Chi phí hạ tầng công nghệ và những bài toán cần cân nhắc để phát triển sách giáo khoa điện tử tại trường học

Sách giáo khoa điện tử đã và đang được là xu hướng được nhiều quốc gia thế giới áp dụng, nhằm nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, tuy nhiên cũng có những điều cần cân nhắc.

Phát triển sách giáo khoa điện tử tại trường học là xu hướng

Sách giáo khoa điện tử giúp học sinh học tập một cách dễ dàng hơn, đây là xu hướng đang được nhiều quốc gia trên thế giới phát triển trong hoạt động dạy và học, tuy nhiên cũng có những điều cần cân nhắc.

Đáp ứng sự phát triển nhanh chóng của công nghệ, sách giáo khoa điện tử nổi lên như một xu hướng tất yếu, mang lại nhiều lợi thế, tiện ích cho người học.

Việc phát triển sách giáo khoa điện tử, tăng cường đầu tư cho giáo dục đã và đang diễn ra mạnh mẽ với nhiều hình thức đa dạng tại nhiều quốc gia trên thế giới như Hàn Quốc, Nhật Bản, Campuchia…

Tại Hàn Quốc, bắt đầu từ năm 2025, sách giáo khoa kỹ thuật số dựa trên trí tuệ nhân tạo (AI) sẽ được giới thiệu, ứng dụng tại các trường tiểu học và trung học. Tuy nhiên chương trình này cũng khiến nhiều phụ huynh lo ngại.

Cách thức hoạt động của loại sách giáo khoa số này cũng như các công cụ giáo dục AI khác đang được nhiều tập đoàn công nghệ Hàn Quốc, gồm LG và Samsung phát triển.

Tờ The Korea Herald cho biết, Chính phủ Hàn Quốc sẽ đầu tư 70 triệu USD (khoảng 1.730 tỉ đồng) để cải thiện cơ sở hạ tầng kỹ thuật số và phát triển sách giáo khoa kỹ thuật số tại các trường công lập, nhằm khởi động việc dạy và học AI.

Trong năm 2024, sẽ cung cấp tổng cộng 60 tỷ won cho 6.000 trường tiểu học, trung học cơ sở và trung học phổ thông trên toàn quốc để cải thiện điều kiện mạng, đặc biệt chú trọng cải thiện tốc độ Internet và truy cập mạng.

Trong năm 2025, có kế hoạch tiếp tục rà soát, nâng cấp điều kiện mạng của 6.000 trường học khác, nâng tổng số trường được nâng cấp cơ sở hạ tầng kỹ thuật lên khoảng 12.000 của cả 3 cấp.

Tuy nhiên, hiện kế hoạch đưa sách giáo khoa điện tử được AI phát triển vào trường học của Chính phủ Hàn Quốc đang gặp phản ứng phản đối dữ dội từ phụ huynh và giới học giả, cho rằng Chính phủ đang triển khai sách giáo khoa AI "quá vội vàng mà không đánh giá đúng tác dụng phụ chỉ vì AI là xu hướng lớn hiện nay", bày tỏ lo ngại cho sức khỏe tổng thể của học sinh khi tiếp xúc nhiều với các thiết bị số.

Không chỉ Hàn Quốc, các quốc gia khác như Nhật Bản, quốc gia láng giềng Campuchia cũng đang có kế hoạch bước vào cuộc đua phát triển lĩnh vực sách giáo khoa điện tử.

Nền tảng kỹ thuật số của sách giáo khoa điện tử có thể khắc phục được những hạn chế truyền thống?

Theo các chuyên gia phân tích, sau khi cân nhắc các ưu điểm của sách giáo khoa điện tử, các phụ huynh vẫn lo ngại về những tồn tại của kế hoạch sử dụng sách giáo khoa trên nền tảng kỹ thuật số.

Theo đó, việc sử dụng sách giáo khoa điện tử đòi hỏi chính quyền và toàn thế quốc gia phải đầu tư một khoản nâng cấp tốn kém.

Hàng loạt cơ sở vật chất của hệ thống trường học hiện tại đều phải được chuyển đổi số hóa, trong đó việc đầu tư cơ bản cũng cần một khoản chi phí lớn như mua phần cứng (máy tính bảng), mua phần mềm (sách giáo khoa) và nâng cấp hệ thống wifi... để có thể áp dụng đại trà.

Một bất cập khác là việc đào tạo đội ngũ giáo viên làm quen với công nghệ thông tin. Trung bình ước tính chi phí thực hiện sách giáo khoa điện tử cao hơn các loại hình truyền thống 552%.

Bên cạnh đó, việc sử dụng máy tính bảng có thể dẫn tới những tổn hại sức khỏe như gây khô mắt, mỏi mắt, nhức mắt, đau đầu. Những người sử dụng các thiết bị điện tử thường xuyên có tỷ lệ mắc các bệnh về cơ, xương cao như đau cổ, thoái hóa đốt sống cổ, đau vai.

