám sát tàu cá.

Đồng thời, xây dựng quy chế phối hợp giữa các địa phương để kiểm soát 100% tàu cá của tỉnh hoạt động trên địa bàn ngoài tỉnh, tàu cá của tỉnh khác cập cảng làm xác nhận nhưng thực hiện chứng nhận tại tỉnh khác. Xây dựng cơ chế, chính sách hỗ trợ chủ tàu cá mua, lắp thiết bị VMS và cước phí thuê bao vệ tinh để duy trì hoạt động thiết bị VMS. Khẩn trương thành lập Kiểm ngư địa phương theo quy định của Luật Thủy sản năm 2017 và Luật Tổ chức chính quyền địa phương theo thẩm quyền của tỉnh.

Thực hiện xác nhận, chứng nhận và truy xuất nguồn gốc thủy sản khai thác theo hướng dẫn của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, đảm bảo 100% hồ sơ các lô hàng xuất khẩu sang thị trường châu Âu (EU) và các thị trường khác có yêu cầu truy xuất được nguồn gốc nguyên liệu thủy sản khai thác.

Rà soát các điểm tàu cá cập bến bốc dỡ thủy sản khai thác (bến cá, cảng cá…) tổ chức giám sát và truy xuất nguồn gốc 100% sản lượng thủy sản khai thác được bốc dỡ tại địa phương; đảm bảo 100% tàu cá có chiều dài lớn nhất từ 15 m trở lên phải cập cảng chỉ định; kiểm soát 100% sản phẩm thủy sản khai thác được nhập khẩu từ nước ngoài tuân thủ đầy đủ theo quy định của Hiệp định về các biện pháp quốc gia có cảng; có giải pháp kiểm soát chặt chẽ sản phẩm thủy sản khai thác nhập khẩu vào Việt Nam bằng tàu Container.

Chấm dứt tàu cá khai thác hải sản bất hợp pháp

Kế hoạch đặt ra nhiệm vụ từ nay đến tháng 5/2023, chấm dứt tàu cá khai thác hải sản bất hợp pháp ở vùng biển nước ngoài; điều tra, xử lý 100% vụ việc tàu cá Việt Nam bị nước ngoài bắt giữ, xử lý và xử phạt 100% các trường hợp vi phạm khai thác hải sản bất hợp pháp ở vùng biển nước ngoài và thông tin trên các phương tiện thông tin đại chúng.

Mở các đợt cao điểm tuần tra, kiểm tra, kiểm soát có sự phối hợp giữa các cơ quan chức năng và xử phạt nghiêm 100% hành vi khai thác IUU theo quy định; xác minh, xử lý 100% các tàu cá không duy trì kết nối thiết bị giám sát hành trình theo quy định.

Thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm các cảng cá chỉ định, các đơn vị cung cấp thiết bị giám sát hành trình, các doanh nghiệp và tổ chức, cá nhân có liên quan về thực thi nhiệm vụ chống khai thác IUU.

Hướng dẫn quản lý lao động nghề cá phù hợp

Về nhiệm vụ, giải pháp lâu dài, các Bộ, ngành, địa phương liên quan triển khai thực hiện các chương trình, đề án, quy hoạch phát triển ngành thủy sản bền vững đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; thực hiện chuyển đổi nghề khai thác thủy sản, tạo sinh kế bền vững cho cộng đồng ngư dân ven biển.

Xây dựng cơ chế, chính sách khoanh nợ, giãn nợ vay cho chủ tàu cá khai thác thủy sản hợp pháp chưa đủ khả năng trả nợ; xây dựng chương trình đào tạo, nâng cao tay nghề; hướng dẫn quản lý lao động nghề cá phù hợp với quy định pháp luật lao động trong nước và quốc tế; xây dựng kế hoạch và thúc đẩy đàm phán phân định khu vực vùng biển chồng lấn, chưa phân định giữa Việt Nam với các nước như Trung Quốc, Malaysia và các nước láng giềng liên quan khác.

Triển khai các hoạt động hợp tác quốc tế về nghề cá, phòng, chống khai thác IUU, hợp tác khai thác thủy sản giữa Việt Nam và các nước, tổ chức nghề cá khu vực và quốc tế; thực hiện đầy đủ nghĩa vụ, cam kết của Việt Nam đối với các Hiệp định, Công ước quốc tế về thủy sản mà Việt Nam là thành viên hoặc tham gia để ngăn chặn, loại bỏ khai thác IUU và các hoạt động thông tin truyền thông, tuyên truyền tập huấn pháp luật về IUU trong nước và trên diễn đàn quốc tế.

