'Chìa khóa' để nâng cao phúc lợi cho người lao động
Tại các doanh nghiệp, tổ chức Công đoàn đã và đang phát huy vai trò trong việc đại diện người lao động thương lượng với người sử dụng lao động để ký kết Thỏa ước lao động tập thể. Nhờ đó, người lao động không chỉ được đảm bảo quyền lợi mà còn được hưởng nhiều chế độ phúc lợi tốt hơn so với quy định.
Thương lượng để đảm bảo quyền lợi cho người lao động
Theo thống kê của Liên đoàn Lao động thành phố Hà Nội, hằng năm, 100% cơ quan, đơn vị tổ chức Hội nghị cán bộ, công chức, viên chức và trung bình hàng năm có 68,5% doanh nghiệp tổ chức Hội nghị người lao động. Chất lượng tổ chức các hội nghị ngày càng được nâng lên, đảm bảo dân chủ, thiết thực, công khai và minh bạch.
Đặc biệt thông qua hội nghị, nhiều quyền lợi cốt lõi của người lao động được đưa vào Thỏa ước lao động tập thể như: Tiền lương, tiền thưởng, đảm bảo việc làm, nâng cao tay nghề; chính sách lao động nữ, đảm bảo bữa ăn ca của người lao động…
Chia sẻ về những kết quả đã đạt được việc thương lượng với người sử dụng lao động để ký kết Thỏa ước lao động tập thể tại đơn vị với nhiều điều khoản có lợi cho người lao động, Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH SWCC SHOWA Việt Nam Nguyễn Minh Sơn cho biết, Ban Chấp hành Công đoàn công ty đã luôn đi sâu, đi sát, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng và thấu hiểu hoàn cảnh của người lao động, từ đó kịp thời có những thương lượng với người sử dụng lao động để đảm bảo quyền lợi và chăm lo tốt hơn cho người lao động.
Đơn cử như, khi ghi nhận những phản ánh của người lao động về môi trường làm việc tại nhà xưởng chưa được thân thiện, tiếng ồn từ thiết bị vận hành chưa được hạn chế, nhiệt độ trung bình tại khu vực xưởng sản xuất thường xuyên vượt quá 30 độ C gây mệt mỏi cho người lao động; thực đơn bữa ăn ca chưa được phong phú, có nhiều món không hợp khẩu vị người lao động… Ban Chấp hành Công đoàn đã kịp thời thương lượng với Ban lãnh đạo công ty.
Nhờ đó, môi trường làm việc tại khu vực xưởng sản xuất của công ty đã được cải thiện đáng kể, hiện 100% xưởng sản xuất đều được lắp điều hòa, tạo môi trường làm việc mát mẻ, đảm bảo sức khỏe cho người lao động. Bữa ăn ca của người lao động cũng đã được cải thiện về chất lượng và định lượng, toàn bộ bữa ăn ca đã được công ty cấp phát thêm sữa tươi hoặc sữa chua nhằm cải thiện dinh dưỡng cho người lao động.
Riêng với các vị trí có tính chất công việc đặc thù như nóng nực, nặng nhọc, công ty đã điều chỉnh số lượng sữa tươi bồi dưỡng cho người lao động tăng lên; vào mùa hè từ đầu tháng 5 đến hết tháng 9 đã đề nghị công ty pha thêm nước chanh đường phục vụ cho người lao động trước khi vào ca làm việc của ca 2 vào sau khi kết thúc ca 1…
Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH Điện tử Meiko Việt Nam Phan Thanh Hải cũng cho biết, để làm tốt vai trò đại diện của người lao động, hàng năm, Công đoàn đều lên kế hoạch để tham mưu phối hợp với Người sử dụng lao động tổ chức Hội nghị người lao động, tổ chức thường xuyên các cuộc họp giữa Ban chấp hành Công đoàn với Ban lãnh đạo công ty.
Tại Hội nghị người lao động, Công đoàn và người sử dụng lao động đã tạo điều kiện để người lao động tham gia xây dựng, sửa đổi, bổ sung các quy chế, quy định trong việc thực hiện các chế độ, chính sách đối với người lao động như: Xây dựng quỹ lương, thưởng, tiền ăn giữa ca; sửa đổi, bổ sung quy chế có liên quan trực tiếp đến quyền lợi, nghĩa vụ của người lao động phù hợp với quy định của nhà nước…
Với vai trò là đại diện của người lao động, Công đoàn đã thường xuyên lắng nghe những ý kiến đề xuất, kiến nghị hợp lý của người lao động, từ đó tham gia thương lượng, ký kết Thỏa ước lao động tập thể với người sử dụng lao động. Đồng thời duy trì hoạt động giám sát việc thực hiện Thỏa ước lao động tập thể và các chế độ chính sách, lương, thưởng cho người lao động.
