Chỉ đưa vào danh mục những dự án đáp ứng đủ các nguyên tắc, tiêu chí

Qua rà soát, Ủy ban Kinh tế đề nghị, Chính phủ tiến hành rà soát lại Danh mục các dự án đề xuất áp dụng thí điểm được trình kèm Tờ trình dự thảo Nghị quyết thí điểm áp một số cơ chế, chính sách đặc thù về đầu tư xây dựng công trình giao thông đường bộ.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải điều hành Phiên họp. Ảnh: Hồ Long

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải điều hành Phiên họp. Ảnh: Hồ Long

Chiều 27.10, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ Sáu, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, Quốc hội đã nghe trình bày Tờ trình và Báo cáo thẩm tra về dự thảo Nghị quyết thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù về đầu tư xây dựng công trình giao thông đường bộ.

Đề xuất nhóm 5 chính sách đặc thù cho các dự án giao thông

Trình bày Tờ trình của Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, Tờ trình số 588/TTr-CP về dự thảo Nghị quyết thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù về đầu tư xây dựng công trình giao thông đường bộ được Chính phủ trình Quốc hội thảo luận, xem xét thông qua tại Kỳ họp thứ Sáu, Quốc hội khóa XV theo trình tự, thủ tục rút gọn và thông qua tại một kỳ họp. Dự thảo Nghị quyết gồm 10 Điều, với 5 nhóm chính sách.

Chính sách 1 về tỷ lệ vốn nhà nước tham gia dự án PPP (Điều 4): Đối với các dự án giao thông đường bộ, tỷ lệ vốn nhà nước tham gia dự án đầu tư theo phương thức đối tác công tư không quá 70% tổng mức đầu tư của dự án. Chính phủ đề xuất áp dụng chính sách này cho 1 dự án thuộc địa phận tỉnh Thái Bình.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng trình bày Tờ trình của Chính phủ. Ảnh: Hồ Long

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng trình bày Tờ trình của Chính phủ. Ảnh: Hồ Long

Chính sách số 2 về thẩm quyền thực hiện đầu tư dự án đường quốc lộ, đường cao tốc đi qua các địa phương (Điều 5): Thủ tướng Chính phủ xem xét quyết định giao Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có khả năng bố trí nguồn vốn đầu tư từ ngân sách địa phương (bao gồm cả vốn hỗ trợ từ ngân sách trung ương nếu có) làm cơ quan chủ quản thực hiện đầu tư dự án đường quốc lộ, đường cao tốc đi qua địa phương mình. Chính sách này áp dụng cho 07 dự án thuộc địa bàn các tỉnh Sơn La, Ninh Bình, Hậu Giang, Cần Thơ, Khánh Hòa, Bình Phước.

Chính sách số 3 về các dự án giao thông đường bộ qua nhiều địa phương (Điều 6): Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định giao một Ủy ban nhân dân cấp tỉnh làm cơ quan chủ quản thực hiện đầu tư dự án giao thông đường bộ qua nhiều địa phương và sử dụng ngân sách địa phương này hỗ trợ vốn đầu tư cho địa phương khác để đầu tư thực hiện dự án. Chính sách này áp dụng cho 10 dự án thuộc địa bàn các tỉnh Lào Cai, Lai Châu, Bắk Kạn, Tuyên Quang, Bắc Ninh, Hải Dương, Đà Nẵng, Quảng Nam, Vĩnh Long, Bến Tre, Tiền Giang, Long An, Sóc Trăng, Hậu Giang, Cao Bằng, Lạng Sơn, Ninh Thuận, Lâm Đồng, Đồng Tháp.

Chính sách 4 về cơ chế đặc thù trong khai thác mỏ khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường (Điều 7): Nhà đầu tư, Nhà thầu thi công không phải thực hiện thủ tục cấp Giấy phép khai thác mỏ khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường nằm trong Hồ sơ khảo sát vật liệu xây dựng phục vụ dự án hạ tầng giao thông đường bộ. Nhà đầu tư, Nhà thầu thi công có trách nhiệm thực hiện đánh giá tác động môi trường; chịu sự quản lý, giám sát đối với việc khai thác, sử dụng khoáng sản; nộp thuế, phí và thực hiện các nghĩa vụ bảo vệ, cải tạo, phục hồi môi trường theo quy định của pháp luật có liên quan về thuế, phí, pháp luật về bảo vệ môi trường.

Quang cảnh Phiên họp. Ảnh: Hồ Long

Quang cảnh Phiên họp. Ảnh: Hồ Long

Chính sách số 5 về cơ chế đặc thù áp dụng đối với các dự án sử dụng nguồn tăng thu NSTW năm 2022 (Điều 8) gồm 4 nội dung:

Một là cấp có thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư các dự án khởi công mới trong giai đoạn 2021-2025 căn cứ các nguồn vốn: dự kiến từ nguồn tăng thu ngân sách trung ương năm 2022; dự kiến vốn NSNN trong năm 2024-2025 khi có điều kiện hoặc trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2026-2030, áp dụng cho 06 dự án của Bộ Giao thông vận tải, Ninh Bình, Thái Bình, Bình Phước, Bình Dương, thành phố Cần Thơ.