Kế hoạch tăng cường thực thi hiệu quả Công ước chống tra tấn và các hình thức đối xử hoặc trừng phạt tàn bạo, vô nhân đạo hoặc hạ nhục con người và các khuyến nghị phù hợp của Ủy ban chống tra tấn

Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang vừa ký Quyết định 87/QĐ-TTg ngày 14/2/2023 phê duyệt Kế hoạch tăng cường thực thi hiệu quả Công ước chống tra tấn và các hình thức đối xử hoặc trừng phạt tàn bạo, vô nhân đạo hoặc hạ nhục con người và các khuyến nghị phù hợp của Ủy ban chống tra tấn.

Mục đích của Kế hoạch là tiếp tục thực hiện có hiệu quả các quy định của Hiến pháp năm 2013, các quy định pháp luật có liên quan và các nội dung của Kế hoạch quốc gia về triển khai thực hiện Công ước chống tra tấn và các hình thức đối xử hoặc trừng phạt tàn bạo, vô nhân đạo hoặc hạ nhục con người (Công ước CAT).

Bên cạnh đó, xác định rõ nội dung công việc và lộ trình thực hiện trong việc tăng cường hiệu quả triển khai các quy định của Công ước CAT và các khuyến nghị phù hợp của Ủy ban chống tra tấn. Từ đó, góp phần nâng cao sự thụ hưởng của người dân đối với các quyền về sức khỏe, thân thể, đặc biệt là không bị tra tấn hoặc trừng phạt tàn bạo, vô nhân đạo hoặc hạ nhục, phù hợp với Hiến pháp, pháp luật và điều kiện kinh tế - xã hội của Việt Nam; bảo đảm các yêu cầu đối ngoại, đối nội, bảo đảm an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội.

Nâng cao nhận thức, vai trò, trách nhiệm, phân công nhiệm vụ cụ thể cho các bộ, ngành, cơ quan, địa phương và tăng cường hiệu quả hoạt động phối hợp giữa các cơ quan trong quá trình thực hiện Công ước CAT và các khuyến nghị phù hợp của Ủy ban chống tra tấn, đảm bảo triển khai đúng tiến độ, hiệu quả toàn diện các kế hoạch thực hiện Công ước CAT của Việt Nam và các khuyến nghị phù hợp của Ủy ban chống tra tấn.

Tiếp tục nâng cao hiệu quả thực thi các quy định pháp luật về chống tra tấn

Một trong các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu của Kế hoạch là tiếp tục nâng cao hiệu quả thực thi các quy định pháp luật về chống tra tấn và các hình thức đối xử hoặc trừng phạt tàn bạo, vô nhân đạo hoặc hạ nhục con người và các khuyến nghị phù hợp của Ủy ban chống tra tấn.

Cụ thể, tiếp tục đầu tư, nâng cấp, cải tạo, sửa chữa, hoàn thiện cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ chuyên môn của cơ quan nhà nước, đặc biệt là các cơ quan trực tiếp giải quyết khiếu nại, tố cáo, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành tạm giữ, tạm giam, thi hành án hình sự; tăng cường sử dụng, ứng dụng công nghệ, kỹ thuật hiện đại trong công tác công vụ.

Tiếp tục đầu tư, xây dựng, hoàn thiện cơ sở vật chất phục vụ thực hiện việc ghi âm, ghi hình có âm thanh; bảo quản, lưu trữ, khai thác, sử dụng kết quả ghi âm, ghi hình có âm thanh trong hoạt động điều tra, truy tố, xét xử theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự.

Tiếp tục nâng cao hiệu quả thi hành các quy định về bảo đảm quyền, chế độ của người bị tạm giữ, tạm giam, người chấp hành án, người bị áp dụng biện pháp xử lý hành chính.

Nâng cao hiệu quả và tỷ lệ tiếp nhận, giải quyết tin báo, tố giác tội phạm và kiến nghị khởi tố, đơn khiếu nại, đơn tố cáo liên quan đến tra tấn, nhất là tin báo, tố giác, đơn khiếu nại, đơn tố cáo các hành vi bức cung, dùng nhục hình, làm chết người trong khi thi hành công vụ, gây thương tích hoặc gây tổn hại sức khỏe của người khác trong khi thi hành công vụ, mua chuộc hoặc cưỡng ép người khác trong việc khai báo, cung cấp tài liệu, bắt, giữ hoặc giam người trái pháp luật và các vụ việc được nêu tại Phiên trình bày và bảo vệ Báo cáo quốc gia định kỳ trước Ủy ban chống tra tấn và trong Bản khuyến nghị của Ủy ban chống tra tấn.

