Chiếc áo kỷ niệm

Tôi đặc biệt thích những quán cà phê được trang trí theo hướng hoài niệm, một chút cổ xưa. Thi thoảng tôi tự thưởng cho mình vài tiếng đồng hồ thư giãn ở một quán cà phê quen thuộc. Quán không lớn, nằm lọt thỏm trong con hẻm, trước mặt là rừng cao su bạt ngàn xanh biếc.

Như mọi lần, tôi chọn một chiếc bàn trong góc, gần giá sách và nhìn bao quát quán, chỉ để mong có thể dễ dàng nhận ra Thương nếu bạn trở lại nơi thân quen này. Chúng tôi chia tay nhau vào một ngày cuối hạ, trong cơn mưa chiều rả rích, tuổi mười lăm nhiều lưu luyến. Khi ấy, quán cà phê mới mở được vài ngày, tôi xin mẹ ít tiền đủ để gọi 2 ly nước cam chia tay bạn. Thương theo gia đình chuyển đi nơi khác sinh sống, chúng tôi hẹn nhau ngày gặp lại nhưng không rõ là bao giờ...

Năm tôi 6 tuổi, nhà Thương chuyển đến ở cạnh nhà tôi. Cùng tuổi, cùng lớp, chúng tôi trở thành đôi bạn sớm tối có nhau. Thương có 1 người anh trai hơn bạn 10 tuổi, nên nghiễm nhiên bạn trở thành cô công chúa bé bỏng của cả nhà. Gia đình tôi có đông anh em, sau tôi còn 2 đứa em cách nhau năm một, lúc nào cha mẹ cũng tất bật với cơm áo gạo tiền. Mới học lớp 1, tôi đã phải chăm một đứa em, chị kế tôi thì chăm đứa còn lại.

Khi ấy, tôi thật sự rất ngưỡng mộ cuộc sống của Thương. Cha mẹ bạn đều làm việc ở cơ quan nhà nước, bữa cơm gia đình luôn có thịt, cá đủ đầy. Vậy nhưng, bạn không bao giờ ra vẻ hay tỏ thái độ tiểu thư. Có bánh trái gì bạn cũng đem sang chia, tôi sung sướng cắn từng miếng nhỏ thưởng thức như sợ ăn nhanh sẽ hết.

Chúng tôi đã có tuổi thơ bên nhau đầy kỷ niệm. Nhưng không hiểu sao, Thương học ngày càng yếu, học trước quên sau, khó tiếp thu kiến thức. Nhận thấy mình tiếp thu chậm hơn các bạn cùng trang lứa, Thương nỗ lực gấp nhiều lần và rồi chúng tôi đã cùng thi đậu vào trường cấp ba.

Bên cạnh niềm vui thi đậu, tôi lo lắng không biết có được tiếp tục tới trường. Sáu đứa con cùng ăn học là gánh nặng quá lớn với cha mẹ. Và rồi tôi có ý định nghỉ học để đỡ đần cha mẹ. Suốt mùa hè năm ấy, tôi đi làm thuê đủ việc từ dọn cỏ, bón phân, thu hoạch trái cây, hết việc tôi lại ra chợ xin may dép cho các cửa hàng. Những ngón tay tôi phồng rộp nhưng bù lại có khoản thu nhập phụ gia đình.

Thương động viên tôi cố gắng theo học để sau này đỡ khổ, nhưng khi ấy lòng tôi đã quyết chín mươi phần trăm nghỉ học. Cho đến khi sự cố xảy đến với Thương đã thay đổi quyết định trong tôi. Hôm ấy Thương đem sang cho tôi 2 bộ áo dài trắng mới tinh, đó là đồ mẹ may cho bạn để chuẩn bị vào năm học mới. Thương nói, giờ bạn không còn cơ hội mặc nữa nên tặng lại để tôi viết tiếp ước mơ đến trường.

Những lời sau đó Thương nói rất nhẹ nhàng nhưng đủ làm tôi ngơ ngác đến vài phút. Thương bị bệnh về não, đó là nguyên nhân khiến bạn nhớ nhớ, quên quên. Ba mẹ bạn đã quyết định chuyển lên thành phố ở để tiện bề chữa trị cho con. Cô bạn tôi khi ấy mới 15 tuổi, đón nhận sự việc một cách bình thản…

Tôi đã khóc rất nhiều, việc chia xa người bạn từ thuở nhỏ không khiến tôi đau xót bằng việc bạn tôi phải chiến đấu với căn bệnh nguy hiểm. Lần chia tay ấy, tôi chỉ kịp tặng Thương một quyển sổ nhỏ có ghi thông tin liên lạc. Hai đứa ngồi với nhau suốt buổi chiều cùng ly nước cam đã tan hết đá …

Chúng tôi thư từ qua lại được vài lần rồi bặt tin. Tôi không biết Thương đã chiến đấu với căn bệnh như thế nào, nhưng tôi luôn cầu mong bạn khỏe mạnh và một ngày nào đó sẽ về thăm tôi. Hai bộ áo dài ngày xưa Thương tặng, tôi coi như báu vật, cất kỹ vào đáy rương rồi khóa lại. Mỗi khi nhớ bạn, tôi lại đem chiếc áo ra ngắm như thể thấy Thương đang ở bên động viên như những ngày tôi có ý định từ bỏ ước mơ.

Lê Thị Nam Phương

Nguồn Bình Phước: https://baobinhphuoc.com.vn/news/19/163168/chiec-ao-ky-niem