'Chìa khóa' giúp doanh nghiệp tối ưu hóa lợi ích từ các FTA, hướng đến xuất khẩu bền vững

Theo ông Ngô Chung Khanh - Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên (Bộ Công Thương), để nâng cao hiệu quả tận dụng FTA, Chính phủ đã giao Bộ Công thương phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương và các Hiệp hội triển khai xây dựng Hệ sinh thái tận dụng FTA.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Việt Nam chưa tận dụng hết lợi thế từ các FTA trong xuất khẩu giày dép

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê cho thấy, năm 2023, xuất khẩu giày dép của Việt Nam đã mang về hơn 20,2 tỷ USD, giảm 15,3% so với năm 2022. Mặt hàng giày dép của Việt Nam đã được xuất khẩu tới hơn 150 thị trường trên thế giới, trong đó, tập trung ở những thị trường chính như Mỹ, EU, Trung Quốc, Nhật Bản, Anh...

Dự kiến, kim ngạch xuất khẩu da giày cả năm 2024 sẽ đạt khoảng 26 - 27 tỷ USD. Tuy nhiên, theo Bộ Công Thương, doanh nghiệp da giày Việt Nam vẫn chưa tận dụng hết lợi thế và dư địa của các Hiệp định thương mại tự do (FTA) mang lại.

Việt Nam là nước xuất khẩu da giày lớn, song chưa tăng nhiều về chất, tỷ lệ nội địa thấp, giá trị gia tăng chưa cao. Vì thế, cần thiết xây dựng hệ sinh thái tận dụng các lợi thế FTA để tăng hiệu quả.

TS. Lê Huy Khôi - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược, chính sách Công Thương nhận định, thời gian qua, ngành da giày đã đóng góp một vai trò quan trọng vào nền kinh tế quốc gia. Ngoài việc tăng tỷ trọng kim ngạch xuất khẩu, ngành này còn tạo động lực lớn cho tăng trưởng năng lượng và nâng cao thu nhập của người lao động.

Các chỉ số sản xuất cho thấy từ khi tham gia vào các hiệp định thương mại, ngành da giày đã có những bước tăng trưởng tích cực. Tuy nhiên, ông Khôi cho rằng, sự tăng trưởng này vẫn chưa bền vững do tác động từ các yếu tố bên ngoài và chu kỳ kinh tế không ổn định. Ví dụ, vào năm 2015, tốc độ tăng trưởng sản xuất đạt 17,8%, nhưng đến năm 2020, con số này đã giảm dần. Sau giai đoạn đó, ngành lại phục hồi với tốc độ tăng trưởng tốt vào năm 2021 và 2022. Đến năm 2023, tăng trưởng vẫn chịu ảnh hưởng lớn từ nhiều yếu tố bên ngoài, dẫn đến sự suy giảm đáng kể.

Cũng theo ông Khôi, mặc dù Việt Nam là quốc gia xuất khẩu lớn nhưng vị trí cạnh tranh của ngành da giày chưa thực sự ổn định. Chúng ta hiện xếp thứ 10-11 trên thế giới về sản xuất các sản phẩm giày dép và phụ kiện liên quan. Tuy nhiên, do chúng ta chủ yếu tham gia vào các khâu gia công, chỉ số cạnh tranh của ngành không đạt mức cao như kỳ vọng. Dù vậy, đại diện Viện Nghiên cứu chiến lược, chính sách Công Thương khẳng định, ngành da giày Việt Nam vẫn có nhiều tiềm năng để phát triển.

Phó Giám đốc Sở Công Thương TP Hải Phòng Nguyễn Công Hân phân tích, các FTA đã tạo ra nhiều cơ hội thuận lợi cho ngành da giày trên địa bàn thành phố Hải Phòng mở rộng thị trường xuất khẩu. Thống kê qua công tác cấp Chứng nhận xuất xứ hàng hóa (C/O) ưu đãi tại Sở Công Thương Hải Phòng, 8 tháng năm 2024, tổng kim ngạch xuất khẩu mặt hàng giày dép đi các thị trường có FTA của các doanh nghiệp trên địa bàn thành phố và một số tỉnh lân cận tăng 8% so với cùng kỳ.

