Chỉ số Xanh cấp tỉnh: Công cụ thúc đẩy kinh tế xanh

Chỉ số Xanh cấp tỉnh (PGI) được xem là công cụ quan trọng để đánh giá và xếp hạng địa phương thân thiện với môi trường dưới góc nhìn từ thực tiễn kinh doanh.

Vì môi trường xanh

Phó Giám đốc Sở TN&MT Nguyễn Quốc Tân cho biết, PGI được xem là công cụ quan trọng đánh giá mức độ ứng dụng công nghệ thân thiện với môi trường của các doanh nghiệp (DN) tại địa phương, trình độ quản trị và ứng xử với môi trường của DN; mức độ quan tâm, sẵn sàng đầu tư về vấn đề môi trường của chính quyền địa phương... Vì vậy, PGI ngày càng được chính quyền các địa phương và DN quan tâm thực hiện qua việc hoạch định các chính sách, thúc đẩy xây dựng hệ sinh thái kinh doanh thân thiện với môi trường.

Tuân thủ các tiêu chuẩn môi trường tối thiểu là 1 trong 4 chỉ số thành phần của PGI được doanh nghiệp chú trọng, nhằm bảo vệ sức khỏe người lao động. Trong ảnh: Hoạt động sản xuất tại Công ty TNHH Xuất nhập khẩu Thương mại Thuyên Nguyên. Ảnh: THANH PHONG

Tuân thủ các tiêu chuẩn môi trường tối thiểu là 1 trong 4 chỉ số thành phần của PGI được doanh nghiệp chú trọng, nhằm bảo vệ sức khỏe người lao động. Trong ảnh: Hoạt động sản xuất tại Công ty TNHH Xuất nhập khẩu Thương mại Thuyên Nguyên. Ảnh: THANH PHONG

Sở TN&MT với vai trò đầu mối, chủ trì trong triển khai thực hiện PGI đã phối hợp với các cơ quan, đơn vị, địa phương trên địa bàn tỉnh triển khai thực hiện có hiệu quả Kế hoạch 151 ngày 1/8/2023 của UBND tỉnh về việc tập trung triển khai thực hiện các giải pháp cải thiện và nâng hạn PGI. Trọng tâm là tăng cường sâu rộng các phong trào sản xuất, tiêu dùng, mua sắm xanh trong cộng đồng DN, người dân. Cụ thể như: “Ngày thứ 7 xanh”, “Làn xanh đi chợ”, “5 không, 3 sạch”, “Tổ phụ nữ phân loại, xử lý rác thải tại hộ gia đình”, “tuyến đường sáng - xanh - sạch - đẹp - văn minh”...

Đồng thời, tăng cường các hoạt động hỗ trợ, cung cấp thông tin cho các DN trong các KCN, cụm công nghiệp (CCN) về sản xuất xanh. Qua đó, đảm bảo những KCN, CCN đang hoạt động, đầu tư mới phải đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng đáp ứng các quy định của Luật Bảo vệ môi trường (BVMT) 2020 và 100% KCN hoạt động có hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt quy chuẩn môi trường.

PGI được đánh giá, xếp hạng dựa trên 4 chỉ số thành phần, gồm: Giảm thiểu ô nhiễm môi trường và tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu cho DN; bảo đảm tuân thủ các tiêu chuẩn môi trường tối thiểu; vai trò lãnh đạo của chính quyền tỉnh trong thúc đẩy thực hành xanh; chính sách và dịch vụ hỗ trợ DN trong BVMT. Năm 2023, PGI của Quảng Ngãi đạt 20,12 điểm (tăng 5,48 điểm so với năm 2022).

Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Võ Thành Đàng cho hay, ngày càng có nhiều DN trên địa bàn tỉnh chủ động tham gia vào chiến dịch sản xuất xanh thân thiện môi trường và bảo đảm sức khỏe người tiêu dùng qua việc sử dụng nguồn nguyên vật liệu tự nhiên, nhiên liệu, hóa chất không gây độc hại. Chú trọng đầu tư dây chuyền máy móc, công nghệ, trang thiết bị sản xuất hiện đại; lựa chọn đầu tư lắp đặt các hệ thống năng lượng tái tạo, năng lượng sạch, hệ thống quản lý chất lượng an toàn vệ sinh, hệ thống xử lý chất thải...