Đẩy mạnh công tác điều tra, truy tố, xét xử nghiêm minh, công khai, theo đúng quy định của pháp luật đối với các hành vi liên quan đến tra tấn, nhất là các hành vi bức cung, dùng nhục hình, làm chết người trong khi thi hành công vụ, gây thương tích hoặc gây tổn hại sức khỏe của người khác trong khi thi hành công vụ, mua chuộc hoặc cường ép người khác trong việc khai báo, cung cấp tài liệu, bắt, giữ hoặc giam người trái pháp luật.

Tăng cường hoạt động thanh tra, kiểm tra, giám sát, theo dõi, khảo sát, đánh giá việc chấp hành pháp luật trong công tác tiếp nhận, giải quyết tin báo, tố giác, đơn khiếu nại, tố cáo liên quan đến tra tấn, nhất là các hành vi bức cung dùng nhục hình, làm chết người trong khi thi hành công vụ, gây thương tích hoặc gây tổn hại sức khỏe của người khác trong khi thi hành công vụ, mua chuộc hoặc cưỡng ép người khác trong việc khai báo, cung cấp tài liệu, bắt, giữ hoặc giam người trái pháp luật; thi hành tạm giữ, tạm giam; điều tra, truy tố, xét xử; thi hành án hình sự, kịp thời phát hiện những sai sót, chấn chỉnh các vi phạm.

Nâng cao chất lượng hoạt động bồi thường, hỗ trợ cho nạn nhân của hành vi tra tấn, nhất là nạn nhân của các hành vi bức cung, dùng nhục hình, làm chết người trong khi thi hành công vụ, gây thương tích hoặc gây tổn hại sức khỏe của người khác trong khi thi hành công vụ, mua chuộc hoặc cưỡng ép người khác trong việc khai báo, cung cấp tài liệu, bắt, giữ hoặc giam người trái pháp luật.

Đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền

Nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu của Kế hoạch là tiếp tục tăng cường tuyên truyền, phổ biến, giáo dục và đào tạo về Công ước CAT và pháp luật Việt Nam về phòng, chống tra tấn, về nỗ lực, thành tựu của Việt Nam trong thực thi Công ước CAT và các khuyến nghị phù hợp của Ủy ban chống tra tấn.

Cụ thể, các bộ, ngành, cơ quan, địa phương được giao nhiệm vụ có trách nhiệm ban hành Kế hoạch về triển khai thực hiện Công ước CAT theo Quyết định số 364/QĐ-TTg ngày 17/3/2015; Đề án tuyên truyền, phổ biến nội dung Công ước CAT và pháp luật Việt Nam về phòng, chống tra tấn theo Quyết định số 65/QĐ-TTg ngày 12/1/2018; Đề án truyền thông về quyền con người ở Việt Nam tại Quyết định số 1079/QĐ-TTg ngày 14/9/2022 của Thủ tướng Chính phủ.

Tiếp tục hoàn thiện, chỉnh lý, cập nhật Bộ tài liệu tuyên truyền, phổ biến về phòng, chống tra tấn cho cán bộ, công chức, viên chức và Nhân dân về: nội dung Công ước CAT; pháp luật Việt Nam về phòng, chống tra tấn; Báo cáo quốc gia CAT lần thứ nhất; Bản khuyến nghị phù hợp của Ủy ban chống tra tấn; Báo cáo giữa kỳ quốc gia CAT lần thứ nhất cập nhật tình hình thực hiện các khuyến nghị của Ủy ban chống tra tấn; các nỗ lực, thành tựu nổi bật khác của Việt Nam đã đạt được trong phòng, chống tra tấn.

Xây dựng, hoàn thiện Bộ tài liệu tập huấn về Công ước CAT và pháp luật Việt Nam về phòng, chống tra tấn cho giảng viên, tuyên truyền viên, báo cáo viên pháp luật, nhất là giảng viên trong các trường Công an nhân dân, Quân đội nhân dân, cơ sở đào tạo pháp luật, đào tạo chức danh tư pháp.

Tiếp tục nghiên cứu xây dựng Bộ tài liệu giảng dạy, tập huấn về phòng, chống tra tấn cho sinh viên, học viên tại các cơ sở đào tạo về pháp lý, tư pháp, nhân quyền; cho cán bộ, chiến sĩ, công chức, viên chức, nhất là các cán bộ, chiến sĩ làm công tác điều tra, truy tố, xét xử; thi hành tạm giữ, tạm giam; thi hành án hình sự; khám chữa bệnh trong các cơ sở giam giữ.

