Chiếm đoạt tài sản của người nhẹ dạ cả tin sẽ bị xử lý hình sự

Trường hợp phát hiện có căn cứ cho thấy có đối tượng đã đưa ra thông tin gian dối để chiếm đoạt tài sản của người nhẹ dạ cả tin, những người tin theo, nghe theo nhóm đối tượng đó mà số tiền chiếm đoạt từ 2.000.000 đồng trở lên thì có thể xem xét xử lý về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản theo điều 174 Bộ luật Hình sự năm 2015.

Luật sư Đặng Văn Cường.

Luật sư Đặng Văn Cường.

Trước các thông tin về những khoản tiền không rõ ràng được thu tại CLB Tình Người, Luật sư Đặng Văn Cường -Trưởng Văn phòng luật sư Chính pháp (Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội) cho hay, trường hợp phát hiện căn cứ cho thấy đối tượng đã đưa ra thông tin gian dối để chiếm đoạt tài sản của người nhẹ dạ, cả tin, những người tin theo, nghe theo nhóm đối tượng đó mà số tiền chiếm đoạt từ 2.000.000 đồng trở lên thì có thể xem xét xử lý về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản theo điều 174 Bộ Luật Hình sự năm 2015.

LS Đặng Văn Cường -Trưởng VP Luật sư Chính Pháp, Đoàn Luật sư TP Hà Nội cho rằng một doanh nghiệp khác với một cơ sở tôn giáo, hoạt động trong câu lạc bộ của tổ chức xã hội khác với hoạt động của doanh nghiệp.

Bởi vậy trường hợp cơ quan chức năng kiểm tra hoạt động của cơ sở này mà xác định chưa được đăng ký theo quy định của pháp luật, doanh nghiệp cũng không có chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền tổ chức thực hiện các hoạt động này thì cần phải xem xét trách nhiệm pháp lý.

Theo quy định của Luật Doanh nghiệp thì doanh nghiệp là pháp nhân hoạt động theo quy định của Luật Doanh nghiệp. Doanh nghiệp hoạt động ngành nghề, lĩnh vực kinh doanh nào thì phải theo nội dung đăng ký kinh doanh. Việc một doanh nghiệp hoạt động tôn giáo trái phép thì có thể bị xử lý hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Với các doanh nghiệp hoạt động vi phạm pháp luật thì có thể bị đình chỉ hoạt động, tước giấy phép.

Bởi vậy cơ quan chức năng sẽ kiểm tra hoạt động đăng ký kinh doanh của doanh nghiệp này có đúng quy định của pháp luật không, có kê khai nộp thuế không. Đồng thời xác định hoạt động tụ tập đông người tuyên truyền các tư tưởng tôn giáo có được thực hiện theo quy định của Luật Tín ngưỡng, tôn giáo hay không. Trường hợp vi phạm Luật Tín ngưỡng, tôn giáo, Luật Doanh nghiệp thì tùy theo tính chất, mức độ của hành vi vi phạm, tùy theo hậu quả xảy ra mà hành vi vi phạm có thể bị xử phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường thiệt hại theo quy định pháp luật.

Trường hợp phát hiện có căn cứ cho thấy có đối tượng đã đưa ra thông tin gian dối để chiếm đoạt tài sản của người nhẹ dạ cả tin, những người tin theo, nghe theo nhóm đối tượng đó mà số tiền chiếm đoạt từ 2.000.000 đồng trở lên thì có thể xem xét xử lý về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản theo điều 174 Bộ luật Hình sự năm 2015.

Trường hợp người nào tổ chức để tuyên truyền những hoạt động mê tín dị đoan gây ảnh hưởng xấu đến an ninh trật tự, an toàn xã hội thì có thể bị xử lý hình sự về tội hành nghề mê tín dị đoan, cụ thể với tội danh và hình phạt được Bộ luật Hình sự năm 2015 quy định như sau:

“Điều 320. Tội hành nghề mê tín, dị đoan

1. Người nào dùng bói toán, đồng bóng hoặc các hình thức mê tín, dị đoan đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 3 năm đến 10 năm:

a) Làm chết người;

b) Thu lợi bất chính 200.000.000 đồng trở lên;

c) Gây ảnh hưởng đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội.

3. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng.”

Bởi vậy, trong vụ việc này, cơ quan chức năng cần vào cuộc xác minh làm rõ hành vi, làm rõ nội dung tuyên truyền, đánh giá mức độ hậu quả nguy hại cho xã hội để có hình thứcc xử lý phù hợp với quy định của pháp luật.

Nhóm Phóng viên

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/chiem-doat-tai-san-cua-nguoi-nhe-da-ca-tin-se-bi-xu-ly-hinh-su-557430.html