Chị Nguyễn Thị Hương: Nữ cán bộ Tư pháp trẻ, đam mê công việc

Về xã Thanh Trù, thành phố Vĩnh Yên, tỉnh Vĩnh Phúc, nhắc đến chị Nguyễn Thị Hương, cán bộ Tư pháp - Hộ tịch thì ai cũng biết. Mọi người khen ngợi chị là một cán bộ năng nổ, nhiệt tình, đặt trách nhiệm công việc lên trên hết. Bằng kiến thức pháp lý sẵn có, kết hợp với khả năng tuyên truyền khéo léo, hợp lí hợp tình, chị đã góp phần đưa công tác Tư pháp của địa phương hoạt động hiệu quả, được nhân dân tin tưởng, nhận nhiều giấy khen của cấp trên.

Từ "tay ngang", nỗ lực không ngừng để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ

Tại bộ phận “Một cửa” của UBND xã Thanh Trù, những tấm bảng niêm yết các thủ tục hành chính được chị Nguyễn Thị Hương tự tay thiết kế rất rõ ràng, chi tiết, tính thẩm mỹ cao. Các tập tài liệu cũng được sắp xếp ngăn nắp, từng lĩnh vực được in mã QR để tạo thuận lợi cho công dân khi tra cứu thông tin. Chỉ qua vài chi tiết nhỏ này thôi cũng phần nào thấu hiểu được niềm say mê và trách nhiệm của chị Nguyễn Thị Hương với công việc.

Nữ cán bộ Tư pháp chia sẻ, năm 2013, UBND thành phố Vĩnh Yên tổ chức thi tuyển công chức cấp xã, trong đó có chức danh công chức Tư pháp. Thời điểm đó, điều kiện dự thi không yêu cầu phải học đúng chuyên ngành, do vậy, mặc dù học ngành Quản lý Tổ chức nhân sự của Học viện Hành chính Quốc gia nhưng chị vẫn đủ điều kiện đăng ký dự thi chức danh công chức Tư pháp - hộ tịch. Sau quá trình ôn luyện nghiêm túc, chị tự tin tham gia kỳ thi và đã trúng tuyển, được UBND thành phố Vĩnh Yên bố trí về công tác tại UBND xã Thanh Trù.

Chị Nguyễn Thị Hương- cán bộ tư pháp xã Thanh Trù luôn nhiệt tình và trách nhiệm với mỗi công dân khi đến làm việc tại xã

Chị Nguyễn Thị Hương- cán bộ tư pháp xã Thanh Trù luôn nhiệt tình và trách nhiệm với mỗi công dân khi đến làm việc tại xã

Địa phương này không phải là nơi thường trú của chị, do đó, ban đầu, nữ cán bộ Tư pháp - Hộ tịch gặp không ít khó khăn, lại chưa có kinh nghiệm nên khó bắt nhịp ngay được ngay với công việc.

Trước hết là gặp khó khăn về địa bàn. Bởi như chị kể, công chức Tư pháp - Hộ tịch là những người thường xuyên và trực tiếp tiếp xúc với nhân dân địa phương, giải quyết yêu cầu, kiến nghị của nhân dân trong khi bản thân chị chưa hiểu về phong tục tập quán cũng như con người nơi đây. Tuy nhiên, nhờ sự hỗ trợ của đồng nghiệp, các trưởng thôn, cùng sự quan tâm của lãnh đạo xã, sự chỉ đạo, hướng dẫn về chuyên môn của Phòng Tư pháp thành phố, nữ cán bộ Tư pháp - Hộ tịch đã dần vượt qua được những khó khăn để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

Một khó khăn khác chị gặp phải là vấn đề chuyên môn. Công việc Tư pháp – Hộ tịch cần am hiểu, thành thục nhiều kiến thức về nhà nước, phát luật, trong khi chuyên ngành của chị học trước đây là về Quản lý Tổ chức nhân sự. Để đáp ứng yêu cầu chuyên môn, không còn cách nào khác là phải tự học và đi học tại các cơ sở đào tạo chuyên nghiệp.

Chị Nguyễn Thị Hương sinh năm 1990. Trước khi trở thành công chức, chị là một đoàn viên thanh niên ưu tú, hăng say với công tác đoàn thanh niên tại địa phương. Từ năm 2013 đến nay, chị đảm nhiệm công việc của cán bộ Tư pháp - Hộ tịch tại xã Thanh Trù, Thành phố Vĩnh Yên. Năm 2017, chị vinh dự được kết nạp vào Đảng Cộng sản Việt Nam. Trong nhiều năm liền, chị Nguyễn Thị Hương được Đảng ủy - UBND xã Thanh Trù khen thưởng do đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.

