Chìa khóa hạnh phúc nằm trong tay phụ nữ

Hảo về quê nội đúng ngày nóng đỉnh điểm của mùa hè. Chiếc xe 4 bánh không thể ních vừa con ngõ chật hẹp, Hảo nhắc anh tài xế đỗ xe ngoài đường cái để cô tự đi bộ vào.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Đôi giày dưới chân Hảo như bị rang chín trên mặt đường nhựa nóng như chảo lửa. Hảo cố gắng bước thật nhanh cho đến khi chữ “Ngõ Nẻ” to tướng đập vào mắt cô. Đây là nơi chất chứa bao nhiêu kỷ niệm hồi nhỏ của Hảo, chỉ cần bước qua cột mốc này, đi bộ thêm vài chục mét nữa trên con ngõ được lát gạch phẳng phiu là đến nhà chú thím.

Thấy bóng dáng nhỏ bé của Hảo nhấp nhô phía sau cánh cổng sắt đã tróc sơn, chú cười tít mắt, chạy ra ôm chầm lấy cô cháu gái, đôi chân Hảo được nhấc bổng lên không trung. Ở trong vòng tay chú, Hảo thấy mình hệt như một đứa trẻ. Mọi thứ dường như vẫn vẹn nguyên, không có gì thay đổi. Chú Hảo sắp về hưu nhưng vẫn giữ được dáng vẻ trẻ trung, chú cao và hơi gầy, làn da vẫn hồng hào, chỉ có mái tóc là nhạt màu theo thời gian. Hảo gợi ý: “Sao chú không nhuộm tóc đi? Chú mà nhuộm tóc, cháu đảm bảo chú sẽ trẻ ra vài chục tuổi”. Chú lắc đầu: “Khồng! Ta thích được sống đúng với tuổi thật của ta cơ”.

Thím hớt hải chạy ra từ bếp, tay cầm theo đôi đũa dài ngoằng, mồ hôi vã đẫm trên trán, chảy thành vệt nơi thái dương. Thế mà ánh mắt thím vẫn đong đầy niềm hạnh phúc: “Cháu gái đấy à?”. Hảo quý chú bao nhiêu thì cũng thương thím bấy nhiêu. Thím là người phụ nữ đơn thuần, chịu khó và luôn hào phóng yêu thương với các cháu, bất kể cháu ruột hay cháu bên chồng.

Hảo theo thím vào bếp, há miệng đón lấy miếng thịt rang cháy cạnh thơm lừng, ngọt lịm từ tay thím. Bỗng dưng thím tắt bếp, kéo chiếc ghế nhựa đến gần chỗ Hảo rồi bắt đầu ngồi xuống tỉ tê: “Cháu có biết thím khổ thế nào không. Tất cả cũng chỉ tại chú. Chú suốt ngày lo lắng cho bạn bè mà không quan tâm đến thím và các em. Thằng Đạt sắp tốt nghiệp đại học rồi mà chú chả thèm hỏi han xem nó dạo này học hành ra sao, công việc định thế nào. Thằng đó trầm tính thì chớ, lại vớ phải ông bố lạnh lùng như chú… Haiz, thím lo quá”.

Thì ra vẫn là câu chuyện muôn thuở. Chú Hảo vốn là người sống phóng khoáng, điều này thì ai cũng biết, nhưng cũng vì thế mà chú luôn vui vẻ. Hảo không có ý bênh hay chê trách chú, nhưng cũng không muốn làm thím buồn, cô động viên: “Thím có biết, tại sao chú thờ ơ với việc trong nhà thế không? Là vì chú đã có một người vợ đảm đang, giỏi thu vén và chu toàn mọi việc như thím. Tại thím cứ làm hết, lo hết mọi thứ nên chú mới rảnh rang vui vẻ với những hoạt động ở bên ngoài như thế”.

Tưởng nghe vậy thím sẽ xuôi, không ngờ thím còn tủi thân hơn, Hảo gần như không thể làm gì khi thấy mắt thím ầng ậng nước: “Những lúc cháu về chơi, cháu chỉ nhìn thấy dáng vẻ hoàn hảo của chú, nhưng phải sống chung với chú, cháu mới hiểu chú lạnh lùng đến thế nào. Tháng trước thím bị lật cổ chân, thế mà chú chẳng thèm hỏi han một câu, cũng không đưa đồng nào để thím đi bệnh viện. Thằng Đạt thì bận học, thím không muốn làm phiền nó nên mới phải tự gọi xe ôm đi bó chân. Tự nhiên lúc ấy thím mới nhận ra, chồng con cũng chẳng để làm gì. Cuối cùng vẫn chỉ có ta với cái thân ta mà thôi. Thím tự thấy mình là người giỏi nhịn, chứ nếu chú vớ phải người phụ nữ khác, chắc giờ này đường ai nấy đi rồi. Cháu xem, cái tủ với bộ bàn ghế ở phòng khách, mối mọt bao năm nay chú không chịu sắm đồ mới. Chán lắm cháu ạ! Chú chẳng ra làm sao cả. Đã thế, chú còn hay tiệc tùng bù khú, cứ thế này rồi có ngày… nát rượu”.

Dường như lời lẽ của thím đã bắt đầu chạm đến lòng tự ái nơi Hảo. Dù gì, chú vẫn là ruột thịt với Hảo, vậy mà thím không ngớt lời chê trách chú. Hảo cố gắng kiềm chế, giữ cho đầu óc thật tỉnh táo và đưa ra cho thím một giải pháp: “Đàn ông là vậy mà thím. Nếu cứ nhìn vào những mặt xấu của họ thì có lẽ thím cháu mình đã không kết hôn. Nhưng theo cháu, đàn ông tốt với mình hay không lại phụ thuộc vào cách xử lý của phụ nữ…”.

Thật ra, việc nói xấu chú đã trở thành thói quen, đôi khi còn là sở thích của thím. Hảo đã quá quen với điều này. Nhưng khác với mọi khi, cô không thụ động lắng nghe và hoàn toàn đồng tình với thím, lần này cô thể hiện rõ quan điểm. Hảo đủ tinh tế để nhận định những mâu thuẫn lặt vặt trong gia đình. Hảo biết, trong mắt thím, chú tệ đến mấy thì thím cũng không chịu ly hôn. Nhưng nếu thím không thể tiết chế được thói quen kể xấu chú, thì có lẽ hậu quả sẽ rất khó lường.

Hảo tiếp tục vẽ ra cho thím một viễn cảnh sáng sủa hơn: “Thay vì loanh quanh ở nhà, thím cũng nên chịu khó ra ngoài, tìm hiểu thêm những thứ khác như mạng xã hội chẳng hạn, thím có thể tham gia một số hoạt động với các nhóm bạn. Bây giờ cháu thấy nhiều nhóm vui lắm, ví như nhóm may vá, nhóm thiền, nhóm chia sẻ kiến thức chăm sóc sức khỏe… Khi thím bớt lo lắng việc nhà, biết đâu chú sẽ nhận ra vị trí và sự quan trọng của thím, từ đó chú sẽ quan tâm đến thím hơn…”.

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/gia-dinh/chia-khoa-hanh-phuc-nam-trong-tay-phu-nu-7OXi1HaMg.html