Chi phí vận tải biển giảm sâu, báo hiệu áp lực lạm phát đã đạt đỉnh

Chi phí vận tải biển tăng vọt trong thời kỳ đại dịch Covid-19 là tín hiệu báo trước sự gia tăng lạm phát trên toàn cầu. Giờ đây, chi phí này đã giảm mạnh, báo hiệu áp lực lạm phát đã vượt qua mức đỉnh điểm.

Chi phí vận chuyển một container 40 foot từ Hồng Kông đến Los Angeles (Mỹ) giảm mạnh xuống còn 1.200 đô la, mức thấp nhất kể từ năm 2018. Ảnh: Bloomberg

Chi phí vận chuyển một container 40 foot từ Hồng Kông đến Los Angeles (Mỹ) giảm mạnh xuống còn 1.200 đô la, mức thấp nhất kể từ năm 2018. Ảnh: Bloomberg

Vào tháng 10-2021, giá cước vận chuyển container trung bình trên thế giới tăng hơn sáu lần so với mức trước Covid-19. Mức tăng giá cước khủng khiếp này báo hiệu lạm phát tăng dai dẳng như các nền kinh tế lớn ở phương Tây đã chứng kiến trong suốt năm 2022, Jonathan D. Ostry, giáo sư tại Đại học Georgetown (Mỹ) và là cựu giám đốc bộ phận châu Á và Thái Bình Dương của Quỹ Tiền tệ quốc tệ (IMF), cho biết trong một bài viết đăng trang web của IMF hôm 24-1.

Giáo sư Ostry và bốn đồng nghiệp của ông đã tiến hành một nghiên cứu để kiểm tra mối liên hệ giữa chi phí vận tải biển và giá cả. Nghiên cứu cho thấy, khi chi phí vận chuyển container tăng gấp đôi, lạm phát toàn cầu tăng thêm khoảng 0,7 điểm phần trăm.

“Trong khi đà tăng giá chóng mặt của lương thực và năng lượng trong năm ngoái thu hút phần lớn sự chú ý thì sự gia tăng chi phí vận tải biển dường như không được các nhà hoạch định chính sách quan tâm nhiều, bất chấp tác động lạm phát tiềm ẩn của nó”, giáo sự Ostry nói.

Ông ước tính, mức tăng mạnh của chi phí vận tải biển trong năm 2021 đã khiến lạm phát toàn cầu trong năm 2022 tăng thêm hơn 2 điểm phần trăm, một tác động lớn mà các ngân hàng trung ương khó có thể phớt lờ.

Nghiên cứu của giáo sư Ostry cũng chỉ ra rằng, tác động của cú sốc chi phí vận tải biển đối với lạm phát kéo dài hơn tác động của cú sốc giá cả hàng hóa. Tác động từ cú sốc chi phí vận tải biển thường đạt đỉnh sau khoảng một năm và có thể kéo dài tới 18 tháng. Ngược lại, tác động của giá dầu đối với lạm phát giá cả tiêu dùng đạt đỉnh chỉ sau hai tháng.

Ostry lưu ý, một số yếu tố thúc đẩy lạm phát không thể lường trước hoặc khó dự đoán. Chẳng hạn là tình trạng gián đoạn chuỗi cung ứng, giá cả hàng hóa tăng do cuộc xung đột Nga-Ukraine và nhu cầu mua sắm của người dân Mỹ tăng lên nhờ việc số tiền tiết kiệm tích lũy trong thời kỳ đại dịch Covid-19.

Tuy nhiên, ông cho rằng các nhà hoạch định chính sách của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) phải chịu trách nhiệm về việc bỏ sót các yếu tố gây lạm phát dễ nhận biết, đặc biệt là những yếu tố cho thấy áp lực giá cả tăng lên chẳng hạn như chi phí vận tải biển.

Theo đó, có khả năng trong năm ngoái, Fed buộc phải tăng lãi suất mạnh để bù đắp cho sự ứng phó chậm trễ. Kết quả là Fed đang gây ra rủi ro suy thoái lớn hơn cho nền kinh tế Mỹ cũng như tác động bất lợi lan tỏa toàn cầu từ chính sách thắt chặt tiền tệ của mình.

Chi phí vận chuyển một container 40 foot từ châu Á đến Mỹ đạt mức cao nhất là 8.585 đô la Mỹ vào tháng 3 năm ngoái. Kể từ đó, chi phí này đã giảm mạnh xuống còn 1.200 đô la, mức thấp nhất kể từ năm 2018, theo một chỉ số do Công ty Drewry Shipping Consultants tổng hợp.

Khi đợt tăng chi phí vận chuyển container đã qua đi, nghiên cứu của Ostry và các đồng nghiệp của ông cũng cho thấy hầu hết tác động lạm phát từ vấn đề này cũng đã lắng xuống. Hiện nay, với chi phí vận tải biển đã giảm sâu, các áp lực lạm phát đang được đẩy lùi.

“Vai trò của chi phí vận tải biển với tư cách là động lực thúc đẩy lạm phát toàn cầu chưa được công nhận. Điều này cần phải thay đổi”, ông nói và cho rằng, cú sốc chi phí vận tải biển trong thời kỳ đại dịch Covid-19 có thể cảnh báo các ngân hàng trung ương về những mối nguy hiểm ở phía trước và giúp tránh rủi ro một lần nữa hành động chậm trễ.

Theo Bloomberg

Lê Linh

Nguồn Saigon Times: https://thesaigontimes.vn/chi-phi-van-tai-bien-giam-sau-bao-hieu-ap-luc-lam-phat-da-dat-dinh/