Chi hội trưởng phụ nữ tiêu biểu trong phong trào phòng chống tội phạm, tệ nạn xã hội và hòa giải cơ sở
Tham gia sinh hoạt chi hội phụ nữ từ rất sớm, chị Bùi Thị Thương thôn 2 Tân Sơn, xã Thành Kim, nay là thị trấn Kim Tân (Thạch Thành) luôn thể hiện sự năng động, nhiệt huyết với phong trào, hoạt động của hội, của địa phương và được chị em trong chi hội quý mến, tín nhiệm.
Hội viên chi hội thôn 2 Tân Sơn, thị trấn Kim Tân (Thạch Thành) duy trì tiết kiệm “Hũ gạo tình thương” giúp những hộ khó khăn.
Lập gia đình trong điều kiện kinh tế khó khăn, chồng trong quân ngũ, một mình chị nuôi hai con nhỏ và mẹ già đau yếu nhưng chị vẫn chăm chỉ lao động, làm mấy sào ruộng lúa kết hợp chăn nuôi. Việc nhà bận rộn nhưng các buổi sinh hoạt hội, phong trào hội phát động, chị Thương vẫn tham gia đầy đủ. Với những cố gắng nỗ lực, năm 2016, chị Thương được bầu làm Chi hội trưởng phụ nữ thôn 2 Tân Sơn và vinh dự được Hội LHPN Việt Nam tặng Bằng khen đã đạt thành tích xuất sắc trong thực hiện phong trào thi đua yêu nước, giai đoạn 2015-2020 trong lĩnh vực phòng chống tội phạm, tệ nạn xã hội và hòa giải cơ sở vừa được tổ chức tại Hà Nội.
Do vùng nông thôn miền núi còn nhiều khó khăn, nhiều chị em phải bươn trải làm kinh tế nhiều ngành nghề. Có người đi làm xa, lâu lâu mới về thăm gia đình nên để lại nhiều hệ lụy, như: không quán xuyến chăm sóc con cái thường xuyên, hạnh phúc gia đình rạn nứt... Trước thực trạng trên, chị Thương bàn với chi hội phó và hội viên nòng cốt triển khai mô hình thực hành tiết kiệm bằng nhiều hình thức, phù hợp với nhu cầu, nguyện vọng của chị em. Mô hình “Hũ gạo tình thương”, tiết kiệm tiền mặt, hỗ trợ giúp nhau ngày công, con giống... được duy trì thực hiện nhiều năm nay rất hiệu quả. Đặc biệt, mô hình “Hũ gạo tình thương” duy trì mỗi tháng 1 lần vào ngày 30 hàng tháng, mỗi người góp 1 kg gạo. Toàn bộ số gạo thu được sẽ bán quy ra tiền hỗ trợ hội viên khó khăn hoặc hội viên có nhu cầu nhận gạo mùa giáp hạt sẽ được chi hội trao kịp thời. Đến nay, tổng số gạo trao cho các hộ đạt 120 tấn. Ngoài ra, chi hội còn xây dựng được 4 tổ tiết kiệm tiền (700 ngàn đồng/chị/tháng), số tiền thu được đạt hơn 22 triệu đồng/tháng cho 2 hộ khó khăn vay phát triển trồng trọt, chăn nuôi, buôn bán... Cùng với nguồn vốn vay Ngân hàng Chính sách - xã hội và được hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc cây con, nhiều chị em đã từng bước có thu nhập cải thiện cuộc sống trên chính quê hương mình. Các chị đã cải tạo vườn tạp, đầu tư chăn nuôi, trồng rau, hoa màu, buôn bán nhỏ... góp phần cải thiện chất lượng cuộc sống và tích cực tham gia các phong trào văn hóa, văn nghệ, thể thao. Đến nay, tỷ lệ thu hút hội viên tham gia sinh hoạt đạt 88%. Mỗi năm, chi hội giúp từ 2 đến 3 hội viên thoát nghèo bền vững.
Kinh tế phát triển, đời sống người dân từng bước được nâng lên nhưng cũng bộc lộ một số tồn tại, hạn chế. Đó là tình trạng người dân chưa chấp hành tốt quy định pháp luật về an toàn giao thông, còn tình trạng uống rượu bia khi lái xe, một số tệ nạn xã hội chưa được ngăn chặn triệt để... Nhiều lần đang làm nhiệm vụ thủy nông, tham gia tuần tra an ninh thôn..., chị Thương phát hiện có tình trạng buôn bán ma túy; một số thanh niên trong thôn vướng vào tệ nạn xã hội khiến gia đình rạn nứt, ly tán... khiến chị trăn trở. Chị Thương đã phát huy tinh thần trách nhiệm, nhiều lần tuyên truyền, vận động hội viên, gia đình hội viên và người thân trong gia đình thực hiện tốt Luật Giao thông đường bộ, không buôn bán ma túy, nêu cao cảnh giác phòng chống, tố giác tội phạm. Trong năm 2018-2019, chị Thương đã phát hiện và tố giác 6 vụ mua bán ma túy, cùng với lực lượng chức năng tham gia bắt tội phạm 10 vụ... Cá nhân chị đã trực tiếp và phối hợp tham gia hòa giải thành công nhiều vụ mâu thuẫn trong gia đình, hàng xóm, góp phần xây dựng mối quan hệ tình làng nghĩa xóm bền chặt, vun đắp hạnh phúc gia đình hội viên, cùng với chị em tuyên truyền bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của phụ nữ và trẻ em gái... Trong xây dựng nông thôn mới, chị Thương bàn bạc với chi hội, ban công tác mặt trận thôn vận động hội viên và Nhân dân làm 2,5 km đường bê tông, trồng 2 đoạn đường hoa 1,5km, vận động 200 người thường xuyên tham gia BHYT tự nguyện...
Giỏi việc xã hội, đảm việc nhà, gia đình chị Thương là hộ làm kinh tế khá của thôn với mô hình chăn nuôi gà, trâu. Trừ chi phí, mỗi năm gia đình chị đạt hơn 200 triệu đồng. Các con trưởng thành và đã xây dựng gia đình, có lối sống lành mạnh, biết giúp đỡ đồng nghiệp, được mọi người yêu quý, nể trọng. Vì sự nỗ lực không ngừng đó, gia đình chị Thương liên tục được công nhận gia đình văn hóa, gia đình kiểu mẫu.