Chiếc xe ba gác tự chế của nhân viên y tế ở TP.HCM

Chiếc xe có kích thước nhỏ gọn giúp nhân viên y tế vận chuyển vật tư cồng kềnh, dễ dàng len lỏi vào những con hẻm Sài Gòn.

Xe ba gác lấy mẫu xét nghiệm Covid-19 lưu động ở TP.HCM Chiếc xe ba gác đã giúp nhân viên y tế vận chuyển vật tư công kềnh. Xe có kích thước nhỏ gọn, dễ dàng len lỏi vào những con hẻm.

Gần hai tuần qua, chiếc xe ba gác chở dụng cụ lấy mẫu xét nghiệm Covid-19 đã trở nên quen thuộc đối với các nhân viên y tế quận Tân Bình, TP.HCM.

Ý tưởng tích cực này là của bác sĩ Nguyễn Thanh Trang, Giám đốc Trung tâm y tế quận Tân Bình, được Trạm y tế phường 2 đề xuất sử dụng.

Trên chiếc xe ba gác, những dụng cụ phục vụ công tác lấy mẫu RT-PCR hay xét nghiệm nhanh kháng nguyên đều được chuẩn bị đầy đủ, sẵn sàng tác chiến.

Nhờ chiếc xe vận chuyển giúp các vật tư cồng kềnh, các nhân viên y tế đỡ vất vả hơn khi đi lấy mẫu xét ngiệm tầm soát Covid-19.

Chiếc xe có kích thước gọn nhẹ, dễ dàng len lỏi qua từng con hẻm, đến từng nhà người dân.

Đặc biệt, trong thời tiết mưa to hoặc nắng gắt, chiếc xe càng phát huy tác dụng khi giúp lực lượng lấy mẫu lưu động khẩn trương di chuyển vật tư, đồ dùng.

 Chiếc xe lưu động đã trở nên quen thuộc đối với các nhân viên y tế quận Tân Bình. Nguồn: Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP.HCM (HCDC).

Chiếc xe lưu động đã trở nên quen thuộc đối với các nhân viên y tế quận Tân Bình. Nguồn: Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP.HCM (HCDC).

Công việc lấy mẫu lưu động rất vất vả do phải di chuyển nhiều trong thời tiết khắc nghiệt. Cách đây không lâu, do làm liên tục hơn 5 tiếng từ sáng đến trưa dưới nắng gắt, chị Nguyễn Thị Thùy Linh, nhân viên tại Trạm y tế phường 2, thành viên đội lấy mẫu lưu động, đã ngất xỉu.

"Giờ tôi đã khỏe lại và tiếp tục công việc. Làm việc trong khu vực có nhiều ca nhiễm nên cả đội rất thận trọng, không dám uống nước dù chỉ là một ngụm. Mỗi lần mệt, cả đội động viên nhau 'Ráng lên, cố lên, chỉ một chút nữa là xong rồi'", chị kể.

Theo chị Linh, việc đến từng nhà người dân để lấy mẫu xét nghiệm gặp không ít khó khăn. Có những hộ không chịu mở cửa mặc dù nghe tiếng gõ cửa rất lâu, nhiều hộ khác lại từ chối hợp tác xét nghiệm vì cho rằng nhân viên y tế không đảm bảo vô khuẩn. Thậm chí, còn có người dân yêu cầu nhân viên y tế phải thay đồ bảo hộ cá nhân và găng tay khi lấy mẫu.

Khi gặp những trường hợp như vậy, chị Linh lại nhẹ nhàng giải thích rằng sau mỗi lần lấy mẫu cho một hộ gia đình, các thành viên trong đội đều tiến hành khử khuẩn, đảm bảo an toàn. Tuy nhiên, không phải người dân nào cũng chịu lắng nghe.

Chị Linh tâm sự: "Công việc nhiều và làm mệt thật đó nhưng chúng tôi ráng được hết, chỉ mong người dân thấu hiểu cho nhân viên y tế, cùng hợp tác, chung sức đồng lòng đẩy lùi dịch bệnh".

Từ ngày 27/4 đến nay, TP.HCM đã có tổng cộng 52.544 trường hợp mắc Covid-19 được Bộ Y tế công bố. Đây là địa phương có số lượng bệnh nhân mắc Covid-19 cao nhất cả nước.

Sáng 23/7, Bộ Tư lệnh TP.HCM phối hợp với Lữ đoàn phòng hóa 87 và Tiểu đoàn phòng hóa 38 bắt đầu phun khử khuẩn tại TP Thủ Đức, mở đầu chiến dịch khử khuẩn toàn thành phố. Dự kiến kế hoạch này sẽ diễn ra trong 7 ngày.

Thục Hạnh

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/chiec-xe-ba-gac-tu-che-cua-nhan-vien-y-te-o-tphcm-post1242789.html