Chỉ từ 1 tấm ảnh trên Twitter, các nhà khoa học phát hiện một loại sinh vật ký sinh hoàn toàn mới

Chấm trắng bé xíu không lọt qua con mắt tinh tường của nhà nghiên cứu Ana Sofia Reboleira.

Chúng ta dùng mạng xã hội để giải trí, liên lạc với bạn bè là chính. Có lẽ ta cũng không thể ngờ nền tảng này còn là công cụ hỗ trợ nghiên cứu khoa học: một nhóm các chuyên gia tới từ Bảo tàng Lịch sử Tự nhiên Đan Mạch thuộc Đại học Copenhagen vừa phát hiện ra một loài nấm ký sinh hoàn toàn mới thông qua một tấm ảnh được đăng trên Twitter.

Khởi đầu của khám phá này là thói quen lướt mạng xã hội của nhà sinh vật học Ana Sofia Reboleira công tác tại Bảo tàng Lịch sử Tự nhiên Đan Mạch; ngón tay lướt Twitter của cô dừng lại tại một tấm ảnh kỳ lạ. Cộng sự của cô tại Virginia Tech, Derek Hennen chia sẻ bức ảnh cho thấy một con cuốn chiếu Bắc Mỹ với những chấm trắng kỳ lạ trên cơ thể. Chi tiết bé xíu không qua được con mắt chuyên nghiệp của cô Reboleira.

Tôi có thể thấy thứ gì đó trông như nấm xuất hiện trên bề mặt con cuốn chiếu. Trước thời điểm này, những nấm trên chưa từng xuất hiện trên loài cuốn chiếu Bắc Mỹ. Tôi đã mang hình này tới cho cộng sự xem. Đó là lúc chúng tôi chạy xuống kho dữ liệu của bảo tàng và bắt đầu tìm kiếm”, cô Ana Sofia Reboleira kể lại.

Vòng tròn đỏ khoanh vị trí hai chấm trắm xuất hiện trên người con cuốn chiếu Cambala, chính là hai sinh vật ký sinh khoa học chưa từng ghi lại.

Vòng tròn đỏ khoanh vị trí hai chấm trắm xuất hiện trên người con cuốn chiếu Cambala, chính là hai sinh vật ký sinh khoa học chưa từng ghi lại.

Cô và nhà nghiên cứu Henrik Enghoff đã phát hiện ra nhiều mẫu vật nấm khác cùng loài với sinh vật mới được phát hiện, cũng xuất hiện trên vài con cuốn chiếu Bắc Mỹ có trong bộ sưu tập sinh vật tại Bảo tàng; thứ nấm này chưa từng xuất hiện trong bất cứ văn bản nào. Điều này khẳng định sự tồn tại của loài nấm thuộc bộ Laboulbeniales - một bộ nấm ký sinh nhỏ bé, kỳ lạ, chưa được nghiên cứu cụ thể vốn ưa thích côn trùng.

Các nhà nghiên cứu đặt tên sinh vật mới được phát hiện là Troglomyces twitteri.

Cô Ana Sofia Reboleira nói rằng khám phá mới là ví dụ cho thấy việc chia sẻ thông tin trên mạng xã hội có thể dẫn tới những sự kiện không ai ngờ tới.

Theo như tôi biết, đây là lần đầu tiên khoa học phát hiện ra loài mới trên Twitter. Nó cho thấy tầm quan trọng của những nền tảng này trong chia sẻ nghiên cứu - và qua đó đạt được kết quả mới”. Cô Reboleira tin rằng mạng xã hội nói chung đang đóng vai trò lớn trong nghiên cứu, và bên cạnh đó cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của bộ sưu tập sinh vật khổng lồ tại Bảo tàng Lịch sử Tự nhiên Đan Mạch đã giúp cô thành công.

Khoa học chưa biết nhiều về bộ nấm Laboulbeniales; ta mới hay vẻ ngoài của chúng giống ấu trùng cỡ nhỏ, thứ nấm này đặc biệt vì chúng mọc bên ngoài vật chủ, như trong trường hợp của Troglomyces twitteri, chúng mọc trên bộ phận sinh dục của con cuốn chiếu.

Cô Reboleira tin rằng nấm sẽ không chỉ cho ta kiến thức về vật chủ là những con côn trùng, mà còn về cơ chế đằng sau khả năng ký sinh của sinh vật. Cô mong nghiên cứu mới sẽ mang lại những kiến thức hữu ích liên quan tới những sinh vật ký sinh khác có thể gây hại cho con người.

Tham khảo Phys.org

Dink

Nguồn Tổ Quốc: http://toquoc.vn/chi-tu-1-tam-anh-tren-twitter-cac-nha-khoa-hoc-phat-hien-mot-loai-sinh-vat-ky-sinh-hoan-toan-moi-72020205201818946.htm