Chỉ mới là bắt đầu

Nhiều khả năng tại đại hội cổ đông những năm tới đây, khi nói về kế hoạch phát triển mảng môi giới, công ty chứng khoán sẽ phải chi tiết hóa từng thị trường từ phái sinh, từng sản phẩm và cơ sở. Cuộc chơi nhiều sân chỉ mới bắt đầu.

Ngày 9/7 đã ghi nhận mức thanh khoản thấp nhất trên thị trường chứng quyền có đảm bảo (CW) khi tổng khối lượng giao dịch đạt 1,35 triệu với giá trị 2,6 tỷ đồng. Điều này có nghĩa là thanh khoản của CW chỉ tương ứng khoảng… 1% so với thị trường cơ sở. Trong khi đó, nếu tính trên cùng một giá trị giao dịch thì phí thu về của hợp đồng tương lai (HĐTL) cũng chỉ bằng1/10so với thị trường cơ sở.

Hiện nay, phí giao dịch không phải là nguồn tạo ra lợi nhuận cho công ty chứng khoán mà chỉ đủ trang trải (cover) các loại chi phí vận hành. Tạo ra lợi nhuận chính là lãi cho vay margin, và đó cũng là lý do mà các công ty chứng khoán vẫn đang tìm cách giảm phí hết mức có thể, thậm chí miễn phí. Việc thanh khoản của hợp đồng tương lai có thể lên đến hơn 10.000 tỷ đồng/phiên cùng với tỷ lệ đòn bẩy cao nên sẽ giúp các công ty chứng khoán có nguồn thu đáng kể từ lãi cho vay margin.

Các công ty chứng khoán phải tính toán những nước đi phù hợp

Các công ty chứng khoán phải tính toán những nước đi phù hợp

Còn với CW, những con số sơ bộ về thanh khoản của thị trường này cũng đã phần nào cho thấy, để tạo ra được nguồn thu ổn định và đủ mạnh sẽ cần nhiều thời gian hơn nữa. Tuy nhiên, hệ thống sản phẩm hiện nay bao gồm cổ phiếu, chứng chỉ quỹ, CW và hợp đồng tương lai, sẽ buộc các công ty chứng khoán phải tính toán những nước đi phù hợp để vừa đảm bảo nguồn thu nhập hiện tại, nhưng cũng tránh hụt hơi trong tương lai.

Đơn cử, tại thị trường phái sinh, khi tất cả những công ty chứng khoán quay về một loại sản phẩm mới, chênh lệch giữa nhóm kỳ cựu và nhóm mới nổi có thể được thu hẹp. Tuy nhiên, nếu các công ty chứng khoán mới chỉ chạy theo phái sinh mà để “hổng” thị trường cơ sở thì chưa chắc đã hay. Bởi lẽ, yêu cầu của nhà đầu tư sẽ ngày một cao, công ty chứng khoán sẽ phải tìm mọi cách đáp ứng, chẳng hạn, nếu trong một thời điểm nhất định nào đó, dòng tiền dịch chuyển mạnh về thị trường cơ sở, nếu công ty chứng khoán chỉ mạnh về phái sinh e rằng sẽ gặp khó.

Trong khi đó, để đầu tư cho thị trường cơ sở, đòi hỏi công ty chứng khoán phải tuyển dụng, chiêu mộ những nhân sự giỏi, phải xây dựng những công cụ phân tích, dự báo thị trường, và quan trọng là phải vận hành một thời gian dài để tích lũy. Chưa kể, việc tìm kiếm nhân sự không chỉ đòi hỏi chi phí cao, mà còn phụ thuộc vào chiến lược của công ty. Nếu công ty không cho thấy sức hấp dẫn thì dù có trả lương cao chưa chắc người tài sẽ về.

Theo chiều ngược lại, những công ty chứng khoán lớn dù nắm trong tay nhiều lợi thế nhưng không phải là không có thách thức. Chẳng hạn, việc nắm giữ thị phần cơ sở lớn sẽ là áp lực, việc mở thêm thị phần sẽ tốn kém thêm nhiều chi phí. Trong khi đó, nguy cơ bị một số công ty chứng khoán mới nổi, đánh chiếm thị phần là rất hiện hữu. Dẫn chứng gần nhất là thị phần quý II của một số công ty dù dẫn đầu nhưng đã giảm hơn so với quý trước. Bản thân khi phát triển sản phẩm mới, nếu công ty chứng khoán mới nổi có thể tập trung tối đa nguồn lực cho một sản phẩm, còn công ty chứng khoán lớn sẽ phải dùng nhiều hơn từ nguồn lực hiện có. Áp lực một người nhiều việc có thể gây khó phần nào cho các công ty chứng khoán lớn.

Nhiều khả năng tại đại hội cổ đông những năm tới đây, khi nói về kế hoạch phát triển mảng môi giới, công ty chứng khoán sẽ phải chi tiết hóa từng thị trường từ phái sinh, từng sản phẩm và cơ sở. Cuộc chơi nhiều sân chỉ mới bắt đầu.

Phan Long

Nguồn TBNH: http://thoibaonganhang.vn/chi-moi-la-bat-dau-89855.html