Một số thị trường có mức tăng trưởng trên 10%, như: châu Âu (13%), Hàn Quốc (13%), CPTPP (15%), ASEAN (17%), Hongkong (27%). Về tỷ trọng kim ngạch, C/O được cấp vào thị trường châu Âu chiếm 52,28%, Trung Quốc 11%, Nhật Bản 8,9%, CPTPP 8%...

Ông Nguyễn Công Hân cũng chỉ ra nhiều thách thức, trong đó là việc doanh nghiệp khó tự chủ trong tìm kiếm nguồn cung nguyên phụ liệu, bị phụ thuộc hoặc bị chỉ định bởi đối tác nhập khẩu. Thậm chí là thiếu thông tin và quy định của nước ngoài trong đó có các yếu tố liên quan đến tận dụng các FTA và khó khăn trong xây dựng thương hiệu.

Xây dựng hệ sinh thái FTA cho ngành da giày để phát triển bền vững

Theo các chuyên gia, việc xây dựng hệ sinh thái FTA cho ngành da giày là một giải pháp thiết thực giúp các doanh nghiệp tối ưu hóa lợi ích từ các FTA, cũng như xuất khẩu bền vững.

Bà Nguyễn Thị Ngọc Mai - Trung tâm Thiết kế và Phát triển sản phẩm - Viện Nghiên cứu Da Giày cho biết, các doanh nghiệp tư nhân và làng nghề đều mong muốn đưa sản phẩm của họ ra thị trường quốc tế. Tuy nhiên, họ gặp phải rào cản kỹ thuật lớn, từ khâu nguyên liệu đến sản phẩm cuối cùng, khiến nhiều sản phẩm không đạt tiêu chuẩn xuất khẩu. Vì vậy, việc xây dựng hệ thống tiêu chuẩn kỹ thuật cho ngành da giày trở thành yếu tố then chốt để kiểm soát nguyên liệu đầu vào và nâng cao chất lượng hàng hóa xuất khẩu.

Theo ông Ngô Chung Khanh - Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên (Bộ Công Thương), để hệ sinh thái này vận hành thì trong cơ cấu tổ chức phải có ban điều hành hoạt động theo hình thức như một công ty độc lập, có ban giám đốc, có các phòng, ban. Ban điều hành sẽ là "linh hồn" để điều hành, giúp cho các sáng kiến, các kết nối của các chủ thể đi vào cuộc sống.

Muốn có ban điều hành thì phải có nhân sự, văn phòng, trụ sở, có nguồn tài chính để hoạt động. Bên cạnh đó, để hệ sinh thái hoạt động thì các chủ thể phải làm việc với nhau phải tuân thủ quy định luật lệ.

"Ở đây phải có nguyên tắc, "luật chơi" mà ai vi phạm sẽ bị loại ra ngoài. Nhưng làm thế nào để đảm bảo các chủ thể tuân thủ quy định cũng là một thách thức, quan trọng hơn là làm sao khuyến khích, vận động các doanh nghiệp, các chủ thể tham gia một cách tự nguyện và hiệu quả. Muốn khuyến khích, đầu tiên phải cho họ thấy lợi ích khi tham gia mô hình", ông Ngô Chung Khanh cho hay.

Ông Khanh tin rằng khi có hệ sinh thái, những yêu cầu, mong muốn của doanh nghiệp sẽ được xử lý hiệu quả, nhanh chóng và thực tế hơn. Từ đó sẽ giúp thúc đẩy hiệu quả hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp.

Có thể thấy những thách thức chính trong việc xây dựng hệ sinh thái tận dụng FTA cho ngành da giày bao gồm việc áp dụng các tiêu chuẩn quốc tế và đảm bảo tuân thủ các yêu cầu về môi trường, lao động. Nhưng nếu thành công, hệ sinh thái mới sẽ giúp các doanh nghiệp Việt Nam nâng cao hiệu quả, tận dụng tối đa các lợi ích từ FTA.

Trần Sơn

Nguồn Pháp Luật VN: https://baophapluat.vn/chia-khoa-giup-doanh-nghiep-toi-uu-hoa-loi-ich-tu-cac-fta-huong-den-xuat-khau-ben-vung-post528398.html