Chỉ số Nhà quản trị mua hàng đạt 47,7 trong tháng 3, Việt Nam đứng cuối ASEAN

S&P Global Market đánh giá, so với các quốc gia trong ASEAN, ngành sản xuất Việt Nam có quả hoạt động kém nhất trong tháng 3, với chỉ số Nhà quản trị mua hàng (PMI) chỉ đạt 47,7.

Ngành sản xuất Việt Nam có bước lùi trong tháng 3.

Ngành sản xuất Việt Nam có bước lùi trong tháng 3.

Chỉ số Nhà quản trị Mua hàng - Purchasing Manager’ Index (PMI) của S&P Global Market đánh giá, ngành sản xuất của khu vực ASEAN trong tháng 3 đạt 51 điểm, giảm nhẹ 0,5 điểm so với tháng 2, tức là mức độ tăng trưởng đã yếu hơn.

S&P Global Market đánh giá, cả Singapore và Malaysia đều ghi nhận suy giảm các điều kiện sản xuất trong tháng 3. Các nhà sản xuất Singapore báo cáo mức suy giảm mạnh hơn (PMI đạt 48,9) so với tháng 2. Trong khi đó, mức suy giảm ở Malaysia (48,8) là yếu nhất kể từ khi thời kỳ suy giảm bắt đầu vào tháng 9 năm ngoái.

Dữ liệu của từng quốc gia cho thấy các điều kiện hoạt động được ghi nhận cải thiện ở bốn trong số 7 quốc gia ASEAN, và Myanmar dẫn đầu về tăng trưởng lần đầu tiên trong 32 tháng. Mức độ cải thiện sức khỏe ngành sản xuất của Myanmar khá mạnh, với chỉ số PMI tương ứng đạt 55,5 trong tháng 3.

"Quốc gia có kết quả hoạt động kém nhất trong tháng 3 là Việt Nam, với chỉ số PMI đạt 47,7, ngành sản xuất của Việt Nam đã ghi nhận các điều kiện kinh doanh suy giảm trong 4/5 kỳ khảo sát vừa qua:, theo S&P Global.

Việc đà tăng trưởng dừng lại đã phản ánh bức tranh tương đối ảm đạm của nhu cầu, khi cả sản lượng, số lượng đơn đặt hàng mới và việc làm giảm trở lại.

Sản xuất công nghiệp quý I/2023 thực tế đã sụt giảm 2,2% so với cùng kỳ, là nguyên nhân khiến tăng trưởng đạt thấp. Theo Bộ Công thương, ngành chế biến, chế tạo giảm 2,4%; ngành sản xuất và phân phối điện giảm 1%; ngành cung cấp nước, ngành khai khoáng giảm 4,5%.

Chỉ số sản xuất quý I/2023 của một số ngành trọng điểm thuộc ngành công nghiệp cấp II cũng giảm mạnh: Sản xuất giường, tủ, bàn, ghế giảm 13,5%; phương tiện vận tải khác giảm 11,9%; giấy và các sản phẩm từ giấy giảm 10,3%; sản phẩm từ khoáng phi kim loại khác giảm 8,7%; xe có động cơ giảm 8,2%; trang phục giảm 7,7%; thiết bị điện giảm 6,9%.

Ngoài ra, giá trị tăng thêm của ngành công nghiệp trong quý I giảm 0,82% so với cùng kỳ, là mức giảm sâu nhất của cùng kỳ các năm trong giai đoạn 2011-2023.

Theo đó, làm giảm 0,28 điểm phần trăm trong mức tăng tổng giá trị tăng thêm của toàn nền kinh tế. Nguyên nhân chủ yếu là do ngành công nghiệp chế biến, chế tạo giảm 0,37%, làm giảm 0,1 điểm phần trăm; ngành khai khoáng giảm 5,6% làm giảm 0,2 điểm phần trăm; ngành sản xuất và phân phối điện giảm 0,32%, làm giảm 0,01 điểm phần trăm.

Công nghiệp chế biến, chế tạo không còn đóng vai trò động lực dẫn dắt tăng trưởng của nền kinh tế khi giá trị tăng thêm của ngành giảm 0,37%, làm giảm 0,1 điểm phần trăm vào mức tăng trưởng chung của toàn nền kinh tế.

Đáng nói, có 48 địa phương có chỉ số sản xuất công nghiệp quý I tăng và 15 địa phương có IIP giảm. Trong đó, Quảng Nam giảm 34,3%; Bắc Ninh giảm 18,8%; Vĩnh Long giảm 16,5%; Sóc Trăng giảm 15,6%; Vĩnh Phúc giảm 8,1%.

Chỉ ra nguyên nhân khiến sản xuất công nghiệp và xuất nhập khẩu giảm, Bộ Công thương nói rằng, giá nhiên liệu đầu vào, năng lượng toàn cầu vẫn ở mức cao đã tác động đến chi phí sản xuất của doanh nghiệp trong nước.

Lạm phát vẫn còn ở mức cao, chính sách tiền tệ vẫn chưa nới lỏng; kinh tế thế giới hồi phục chậm đều tác động đến xu hướng thắt chặt chi tiêu mua sắm các sản phẩm thông thường và xa xỉ tại một số thị trường tiêu thụ dệt may, da giày, đồ gỗ, linh kiện điện tử lớn như Mỹ, EU khiến nhu cầu nhập khẩu giảm.

Việc Trung Quốc mở cửa trở lại cũng tạo nhiều áp lực cạnh tranh đối với hàng xuất khẩu cùng chủng loại của Việt Nam.

Sức mua trong nước dù đã khôi phục nhưng vẫn còn yếu, chưa kích thích sản xuất, đầu tư và tiêu dùng, hoạt động mua hàng trở lại giảm, cũng như còn thiếu hỗ trợ, liên kết giữa thị trường nội địa và các ngành sản xuất.

Bộ này dự báo, kinh tế thế giới đang ở giai đoạn khó khăn, hồi phục chậm, tổng cầu giảm; lạm phát và lãi suất vẫn duy trì ở mức cao khiến nhu cầu tiêu dùng tiếp tục giảm tại Mỹ, EU.

Các chính sách kinh tế của một số quốc gia tiếp tục có tác động không nhỏ đến các quốc gia phụ thuộc nhiều vào xuất khẩu như Việt Nam, ảnh hưởng trực tiếp đến sản xuất, xuất khẩu của một số mặt hàng chủ lực như điện tử, dệt may, da giày, đồ gỗ trong thời gian tới.

Thế Hải

Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/chi-so-nha-quan-tri-mua-hang-dat-477-trong-thang-3-viet-nam-dung-cuoi-asean-d186941.html