Chia sẻ lợi ích với đồng bào thượng nguồn để bảo vệ nguồn nước

ĐB Nguyễn Thị Lệ (Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TPHCM) băn khoăn về thẩm quyền ban hành quy trình vận hành hồ chứa, liên hồ chứa, đề nghị phân định rõ trường hợp nào UBND tỉnh ban hành, trường hợp nào thuộc thẩm quyền trung ương, hướng tới mục tiêu đảm bảo hiệu quả sử dụng nước cao nhất, hài hòa lợi ích cho tất cả các bên, các địa phương có liên quan...

Góp ý về dự thảo Luật Tài nguyên nước tại nghị trường chiều 20-6, ĐB Nguyễn Thị Lệ (TPHCM) nêu ra nhiều vấn đề then chốt. ĐB đề nghị cơ quan soạn thảo giải thích từ ngữ để người dân, doanh nghiệp dễ hiểu, thực hiện. Theo ĐB, vai trò của chính quyền các địa phương trong quản lý, phục hồi nguồn nước, giải quyết các tranh chấp về tài nguyên nước cần được bổ sung làm rõ.

Đặc biệt, ĐB Nguyễn Thị Lệ băn khoăn về thẩm quyền ban hành quy trình vận hành hồ chứa, liên hồ chứa, đề nghị phân định rõ trường hợp nào UBND tỉnh ban hành, trường hợp nào thuộc thẩm quyền trung ương, hướng tới mục tiêu đảm bảo hiệu quả sử dụng nước cao nhất, hài hòa lợi ích cho tất cả các bên, các địa phương có liên quan...

Quang cảnh phiên họp chiều 20-6 của Quốc hội

Quang cảnh phiên họp chiều 20-6 của Quốc hội

Cùng mối quan tâm đến phục hồi nguồn nước, ĐB Tráng A Dương (Hà Giang) bày tỏ quan ngại khi ngày càng có thêm những “dòng sông chết”. Việc phục hồi nguồn nước là rất cấp bách, nhưng cần có kinh phí lớn, sự tham gia nhiều bộ ngành, tổ chức cá nhân. ĐB đề nghị quy định rõ cơ chế chính sách tài chính cho việc bảo vệ, phục hồi nguồn nước, nhất là việc chi trả chi phí dịch vụ môi trường rừng.

ĐB Nguyễn Văn Thi (Hải Dương) cụ thể hóa thêm ý kiến của ĐB Tráng A Dương. Theo ông, các tổ chức sử dụng nước hạ lưu cần đóng góp nhiều hơn để có nguồn lực cho các địa phương ở thượng lưu trồng và bảo vệ rừng, chi trả dịch vụ môi trường rừng. “Đề nghị ưu tiên sử dụng tiền cấp quyền sử dụng nước để tăng nguồn lực, tăng mức hỗ trợ cho người dân thượng nguồn bảo vệ rừng, bảo vệ nguồn sinh thủy”, ông nói.

Nhìn nhận trên quan điểm kinh tế tuần hoàn, ĐB Nguyễn Văn Thi đề nghị bổ sung chính sách khuyến khích đơn vị, cá nhân đầu tư vào công nghệ để tăng cường tái sử dụng nước, đa dạng các nguồn nước…

Trong khi đó, ĐB Nguyễn Thị Ngọc Xuân (Bình Dương) trăn trở về tình trạng thiếu nước sạch, buộc người dân ở nhiều khu vực, chủ yếu ở các vùng nông thôn, phải sử dụng các nguồn nước không hợp chuẩn, thậm chí bị ô nhiễm nặng nề, dẫn đến phát sinh các “làng ung thư”. Bà Xuân đề nghị bổ sung vào Điều 5 dự thảo Luật về trách nhiệm của Nhà nước trong lập và thực hiện quy hoạch, kế hoạch xây dựng công trình cấp nước sạch cho cộng đồng.

“Việc cấp nước ở đô thị hiện nay giao cho Bộ Xây dựng, nhưng ở nông thôn lại là Bộ NN-PTNT quản lý, nên nhiều khi xảy ra nghịch lý là có công ty thuộc ngành xây dựng có khả năng, nhưng không cấp nước được cho nông thôn. Cần quy về một đầu mối để góp phần nâng cao số lượng, chất lượng nước sạch cấp cho người dân”, ĐB nhấn mạnh.

ANH PHƯƠNG

Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/chia-se-loi-ich-voi-dong-bao-thuong-nguon-de-bao-ve-nguon-nuoc-post694400.html