Chị Hằng và niềm cảm hứng với áo dài

Với chị em khuyết tật, để mặc bộ trang phục truyền thống này, là một quá trình vượt qua bao mặc cảm.

Với nhiều chị em gia cảnh khó khăn, có được một bộ áo dài là niềm ao ước. Bây giờ, thông qua những mô hình “Sẻ chia và tôn vinh áo dài Việt”, “Tủ áo dài sẻ chia”, “Gian hàng áo dài 0 đồng”… đang được các cấp Hội Phụ nữ lan tỏa trong cộng đồng, ao ước đó phần nào có thể trở thành hiện thực. Nhưng, với chị em khuyết tật, để mặc bộ trang phục truyền thống này, là một quá trình vượt qua bao mặc cảm.

Chị Hằng may áo.

Chị Hằng may áo.

Vượt qua mặc cảm

Hơn 30 năm làm thợ may áo dài, mỗi khi hoàn thành, chị Võ Thị Lệ Hằng (Chủ nhiệm CLB Người khuyết tật xã Hiệp Thạnh, huyện Gò Dầu) lẳng lặng nhìn khách ướm thử, xem đó là niềm vui, khỏa lấp niềm khao khát được mặc bộ trang phục truyền thống.

Vẫn nhớ những cảm xúc lúc ấy, chị Hằng nói: “Được may và ngắm mọi người mặc tôi cũng thỏa lòng rồi. Vốn dĩ mình cũng không hề dám mặc”.

Hai năm trước, khi tham dự các chương trình do Hội Bảo trợ người khuyết tật và trẻ em mồ côi tỉnh và Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển năng lực người khuyết tật (DRD) tổ chức, nhìn thấy mọi người mặc áo dài, niềm khao khát ấy lại dâng lên mãnh liệt. “Ờ thì mình mặc vẫn đẹp, tự tin hơn vì che chắn những khuyết điểm, rất thoải mái, lại được mọi người động viên…”, chị Hằng chia sẻ. Vậy là từ đó về sau, vào dịp lễ tết, chị cứ áo dài mà chọn, vừa đẹp và vừa trang trọng.

Chị cũng ra sức động viên chị em trong CLB Người khuyết tật xã Hiệp Thạnh mặc thử, nhưng không phải ai cũng ủng hộ, vì tự ti.

Có vài chị em “xuôi” theo, chị Hằng nảy ra ý định vận động khách hàng thân quen của mình quyên góp. Giọng đầy cảm xúc, chị nói: “Họ là những giáo viên, công chức, viên chức, từ xã tới huyện… góp cho tôi những bộ áo dài rất quý giá”.

Chị Hằng chỉnh áo cho Trúc Linh.

Chị Hằng chỉnh áo cho Trúc Linh.

Nhận được áo, chị lại tỉ mỉ đo ni, sửa lại cho phù hợp với dáng người của chị em. Những cố gắng của chị Hằng dần được các chị em trong CLB hưởng ứng. Không dừng lại ở CLB của mình, những chiếc áo dài 0 đồng còn được chị Hằng gửi đến các CLB khác. Áo không vừa chị sẽ nhận sửa, nếu ở xa chị sẽ bày cách để chỉnh lại cho phù hợp.

Chị Hằng chia sẻ niềm vui, năm 2022, chị gửi 50 bộ áo dài cho các CLB bạn để mặc và chụp ảnh xuân; năm 2023, chị vận động được 150 bộ áo dài. Trước Tết Nguyên đán 2024, những bộ áo dài 0 đồng cũng được chị gửi cho chị em trong hội nhóm người khuyết tật tại Long Thành, Đồng Nai để họ chụp ảnh xuân. Năm nay, chị dự kiến sẽ vận động được 50 bộ áo dài tặng cho chị em trong và ngoài CLB. Đặc biệt, Ngày Quốc tế Phụ nữ 8.3 này tất cả thành viên nữ CLB của chị lần đầu tiên mặc áo dài đồng phục.

Sẻ chia

Đã quyết, chị Hằng cùng chị em trong CLB Người khuyết tật xã Hiệp Thạnh ngồi bệt dưới sàn nhà chị để đo, vẽ, cắt những bộ áo dài. Chị Hằng vừa thực hiện cũng vừa hướng dẫn chị em. Ai cũng háo hức với niềm vui nho nhỏ ấy.