Rất nhiều những tồn tại cần được xem xét và khắc phục một cách thỏa đáng trước khi quyết định sử dụng sách giáo khoa điện tử một cách hoàn toàn như: Vấn đề dữ liệu, sự chú tâm của học sinh, các nguy cơ tấn công xâm nhập, các trò chơi điện tử, các phần mềm độc hại, virus và sự tiêu hao năng lượng một cách đáng kể...

Tuy nhiên, với những nghiên cứu và áp dụng kết hợp một cách bài bản, chính xác thì việc phát triển sách giáo khoa điện tử, ứng dụng vào giáo dục có những tối ưu và khả năng có thể phát triển mạnh trong tương lai.

Kế hoạch sách giáo khoa điện tử tại Việt Nam?

Tại Việt Nam, sách giáo khoa điện tử cũng đã và đang dần được phát triển và ứng dụng vào công tác giảng dạy của giáo viên và học tập học sinh.

Tại tọa đàm trực tuyến "Sách giáo khoa điện tử tương tác cao - Hướng đi cho tương lai" do Mạng lưới Trí thức trẻ Việt Nam toàn cầu tổ chức trong năm 2023, các đại biểu tham gia, là những chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực giáo dục đều nhận định rằng, phát triển sách giáo khoa điện tử sẽ là một xu hướng mới và cần thiết cho đổi mới ngành giáo dục Việt Nam.

Tuy nhiên, để triển khai rộng rãi việc học với sách điện tử cũng sẽ có nhiều hạn chế nhất định. Do đó, cần có sự cân nhắc kỹ lưỡng và một kế hoạch chi tiết để đảm bảo việc triển khai hiệu quả. Việc xem xét các yếu tố như hạ tầng công nghệ, đào tạo giáo viên và khả năng tiếp cận của học sinh là rất quan trọng để tối ưu hóa lợi ích của sách điện tử trong giáo dục.

Thực tế, sự phát triển của sách giáo khoa điện tử tại Việt Nam từng nở rộ trong thời kỳ COVID-19, khi các trường học bắt buộc phải dạy học online để phòng chống dịch bệnh.

Giai đoạn đó, nhiều người kỳ vọng đó là "cú hích", mở ra thời đại 4.0 cho giáo dục Việt Nam, khi chỉ cần truy cập đường link của Nhà xuất bản, nhiều học sinh và giáo viên đã có thể chọn các bộ sách giáo khoa theo nhu cầu từ lớp 1 cho đến lớp 12.

Về hình thức và nội dung, sách điện tử trên Hành Trang Số được thiết kế giống y như sách giáo khoa giấy, kèm thêm những tính năng thuận tiện như làm bài tập trực tiếp, phóng to hoặc thu nhỏ trang sách, sử dụng các phương tiện hỗ trợ (audio, video, hình ảnh)... làm phong phú bài giảng của giáo viên, tăng cường động lực tìm tòi học hỏi của học sinh, khiến cho việc học trở nên thú vị và trực quan hơn.

Tuy nhiên, tỷ lệ sử dụng nền tảng sách giáo khoa điện tử có sự giảm sút lớn khi đại dịch kết thúc, cuộc sống quay trở lại bình thường, bởi thói quen sử dụng sách giáo khoa giấy của thầy cô và học sinh vẫn đang được ưa chuộng hơn cả. Ngoài ra, còn một phần nguyên nhân do sách giáo khoa số chỉ có thể sử dụng trực tuyến, người dùng không thể tải về thiết bị, bị phụ thuộc vào kết nối Internet.

Cho đến gần đây, trước ảnh hưởng thiệt hại từ thiên tai, bão lũ khiến nhiều trường học phải đối mặt với tình trạng nhiều sách vở, tài liệu học tập bị hư hỏng, cuốn trôi theo dòng lũ. Việc sử dụng sách giáo khoa điện tử được đưa ra như giải pháp thay thế, hỗ trợ cho quá trình học tập của học sinh không bị gián đoạn. Sách giáo khoa điện tử bỗng từ xu hướng dần bị quên lãng lại có tín hiệu quay trở lại mạnh mẽ.

Có thể thấy, với những lợi ích to lớn mà sách giáo khoa điện tử mang lại, việc đẩy mạnh triển khai và ứng dụng công nghệ trong giáo dục sẽ không chỉ đáp ứng yêu cầu hiện tại mà còn mở ra những cơ hội phát triển bền vững trong tương lai, có thể tạo ra một môi trường học tập hiện đại, linh hoạt và hiệu quả.

Quang Minh

Nguồn Công dân & Khuyến học: https://congdankhuyenhoc.vn/chi-phi-ha-tang-cong-nghe-va-nhung-bai-toan-can-can-nhac-de-phat-trien-sach-giao-khoa-dien-tu-tai-truong-hoc-179241021080316726.htm