Nhận thức rõ điều đó, chị Nguyễn Thị Hương đã không ngừng học tập, nâng cao nghiệp vụ chuyên môn. Chị tham gia đầy đủ các lớp bồi dưỡng nghiệp vụ cho công chức Tư pháp – hộ tịch do Sở Tư pháp Vĩnh Phúc và Thành phố Vĩnh Yên tổ chức. Chị còn sắp xếp thời gian tham gia lớp học bồi dưỡng nghiệp vụ hộ tịch cho công chức Tư pháp – hộ tịch do Học viện Tư pháp tổ chức và được cấp chứng chỉ. Đặc biệt, chị đi học văn bằng hai đại học chuyên ngành Luật của Trường Đại học Luật Hà Nội.

Nhờ nỗ lực học tập không biết mệt mỏi đã giúp chị Nguyễn Thị Hương đáp ứng tiêu chuẩn chuyên môn, nghiệp vụ của chức danh công chức Tư pháp – hộ tịch, sẵn sàng hoàn thành mọi nhiệm vụ được giao.

Tận tâm với công tác hòa giải

Bám sát nhiệm vụ chính trị của địa phương cùng sự chỉ đạo của Phòng Tư pháp thành phố Vĩnh Yên, hàng năm, chị Nguyễn Thị Hương tham mưu cho UBND xã Thanh Trù xây dựng chương trình, kế hoạch công tác tư pháp; kế hoạch thực hiện phổ biến, giáo dục pháp luật; rà soát và kiểm tra văn bản, chứng thực, hộ tịch; hòa giải cơ sở; xây dựng xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật…

Nhớ lại quá trình công tác hơn 10 năm qua, chị có nhiều kỷ niệm sâu sắc với người dân nơi đây. “Ấn tượng khó quên nhất là những buổi đi tuyên truyền giải phóng mặt bằng; những buổi hòa giải ở cơ sở hay những buổi phối hợp cùng cơ quan tòa án, thi hành án đến nhà các đương sự để vận động, tuyên truyền”, chị Hương kể.

Theo chị Hương, trong những năm gần đây, xã Thanh Trù có nhiều dự án được triển khai trên địa bàn xã, công tác tuyên truyền giải phóng mặt bằng (GPMB) là nhiệm vụ chính trị quan trọng của địa phương. Nhận thức được điều đó, với vai trò là công chức Tư pháp, chị Nguyễn Thị Hương đã tham gia cùng đoàn tuyên truyền GPMB của xã, gặp gỡ, nói chuyện rất nhiều với các hộ gia đình thuộc diện phải di dời. “Có những thời điểm, để đảm bảo tiến độ dự án, tôi cùng các đồng chí trong tổ tuyên truyền phải thực hiện việc tuyên truyền sau giờ làm việc, có khi đến 20h tối mới về nhà. Nhiều khi đi tuyên truyền cả những ngày thứ 7, chủ nhật”, nữ cán bộ Tư pháp nhớ lại.

Chị Nguyễn Thị Hương trong buổi hướng dẫn các hòa giải viên cơ sở thôn Đông , xã Thanh Trù về công tác hòa giải

Chị Nguyễn Thị Hương trong buổi hướng dẫn các hòa giải viên cơ sở thôn Đông , xã Thanh Trù về công tác hòa giải

Chị nhớ như in những lần đi tuyên truyền cho dự án mở rộng Trường THCS xã Thanh Trù, dự án Tái định cư cầu Đầm Vạc, dự án đường Kim Ngọc nối cầu Đầm Vạc. “Khi các hộ dân không đồng ý nhận tiền đền bù để bàn giao mặt bằng, tôi cùng các đồng nghiệp đã đến tuyên truyền, vận động rất nhiều lần sau giờ làm việc, cả ngày nghỉ. Sau những nỗ lực, người dân dần hiểu và đồng ý nhận tiền bồi thường”, nữ cán bộ nhớ lại và cho biết, việc không phải cưỡng chế để thực hiện dự án thể hiện sự đồng lòng, đồng sức của người dân. Khi dân đã hiểu, đã thấu chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước thì họ sẽ nghe theo, tự nguyện tuân thủ. “Nhờ nhận được sự đồng thuận cao của nhân dân, nhiều dự án đã hoàn thành đúng tiến độ”, nữ cán bộ Tư pháp nhớ lại.

Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, với việc thường xuyên tiếp xúc trực tiếp hàng ngày với người dân, chị cũng không tránh khỏi những trường hợp người dân không chấp hành, thậm chí hung hăng. Tuy nhiên, bằng sự gần gũi, lắng nghe tâm tư của người dân, bằng tình cảm cũng như trách nhiệm trong công việc, nữ cán bộ Tư pháp cùng các đồng nghiệp đã giải thích, truyền đạt để người dân hiểu, tự nguyện chấp hành.

Trong công việc của chị Nguyễn Thị Hương, việc phối hợp với tòa án, thi hành án dân sự cũng diễn ra thường xuyên. Chị nhớ lại, sau những bản án dân sự có hiệu lực, nhiều đương sự không chịu chấp hành án. Vậy là “chuyên gia” tuyên truyền, vận động như chị Nguyễn Thu Hương lại phải vào cuộc. Chị từng vận động, thuyết phục thành công nhiều đương sự chấp hành thi hành bản án.

“Tôi thuyết phục thành công người nhà bà Chu Thị Quyền mua lại tài sản phát mãi và thuyết phục bà Chu Thị Quyền tự nguyện giao tài sản nhà đất phải thi hành án cho người mua lại là bà Nguyễn Thị Thảo. Tôi cũng gặp gỡ, vận động vợ chồng ông Nguyễn Văn Bắc, bà Nguyễn Thị Khay thực hiện việc thi hành theo bản án hôn nhân gia đình với phần tài sản tranh chấp khi ly hôn với số tiền rất lớn....”, nữ cán bộ Tư pháp nhớ lại.

Hơn 10 năm là công chức Tư pháp – hộ tịch, chị Nguyễn Thị Hương luôn tận tâm, mẫn cán với công việc, thể hiện trách nhiệm và đạo đức công vụ khi thực hiện công việc được giao, có tinh thần hợp tác, giúp đỡ đồng nghiệp. Chị cũng được đồng nghiệp đánh giá là người gần gũi, lắng nghe, tìm hiểu tâm tư nguyện vọng nhân dân. Qua đó, kịp thời giải quyết những vụ việc phát sinh, tạo sự tin tưởng, ủng hộ từ nhân dân. Trong việc thực hiện giải quyết thủ tục hành chính hồ sơ được giải quyết trước hạn, đúng hạn đều đạt 100%, không có hồ sơ chậm hạn, không có phản ánh, kiến nghị nào của công dân trong quá trình thực hiện nhiệm vụ.

“Ẵm” loạt giải thưởng và giấy khen

Không chỉ đam mê với công việc chuyên môn, chị Hương còn thường xuyên tham gia các chương trình tìm hiểu kiến thức về pháp luật do thành phố Vĩnh Yên tổ chức và đạt giải. Cụ thể, chị đạt Giải Ba cuộc thi viết tìm hiểu pháp luật về Luật đất Đai 2013; Đạt Giải Khuyến khích cuộc thi viết Tìm hiểu Hiến pháp nước CHXHCN Việt Nam năm 2015.

Nhờ năng nổ, nhiệt huyết và hiệu quả trong công việc, nữ cán bộ Nguyễn Thị Hương nhận được nhiều khen thưởng của cấp trên như Giấy khen của Giám đốc Sở Tư pháp tỉnh Vĩnh Phúc vì có thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua theo chuyên đề “Cơ quan Tư pháp Vĩnh Phúc thi đua siết chặt kỷ cương, tăng cường đoàn kết, hành đồng, sáng tạo, bứt phá, hiệu quả thực hiên thắng lợi nhiệm vụ chính trị được giao, năm 2019”; Giấy khen của Cục trưởng Cục Thi hành án dân sự tỉnh Vĩnh Phúc về thành tích trong phong trào 2 năm (2019 – 2021) thi đua chuyên đề “Giao tài sản trong thi hành án dân sự; giải quyết án tín dụng ngân hàng và thực hiện văn hóa công sở”; Giấy khen của Chủ tịch UBND thành phố Vĩnh Yên về hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ năm 2019, 2022.

Lê Trang

Nguồn Pháp Luật VN: https://baophapluat.vn/chi-nguyen-thi-huong-nu-can-bo-tu-phap-tre-dam-me-cong-viec-post526782.html