Chị Hằng cho biết, để có chững chiếc áo đồng phục, chị em CLB đã qua một thời gian dài thử nghiệm với những chiếc áo 0 đồng. Mong muốn chung của mọi người là có một bộ đồng phục để xinh đẹp hơn. Vậy là những chiếc áo dài đồng phục được thực hiện với giá thành tiền vải rẻ nhất, còn công may hoàn toàn miễn phí.

Chị Vương Thị Đô, 52 tuổi, ngụ ấp Giữa, tỉ mỉ với từng thước vải hoa may áo dài. Chị cười: “Tôi chỉ mới học may áo dài khoảng 2 năm nay và chỉ may cho mình và người thân thôi. Tôi hy vọng đây cũng là dịp để rèn tay nghề, năm sau tôi sẽ may đẹp hơn nữa”. Dừng một lúc, chị Đô cũng vui vẻ nói thêm: “Trước đây tôi không nghĩ mình sẽ mặc áo dài nhưng giờ không còn suy nghĩ đó nữa”.

Rạng rỡ trong áo dài mới.

Rạng rỡ trong áo dài mới.

Chiếc áo dài của chị Đô may, được chị Nguyễn Thị Thớ, bạn cùng CLB mặc vào và luôn miệng khen đẹp khiến chị rất vui. Chị Đô hạnh phúc khi nói: “May áo dài cho bạn, bạn mặc đẹp, hài lòng là mình vui lắm”.

Chị Hằng chia sẻ: “Người có khuyết tật chỗ nào thì mình sẽ đo và khắc phục cho phù hợp. Tôi không gặp khó khăn khi may áo cho chị em khuyết tật. Với kinh nghiệm làm nghề, mỗi hình dạng người tôi sẽ có những cách may phù hợp”.

Nhìn những chiếc áo dài đang dần hoàn thành, nhìn chị em ướm thử áo với khuôn mặt hài lòng chị Hằng rất vui: “Năm ngoái, chị em chúng tôi đã có áo dài đi dự lễ nhưng chưa phải đồng phục. Tôi ao ước chị em trong CLB có đồng phục áo dài, giờ đã hoàn thành, không còn gì vui hơn nữa”.

Áo dài giúp hoa thêm tươi thắm

Khi đã mặc vào áo dài, nhiều chị em khuyết tật trong CLB Người khuyết tật xã Hiệp Thạnh đều hài lòng vì sự thoải mái, duyên dáng do chiếc áo mang lại. Họ dần quên đi những tự ti, mặc cảm trước đây.

Khuyết tật, nên chị Nguyễn Thị Thanh Duyên chưa bao giờ nghĩ đến việc mặc áo dài. Nhờ sự động viên của chị Hằng, chị Duyên dần tự tin hơn khi chọn bộ trang phục này tham gia đám tiệc hay đi lễ nhà thờ. “Tôi luôn hài lòng và thấy vui khi mặc vào áo dài được chị Hằng chỉnh sửa cho. Tôi hiện giờ có nhiều áo dài từ những chiếc áo dài 0 đồng của chị Hằng”- chị Duyên nói.

Chị Nguyễn Thị Thớ (ấp Xóm Bố) chia sẻ về niềm yêu thích áo dài. “Tôi thích áo dài lắm nhưng trước đây chỉ mặc nhờ của chị em thôi. Nhờ những chiếc áo dài 0 đồng mà tôi có riêng nhiều áo dài. Tôi vui vì mình được thỏa đam mê mặc đẹp rồi”.

Còn chị Nguyễn Thị Niệm (ấp Cây Da) lại bày tỏ mình không ngại khi mặc lại đồ cũ vì đẹp là được. Được truyền cảm hứng từ chị Hằng, chị Niệm cũng dần bỏ qua tự ti của dáng vẻ mình để chọn mặc áo dài và thấy rất xứng đáng vì cảm thấy mình đẹp hơn. Chị nói: “Trước đây, áo dài với tôi là điều không tưởng. Nhưng hiện tại tôi muốn có nhiều hơn những chiếc áo dài để được mặc vào dịp lễ với chị em”.

Do bệnh mà Nguyễn Trúc Linh luôn mặc cảm ngoại hình, nhất là mái tóc thưa vì rụng. Vậy mà đến nay em cũng đã tích góp được cho mình 5 chiếc áo dài cũng từ nguồn cảm hứng những chiếc áo 0 đồng của chị Hằng. Trúc Linh cho biết: “Em chọn áo dài để mặc khi được mời đi tiệc. Mặc áo dài em thấy mình đẹp và tự tin hơn”.

Vi Xuân

Nguồn Tây Ninh: https://baotayninh.vn/chi-hang-va-niem-cam-hung-voi-ao-dai-a169676.html