Hai là cho phép các dự án do địa phương quản lý đã có trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 được điều chỉnh quyết định chủ trương đầu tư, quyết định đầu tư tương ứng với số vốn ngân sách trung ương bố trí tăng thêm cho dự án từ nguồn tăng thu ngân sách trung ương năm 2022, áp dụng cho 07 dự án của các tỉnh Lạng Sơn, Sơn La, Thừa Thiên Huế, Bắk Kạn, Quảng Ngãi, Tiền Giang, Đồng Tháp, Tuyên Quang.

Ba là cho phép giao kế hoạch từ nguồn tăng ngân sách Trung ương năm 2022 cho các dự án khi các dự án được cấp có thẩm quyền phê duyệt chủ trương đầu tư và nguồn vốn này được thực hiện và giải ngân trong 3 năm từ 2023-2025, áp dụng cho 30 dự án của Bộ Giao thông vận tải, Tuyên Quang, Lạng Sơn, Bắk Kạn, Sơn La, Hải Dương, Ninh Bình, Thái Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Lâm Đồng, TP. Hồ Chí Minh, Bình Dương, Bình Phước, Tây Ninh, Vĩnh Long, TP. Cần Thơ.

Bốn là bố trí vốn tăng thu ngân sách Trung ương năm 2022 để thanh toán chi phí giải phóng mặt bằng (bao gồm phần chậm trả) các dự án giao thông đường bộ thuộc nhiệm vụ của ngân sách Trung ương phát sinh sau khi dự án đã quyết toán, áp dụng cho một nhiệm vụ chi của tỉnh Nghệ An.

Đối với các dự án ngoài danh mục ban hành theo Nghị quyết thí điểm, khi có nhu cầu do các địa phương tiếp tục kiến nghị, trường hợp đáp ứng nguyên tắc, tiêu chí của Nghị quyết, Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định trong thời gian giữa hai kỳ họp.

Chính phủ đề xuất, các chính sách đặc thù này được triển khai thực hiện trong năm 2025. Chính phủ sẽ tổng kết Nghị quyết, báo cáo Quốc hội tại kỳ họp đầu năm 2026.

Phát huy tối đa các tiềm năng, lợi thế của địa phương

Trình bày Báo cáo thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho rằng, nhiều ý kiến trong Ủy ban Kinh tế tán thành với sự cần thiết ban hành Nghị quyết, bởi đây là những chính sách thí điểm đặc thù, nhằm bảo đảm thực hiện thành công chủ trương của Đảng về xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đường bộ hiện đại, đổi mới mạnh mẽ phân cấp, phân quyền, ủy quyền và nâng cao hiệu quả phối hợp trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành, thu hút tối đa nguồn lực đầu tư, đa dạng hóa các hình thức huy động, nhất là các nguồn lực ngoài nhà nước. Trên thực tế, quá trình triển khai thực hiện các quy định pháp luật trong thực tiễn thời gian qua đã phát sinh một số nội dung chưa thực sự phù hợp với tình hình thực tế về đầu tư phát triển các dự án đường bộ.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh trình bày Báo cáo thẩm tra. Ảnh: Hồ Long

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh trình bày Báo cáo thẩm tra. Ảnh: Hồ Long

Đối với các nhóm chính sách được Chính phủ đề xuất áp dụng, theo Chủ nhiệm Ủy ban Vũ Hồng Thanh, Ủy ban Kinh tế cơ bản nhất trí với đề xuất tăng tỷ lệ vốn nhà nước tham gia dự án đầu tư theo phương thức đối tác công tư không quá 70% tổng mức đầu tư của dự án đề xuất thí điểm, để tạo điều kiện thuận lợi hơn cho việc phát triển hệ thống giao thông đường bộ.

Về thẩm quyền đầu tư dự án quốc lộ, cao tốc đi qua các địa phương (Điều 5), Ủy ban Kinh tế nhất trí với đề xuất này của Chính phủ, nhằm đáp ứng nhu cầu, phát huy tối đa các tiềm năng, lợi thế của địa phương có tuyến đường đi qua. Việc phân cấp này đã được Quốc hội cho phép áp dụng tại Nghị quyết số 43/2022/QH15 về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.

Tuy nhiên, thực tế triển khai các dự án áp dụng cơ chế này thời gian qua cho thấy, năng lực của các Ban quản lý điều hành dự án tại các địa phương là chưa đồng bộ, có trường hợp địa phương làm tốt, có địa phương gặp khó khăn, dễ phát sinh tình trạng không hoàn thành đồng bộ, theo tiến độ của các dự án thành phần. Để Quốc hội có thêm cơ sở xem xét, quyết định, Ủy ban Kinh tế đề nghị, Chính phủ bổ sung đánh giá sơ kết việc triển khai thực hiện chính sách này trong quá trình thực hiện Nghị quyết số 43/2022/QH15.