Vì vậy, 3/4 chỉ số thành phần PGI năm 2023 của tỉnh tăng điểm so với năm 2022, gồm: Giảm thiểu ô nhiễm môi trường và tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu cho DN; chính sách và dịch vụ hỗ trợ DN trong BVMT và đảm bảo tuân thủ các tiêu chuẩn môi trường tối thiểu tăng nhiều nhất.

Thúc đẩy kinh tế xanh

Kết quả chỉ số PGI năm 2023, Quảng Ngãi có 1 chỉ số thành phần là “vai trò lãnh đạo của chính quyền tỉnh trong thúc đẩy thực hành xanh” giảm 1,04 điểm so với năm 2022. Xoay quanh vấn đề này, chính quyền các địa phương và DN cho rằng, song song với đẩy mạnh cải cách, đơn giản hóa thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi cho DN, người dân tiếp cận và thụ hưởng các chương trình, chính sách, dịch vụ hỗ trợ trong BVMT, tỉnh cần triển khai thực hiện hiệu quả các chính sách khuyến khích, hỗ trợ DN thực hành kinh doanh xanh.

Đầu tư ứng dụng khoa học công nghệ vào chăn nuôi, giảm đến mức thấp nhất những tác động tiêu cực đến môi trường. Trong ảnh: Trang trại nuôi gà đẻ trứng Trúc Lộc, xã Đức Phong (Mộ Đức).

Đầu tư ứng dụng khoa học công nghệ vào chăn nuôi, giảm đến mức thấp nhất những tác động tiêu cực đến môi trường. Trong ảnh: Trang trại nuôi gà đẻ trứng Trúc Lộc, xã Đức Phong (Mộ Đức).

Theo Tổng Giám đốc Công ty CP Nông sản thực phẩm Trần Ngọc Hải, không chỉ dừng lại ở việc khuyến khích, mà tỉnh cần hướng dẫn cũng như “tiếp sức” để DN đầu tư sản xuất các sản phẩm, dịch vụ thân thiện với môi trường. Đồng thời, ưu tiên nguồn lực đối với các DN, dự án ứng dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật vào sản xuất, nhất là sử dụng năng lượng tái tạo, tiết kiệm và thân thiện. Đầu tư, phát triển các dự án năng lượng tái tạo và hydrogen xanh - giải pháp cung cấp năng lượng bền vững cho các DN đang hoạt động tại KKT Dung Quất, các KCN và CCN trên địa bàn tỉnh.

Bên cạnh đó, các địa phương tiếp tục triển khai thực hiện Đề án thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030 và Kế hoạch 85 ngày 4/4/2024 của UBND tỉnh về tổ chức thực hiện phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn trên địa bàn tỉnh, giai đoạn 2024 - 2025. Tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện pháp luật về BVMT đối với cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, nhất là các dự án trọng điểm có nguồn phát thải lớn.

Phó Giám đốc Sở TN&MT Nguyễn Quốc Tân nhấn mạnh, trong thời gian đến, ngành TN&MT tiếp tục phối hợp với các cơ quan, đơn vị, địa phương nỗ lực thực hiện các giải pháp nâng cao chất lượng quản trị môi trường qua việc phòng ngừa và giảm thiểu ô nhiễm môi trường, tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu. Cùng với đó là, hướng dẫn, khuyến khích DN “xanh hóa” mô hình sản xuất, kinh doanh thông qua các chính sách và chương trình hỗ trợ cụ thể, mà không tạo thêm gánh nặng quá lớn cho DN. Qua đó, góp phần chuyển đổi mô hình tăng trưởng, hướng tới nền kinh tế xanh bền vững, qua đó nâng cao PGI của tỉnh trong những năm tới.

Bài, ảnh: THANH PHONG

Nguồn Quảng Ngãi: http://baoquangngai.vn/kinh-te/202410/chi-so-xanh-cap-tinh-cong-cu-thuc-day-kinh-te-xanh-46544d1/