Chiếc mũ đội đầu của em bé người Tày

Giống như những em bé của các dân tộc khác, em bé người Tày khi sinh ra đều được người lớn tự tay khâu cho những chiếc mũ xinh xắn. Những chiếc mũ vừa thể hiện tình yêu của người lớn với con trẻ, vừa giúp bảo vệ phần đầu còn non nớt của em bé.

Bên song cửa sổ, chị Phùng Thị Thi thôn Bản âm, xã Đà Vị, huyện Na Hang say sưa khâu mũ cho đứa con của mình. Chị bảo, người mẹ nào cũng mong muốn con mình sinh ra và lớn lên khỏe mạnh, phụ nữ người Tày cũng vậy. Riêng con nhà chị, từ khi sinh ra đến nay, chị đã khâu cho cháu 3 chiếc mũ. Một chiếc mũ đội ở nhà, một chiếc mũ đội đi chơi và một chiếc mũ đội lúc chào đời đến nay đã chật. Những chiếc mũ không dùng đến nữa, được chị cất giữ cẩn thận để lưu làm kỷ niệm cho em bé hoặc tặng lại cho những em bé khác là người thân trong gia đình.

Những em bé người Tày khi sinh ra đề được các mẹ, bà khâu cho những chiếc mũ xinh xắn.

Những em bé người Tày khi sinh ra đề được các mẹ, bà khâu cho những chiếc mũ xinh xắn.

Chiếc mũ của em bé người Tày thường được khâu từ các mảnh vải nhỏ với nhiều màu sắc khác nhau. Theo quan niệm của người Tày, nhiều màu sắc sặc sỡ sẽ phù hợp với sở thích của trẻ nhỏ. Các màu sắc cũng có những ý nghĩa riêng, như màu đen là màu chủ đạo truyền thống trong trang phục của người Tày. Màu xanh tượng trưng cho cỏ cây trong tự nhiên. Màu đỏ tượng trưng cho sự may mắn… Ý nghĩa của các màu sắc thể hiện ước mong của người lớn tới đứa trẻ, mong trẻ lớn lên sẽ khỏe mạnh, may mắn và có cuộc sống no đủ, giàu sang.

Chiếc mũ được may bởi 2 lớp, một lớp vải xô chưa nhuộm chàm bên trong và một lớp vải bên ngoài làm bằng vải chàm kết hợp với nhiều hoa văn, họa tiết khác nhau. Phía ngoài mũ có các họa tiết được khâu khéo léo bằng chỉ với nhiều màu sắc khác nhau. Chiếc mũ được chia làm 3 phần, gồm: Vành mũ, thân mũ và đỉnh mũ. Phần vành mũ là một lớp vải dày khoảng 4 đến 6 cm được thêu đường diềm bắt mắt với 3 màu chủ đạo là màu xanh, vàng và đỏ. Phần thân mũ thường được ghép từ 6 đến 8 vảnh vải cắt theo hình tam giác, với nhiều màu sắc sặc sỡ, phần này được xem là điểm nhấn thẩm mỹ của chiếc mũ. Nhìn vào phần thân mũ, người ta có thể đánh giá được sự khéo léo, tỷ mỹ của người phụ nữ trong gia đình em bé. Phần đỉnh mũ là phần trên cùng, nối các mảnh vải hình tam khác lại với nhau bằng 1 núm nhỏ đường kính khoảng hơn 1 cm.

Chị Hoàng Thị Đủ, thôn Bản âm, xã Đà Vị, huyện Na Hang cho biết, giờ đây kinh tế phát triển, thông thương thuận tiện nên mũ làm sẵn được người ta bán ở chợ rất nhiều nhưng bà và những người dân trong xóm vẫn lưu giữ thói quen tự tay khâu mũ để tặng cho con cháu. 2 đứa con của bà đều đi làm ăn ở các tỉnh miền xuôi, nhưng khi có con, chúng vẫn nhờ bà khâu cho con chúng chiếc mũ đội đầu. Chúng bảo, muốn lưu làm kỷ niệm và cũng muốn giữ cho con cháu biết bản sắc của dân tộc mình.

Bài, ảnh: Cảnh Trực

Nguồn Tuyên Quang: http://www.baotuyenquang.com.vn/dan-toc-mien-nui/!trang-phuc/chiec-mu-doi-dau-cua-em-be-nguoi-tay-135680.html