Chìa khóa để khởi nghiệp gọi vốn thành công

Tinh thần cầu thị, không có điểm dừng trên hành trình học hỏi, đặc biệt là trong việc nâng cao năng lực quản trị, là điều mà ông Nguyễn Minh Phúc, Giám đốc điều hành của công ty tư vấn Emakase nhấn mạnh khi nói về những nhà khởi nghiệp xuất sắc.

Ông Nguyễn Minh Phúc, Giám đốc điều hành công ty tư vấn Emakase

Ông Nguyễn Minh Phúc, Giám đốc điều hành công ty tư vấn Emakase

Năng lực quản trị của nhà lãnh đạo không chỉ được giới đầu tư coi trọng khi tìm kiếm các doanh nghiệp khởi nghiệp (startup) để rót vốn mà còn có khả năng đưa doanh nghiệp thoát khỏi “cửa tử” trong những bối cảnh sống còn như đại dịch Covid-19.

Các doanh nhân thuộc giới khởi nghiệp đời đầu, các lãnh đạo của những doanh nghiệp có tuổi đời vài thập kỷ và quy mô lên đến hàng trăm triệu USD mà Giám đốc điều hành Emakase Nguyễn Minh Phúc từng kết nối đến nay, vẫn tích cực trau dồi bản thân về kỹ năng quản trị. Họ tham gia vào các tổ chức và chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm cho nhau.

Với kinh nghiệm tư vấn, xây dựng và triển khai bốn khóa ươm tạo khởi nghiệp với đối tác quốc tế cho 30 startup ở khu vực châu Á, ông Phúc đặc biệt nhấn mạnh ba năng lực quản trị mà nhà sáng lập startup cần có.

Một trong những việc đầu tiên là khảo sát để thấu hiểu khách hàng, xác định “nỗi đau” của họ. Sau bảy năm hỗ trợ khởi nghiệp, ông Phúc nhận ra rằng, rất nhiều startup Việt Nam không chú trọng điều này, dẫn đến thiếu cơ sở cho việc xác định vấn đề cần giải quyết.

“Phải am hiểu về thị trường và khách hàng thì mới biết có nên bắt tay vào làm hay không để có thể đảm bảo tăng trưởng. Và startup phải có DNA (mã gen) về tăng trưởng nhanh thì các quỹ mới muốn nhảy vào”, ông Phúc nói.

Hai là kiến thức về quản trị tài chính. Những nhà sáng lập có xuất phát điểm là công nghệ hay nghiên cứu thường thiếu kiến thức về tài chính nên có thể gặp khó trong việc quản lý dòng tiền, chọn kênh phát triển doanh thu trọng tâm, tính toán số tiền gọi vốn và sử dụng vốn.

“Thực tế là rất ít người đi học về quản trị tài chính mà chủ yếu là thích học truyền thông và bán hàng”, ông Phúc nhận định.

Ba là năng lực quản trị đội ngũ. Việc tuyển người vào bước đầu không quá khó nhưng làm sao để chừng đó con người sẵn sàng đồng hành trên đường dài và để họ lớn lên cùng sự phát triển của tổ chức là điều không hề dễ dàng.

“Tổ chức tăng trưởng nhưng năng lực đội ngũ không đi lên thì không thể đáp ứng được. Điều quan trọng là phải biết truyền tải và giúp đội ngũ thấm nhuần tư duy không ngừng phát triển bản thân”, ông Phúc nói.

Bên cạnh đó, việc xây một đội ngũ vừa gần gũi thân thiết như gia đình để gia tăng tính gắn kết nhưng vừa tạo được động lực để có thể mang lại hiệu suất cao trong công việc cũng là một điều khiến không ít nhà sáng lập đau đầu. Theo ông Phúc, không có nhiều nhà sáng lập startup giỏi trong xây dựng và quản lý đội ngũ.

Lý do được đưa ra là do họ không nhận thức được rằng mình còn kém trong quản trị đội ngũ, đôi khi thậm chí không biết là việc này cần có kỹ năng và cần có một phương pháp tiếp cận khoa học nên cũng không chú trọng nâng cấp bộ năng lực này hoặc nghĩ đến việc sử dụng dịch vụ tư vấn, đào tạo chuyên nghiệp.

Muốn tri thức trước hết cần tỉnh thức

Là lãnh đạo của công ty tư vấn chiến lược phát triển dành cho doanh nghiệp vừa và nhỏ, ông Phúc nhấn mạnh, nhà sáng lập phải có tính cầu thị mới đủ cởi mở để nhận thức được và đón nhận vấn đề. Nhờ đó, quá trình tư vấn chuyên nghiệp để cho ra kết quả như ý thường không mất quá nhiều thời gian.