Ủy ban Kinh tế cũng tán thành với nhóm chính sách 3 áp dụng đối với các dự án giao thông đường bộ qua nhiều địa phương và nhóm chính sách 4 về cơ chế đặc thù trong khai thác mỏ khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường. Tuy nhiên lưu ý, thực tế triển khai các dự án áp dụng cơ chế đặc thù trong khai thác mỏ khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường thời gian qua ở các địa phương vẫn còn chậm, chưa đáp ứng tiến độ.

Các đại biểu dự Phiên họp. Ảnh: Hồ Long

Các đại biểu dự Phiên họp. Ảnh: Hồ Long

Do vậy, Ủy ban đề nghị, tiếp tục nghiên cứu, đánh giá kỹ lưỡng để có các giải pháp phù hợp hơn nữa nhằm bảo đảm tiến độ cho các dự án. Bên cạnh đó, so với Nghị quyết số 43/2022/QH15, ngoài các nhà thầu, Chính phủ đề xuất bổ sung đối tượng áp dụng cơ chế này cho các nhà đầu tư, do đó đề nghị bổ sung, làm rõ sự cần thiết áp dụng cơ chế này đối với các nhà đầu tư thực hiện dự án.

Về nguyên tắc, tiêu chí lựa chọn dự án thí điểm và Danh mục các dự án đề xuất áp dụng thíđiểm, Ủy ban Kinh tế nhất trí với quy định các cơ chế, chính sách đặc thù cần gắn với Danh mục dự án thí điểm và cần có địa chỉ, thời gian, giới hạn cụ thể. Việc không đề xuất Danh mục dự án cụ thể có thể dẫn tới cùng một dự án giao thông đường bộ chịu sự điều chỉnh của đồng thời hai hệ thống pháp luật tồn tại song song, dẫn đến mâu thuẫn, chồng khéo, khó khăn trong việc áp dụng pháp luật.

Nhưng, theo Thông báo số 2886/TB-TTKQH của Tổng Thư ký Quốc hội về Kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù về đầu tư xây dựng công trình giao thông đường bộ, đã đề nghị: “… không đề xuất các dự án trước đây đã được áp dụng các chính sách thí điểm này và các dự án thuộc tiêu chí phải trình Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư. Các dự án đề xuất Quốc hội cho thí điểm phải thực sự cần thiết, cấp bách, đáp ứng điều kiện, tiêu chí theo quy định, đã có đầy đủ thủ tục đầu tư, phù hợp với Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025…”.

Trên cơ sở kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Ủy ban Kinh tế nhận thấy, nhiều dự án tại Danh mục dự án thí điểm chưa đáp ứng điều kiện về thủ tục đầu tư và chưa phù hợp với Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025. Do vậy, Chính phủ cần tiếp tục bổ sung, hoàn thiện các nguyên tắc, tiêu chí lựa chọn dự án thí điểm; tiến hành rà soát lại Danh mục các dự án, lựa chọn các dự án đáp ứng các nguyên tắc, tiêu chí, thuyết minh sự phù hợp của từng dự án trong việc đáp ứng các nguyên tắc, tiêu chí.

Đối với cơ chế đặc thù áp dụng đối với các dự án sử dụng nguồn tăng thu ngân sách Trung ương năm 2022, theo Chủ nhiệm Ủy ban Vũ Hồng Thanh, các dự án được Chính phủ đề xuất cho phép áp dụng cơ chế này đều chưa được phê duyệt chủ trương đầu tư, các thông tin về dự án, tổng mức đầu tư, số vốn ngân sách Trung ương bố trí vốn cho các dự án chưa có cơ sở, chưa bảo đảm tính chính xác. Danh mục dự án tại các Phụ lục nêu cụ thể về mức vốn từ nguồn tăng thu ngân sách Trung ương, trong khi theo Kết luận về phương án phân bổ ngân sách Trung ương năm 2022 thì Ủy ban Thường vụ Quốc hội chưa xem xét, quyết định việc phân bổ cụ thể cho các dự án này.

Do vậy, Ủy ban Kinh tế kiến nghị, Quốc hội chưa xem xét danh mục, mức vốn cụ thể đối với các dự án kèm theo Tờ trình của Chính phủ và không đính kèm theo dự thảo Nghị quyết của Quốc hội. Trường hợp cần có danh mục kèm theo Nghị quyết để xác định rõ đối tượng áp dụng thí điểm, đề nghị không nêu cụ thể số vốn từ nguồn tăng thu ngân sách Trung ương năm 2022 cho từng dự án.

Ngoài các nội dung trên, Ủy ban Kinh tế đề nghị Chính phủ tiếp tục rà soát, hoàn thiện về kỹ thuật văn bản, chịu trách nhiệm về các số liệu đề xuất và tính tuân thủ pháp luật, bảo đảm tính thống nhất trong dự thảo Nghị quyết và các văn bản khác có liên quan.

Lê Bình

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/chinh-tri/chi-dua-vao-danh-muc-nhung-du-an-dap-ung-du-cac-nguyen-tac-tieu-chi-i347831/