Hiện nay, Ban chấp hành Công đoàn đã tham gia thương lượng, ký kết, bổ sung nhiều điều khoản cao hơn luật, có lợi cho người lao động vào Thỏa ước lao động tập thể như: Người lao động được thưởng chuyên cần theo tháng, quý, nửa năm, 9 tháng, cả năm; được nghỉ 5 ngày đặc biệt ngoài các ngày nghỉ lễ, Tết; được đi du lịch hằng năm; hàng tuần có thêm 1 – 2 bữa ăn ca được cải thiện; đối với lao động nữ nuôi con bằng sữa mẹ thì được đi vắt sữa mỗi lần 30 phút, 2 lần/ca 2; phụ nữ có thai được làm việc trong tư thế ngồi ghế có tựa lưng…
Cần đối thoại thường xuyên, liên tục
Tiến sĩ Đỗ Quỳnh Chi - Sáng lập viên, Giám đốc Trung tâm Trung tâm nghiên cứu Quan hệ lao động, người đã có 15 năm kinh nghiệm trong nghiên cứu, tư vấn và đào tạo về quan hệ lao động cho biết, để Công đoàn có thể đòi hỏi được quyền lợi tốt hơn cho người lao động thì Công đoàn và người lao động cần có được sức mạnh thương lượng. Sức mạnh thương lượng dựa vào nhiều yếu tố, thứ nhất là sự đoàn kết giữa Công đoàn và người lao động, thứ hai là sức mạnh từ quan hệ cung cầu của thị trường lao động, khi thị trường có nhu cầu lao động tăng lên thì lúc đó việc thương lượng để đẩy tiêu chuẩn lao động cho người lao động cao lên.
Theo Tiến sĩ Đỗ Quỳnh Chi, với những nơi chỉ có một dịp đối thoại là Hội nghị người lao động thì không thể nào có được hiệu quả bằng việc phải đối thoại hàng ngày, thường xuyên. Để có được Hội nghị người lao động tốt cuối năm, trước đó doanh nghiệp đã phải có tổ chức rất nhiều cuộc đối thoại và bản thân Công đoàn phải tham gia rất tích cực vào câu chuyện đối thoại hàng ngày hàng tháng.
Thực tế cho thấy, có một số Công đoàn cơ sở chịu ảnh hưởng của người sử dụng lao động rất lớn nên không hoạt động thực chất, không đại diện cho tiếng nói người lao động. Ngược lại có những doanh nghiệp có Ban Chấp hành Công đoàn cơ sở vẫn có thể hài hòa được mối quan hệ này và dù ít dù nhiều vẫn đại diện cho tiếng nói người lao động. Ở những doanh nghiệp nào Công đoàn đại diện cho tiếng nói người lao động nhiều thì ở đó Hội nghị người lao động cuối năm mang tính chất đối thoại thực chất hơn. Qua đó để thấy vai trò của Ban Chấp hành Công đoàn cơ sở rất quan trọng.
Có nhiều cách thương lượng khác nhau, không chỉ thương lượng trên bàn thương lượng tập thể, mà có thể diễn ra hàng tháng, hàng mùa. Ví dụ khi doanh nghiệp có đơn hàng mới khó hơn rất nhiều so với đơn hàng cũ thì doanh nghiệp phải thỏa thuận với người lao động và Công đoàn một đơn giá mới bởi nếu với đơn giá cũ thì người lao động sẽ không đồng ý.
“Vậy nên, thương lượng tập thể không chỉ là thương lượng dẫn đến thỏa thuận lao động tập thể mà hiểu rộng ra là thương lượng tập thể diễn ra trong tất cả các bước của quản lý doanh nghiệp, là sự tương tác thường xuyên giữa Ban Chấp hành Công đoàn cơ sở đại diện cho tiếng nói người lao động và người sử dụng lao động” – Tiến sĩ Đỗ Quỳnh Chi nhấn mạnh.
Nguồn LĐTĐ: https://laodongthudo.vn/chia-khoa-de-nang-cao-phuc-loi-cho-nguoi-lao-dong-112389.html