Một trong số nhân vật mà ông Phúc ấn tượng phải kể đến nhà sáng lập của một công ty cung cấp dịch vụ logistics về vận tải ở Việt Nam mà Emakase từng tư vấn.

Ở độ tuổi 9x lại hoạt động trong lĩnh vực mà theo ông Phúc là vô cùng cạnh tranh, vị doanh nhân vẫn đảm bảo tăng trưởng gấp đôi doanh thu mỗi năm cho công ty kể từ khi được thành lập vào năm 2020. Công ty logistics này hiện cung cấp dịch vụ vận tải đến 63 tỉnh thành và có bốn trung tâm trung chuyển tại Hà Nội, TP.HCM, Cần Thơ và Đà Nẵng.

Dù đang đạt được thành tựu đáng ngưỡng mộ nhưng khi tìm đến ông Phúc, vị doanh nhân trẻ tỏ ra rất khiêm nhường và thành thật bày tỏ: dù đã bắt đầu kinh doanh khá lâu nhưng chưa bao giờ gọi vốn nên không biết gọi vốn như thế nào, chuẩn bị hồ sơ ra sao và đang cần được hỗ trợ.

“Ấn tượng đầu tiên của tôi là sự tự nhận thức rất lớn của nhà sáng lập này. Bạn thấy rõ được mình có gì, còn thiếu gì và sẵn sàng thành thật đối diện với nó mà không hề tránh né", ông Phúc chia sẻ.

Sau quá trình “may đo”, những công việc mà Emakase hỗ trợ cho startup này ở thời điểm đó bao gồm: tư vấn chuẩn bị hồ sơ gọi vốn, kỹ năng thuyết trình gọi vốn, tư vấn xây dựng mô hình kinh doanh, tư vấn rà soát và xây dựng mô hình tài chính, tư vấn cấu trúc và gọi vốn đầu tư.

Hoàn toàn có thể làm được nhiều thứ dưới góc độ nhà cung cấp dịch vụ chuyên nghiệp nhưng ông Phúc để nghị vị doanh nhân trẻ trực tiếp tham gia cùng đội ngũ chuyên gia của Emakase và học từ những thứ nhỏ nhất để chuẩn bị cho một hành trình dài khởi nghiệp khi chưa có tư duy hệ thống về mô hình kinh doanh.

“Một doanh nghiệp kiếm hàng trăm tỷ đồng mỗi năm mà vẫn kiên trì học hỏi đến thế. Việc họ dành tất cả công sức cho dự án là một động lực lớn vô cùng cho cả doanh nghiệp và đội ngũ tư vấn”, lãnh đạo Emakase nói.

“Họ được Emakase trao kết quả cuối cùng như một phần quan trọng trong hành trang để đi chặng đường dài chứ không phải là một giải pháp chỉ có tính tức thì”, ông Phúc cho biết thêm.

Cũng chính vì vậy mà không ít quỹ đầu tư, đặc biệt là cho các startup ở giai đoạn đầu, rất coi trọng việc đánh giá đội ngũ và nhà sáng lập.

Với giám đốc điều hành của Emakase, một người trước đó từng đóng vai trò quan trọng trong các tổ chức hỗ trợ khởi nghiệp uy tín ở Việt Nam là Startup Vietnam Foundation và VIISA, ba yếu tố quan trọng mà nhà sáng lập cần chú ý nếu muốn thực sự kiện toàn để có “hào quang” thu hút các nhà đầu tư.

“Nhà sáng lập phải là người có khả năng tự nhận thức, tư duy không ngừng học hỏi và khát khao tạo được sản phẩm có ý nghĩa giúp giải quyết được vấn đề nào đó, có thể là của xã hội hoặc một nhóm đủ lớn của xã hội”, ông Phúc chỉ ra.

Dành lời khuyên cho startup, đặc biệt là để có thể thành công trên hành trình gọi vốn, ông Phúc nhấn mạnh: "Hãy thực sự tỉnh thức để nhận biết mình đang ở đâu trong cuộc chơi này, hành trình mà startup của mình đang đi như thế nào, thị trường đang khó như thế nào cũng như việc các đối thủ, đối tác và nhà đầu tư đang làm gì. Có tỉnh thức thì mới có sự chuẩn bị tốt cho hành trình sắp tới".

Đặng Hoa

Nguồn Nhà Quản Trị: http://theleader.vn/chia-khoa-de-khoi-nghiep-goi-von-thanh-cong-1697162955240.htm