Tiếp tục tổ chức và đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền phổ biến, giáo dục, tập huấn về Công ước CAT, pháp luật Việt Nam về phòng, chống tra tấn và những nỗ lực, thành tựu của Việt Nam trong thực thi Công ước CAT cho cán bộ, chiến sĩ, công chức, viên chức và Nhân dân, bao gồm các nhóm đối tượng dễ bị tổn thương như phụ nữ, trẻ em, người dân tộc thiểu số, tôn giáo, người dân sống ở khu vực miền núi, hải đảo; người bị tạm giữ, người bị tạm giam, phạm nhân, người bị áp dụng biện pháp xử lý hành chính bằng các ngôn ngữ dân tộc khác nhau.

Quy hoạch chung đô thị Văn Giang, tỉnh Hưng Yên đến năm 2040

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà vừa ký Quyết định số 86/QĐ-TTg ngày 14/2/2023 phê duyệt Quy hoạch chung đô thị Văn Giang, tỉnh Hưng Yên đến năm 2040.

Theo Quyết định, phạm vi lập Quy hoạch chung đô thị Văn Giang được thực hiện trong địa giới hành chính của huyện Văn Giang. Cụ thể, phía Bắc giáp huyện Gia Lâm, thành phố Hà Nội. Phía Nam giáp huyện Khoái Châu và huyện Yên Mỹ. Phía Đông giáp huyện Văn Lâm. Phía Tây giáp sông Hồng và thành phố Hà Nội.

Quy mô lập quy hoạch gồm toàn bộ diện tích tự nhiên huyện Văn Giang 7.194,82 ha. Theo dự báo, đến năm 2040, đô thị Văn Giang có khoảng 363.000 người.

Đô thị Văn Giang có tính chất là trung tâm kinh tế (dịch vụ, thương mại, công nghiệp và phát triển nhà ở), văn hóa, khoa học kỹ thuật, giáo dục - đào tạo của khu vực; là đầu mối giao thông, giao lưu quan trọng của vùng Thủ đô Hà Nội, vùng kinh tế trọng điểm Bắc bộ, vùng đồng bằng sông Hồng và cả nước.

Văn Giang được phân thành 3 phân vùng

Theo định hướng phát triển không gian, đô thị Văn Giang được phân thành 03 phân vùng, gồm:

- Vùng đô thị hóa tập trung: Phần diện tích chọn đất xây dựng các khu đô thị được xác định trên cơ sở mở rộng của thị trấn Văn Giang hiện nay và gắn kết với 2 khu đô thị lớn là khu đô thị Ecopark và Dream City, gồm từng phần hoặc toàn bộ địa phận hành chính các xã Xuân Quan, Phụng Công, Cửu Cao, Long Hưng, Liên Nghĩa, Nghĩa Trụ.

- Xung quanh vùng đô thị hóa tập trung là các vùng đệm (phát triển công nghiệp sạch, công nghệ cao, logistic, thương mại, dịch vụ…).

- Vùng bãi ngoài đê: Phát triển đô thị sinh thái, dịch vụ du lịch, cảnh quan môi trường, gắn với các khu dân cư hiện hữu được cải tạo, nâng cấp, nông nghiệp sinh thái.

Khu trung tâm đô thị Văn Giang được xây dựng tại khu vực phía Nam đường vành đai 3,5 vùng Thủ đô (thuộc địa bàn thị trấn Văn Giang, xã Long Hưng), diện tích khoảng 40 ha. Trung tâm hành chính cấp xã giữ nguyên vị trí hiện nay.

Văn Giang đẩy mạnh phát triển du lịch trải nghiệm

Về du lịch, đô thị Văn Giang phát triển du lịch gắn với bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa - lịch sử, giá trị cảnh quan sinh thái, môi trường; đẩy mạnh phát triển du lịch tham quan, trải nghiệm văn hóa; mở rộng phát triển du lịch cuối tuần gắn với sinh thái, trang trại, nông nghiệp nông thôn, vui chơi giải trí để đa dạng hóa sản phẩm du lịch và góp phần thu hút khách du lịch; phát triển du lịch sinh thái, vui chơi giải trí, thể thao cao cấp và ẩm thực cuối tuần tại khu đô thị sinh thái Ecopark kết hợp du lịch cộng đồng, tham quan làng hoa, cây cảnh ven sông Hồng.

Công nghiệp phát triển theo hướng công nghiệp sạch, thân thiện với môi trường, từng bước phát triển công nghiệp công nghệ cao./.

Nguồn Chính Phủ: https://baochinhphu.vn/chi-dao-dieu-hanh-cua-chinh-phu-thu-tuong-chinh-phu-ngay-14-2-10223021508421444.htm