Chiến đấu cơ NATO núp bóng máy bay chở khách Serbia xâm nhập vùng trời Nga
Máy bay chiến đấu của NATO đã có động thái cực kỳ nguy hiểm khi bay phía dưới một máy bay dân dụng của Serbia trong không phận Nga. Tên lửa phòng không Nga không thể khai hỏa vì khoảng cách hai máy bay quá gần.
Trong cuộc trả lời phỏng vấn Đài truyền hình Serbia vào ngày 7/4, Tổng thống Aleksandar Vucic đã đọc một bản tường trình chuyến bay do phi công của một máy bay dân dụng Serbia gửi. Báo cáo chuyến bay cho biết kiểm soát viên không lưu Nga đã nhắc nhở chiếc máy bay Serbia rằng một máy bay chiến đấu NATO nghi là loại F-15 đang bay ở khoảng cách 1 km bên dưới bụng chiếc máy bay dân dụng Serbia. Vào thời điểm đó, cả máy bay dân dụng của Serbia và chiếc máy bay chiến đấu của NATO đều đang bay ở không phận phía Nga gần biên giới Nga-Latvia.
Ông Vucic giải thích, quân đội Nga không thể bắn hạ chiếc máy bay chiến đấu của NATO xâm nhập trái phép không phận Nga, vì nếu khai hỏa, nó có thể sẽ ảnh hưởng đến chiếc máy bay dân dụng của Serbia.
Theo ông Vucic, hành động khiêu khích của máy bay chiến đấu NATO núp dưới vỏ bọc hộ tống máy bay dân dụng Serbia có vẻ giống như một vụ liều lĩnh bắt con tin. Tên lửa của Nga đã được báo động chiến đấu sau khi phát hiện máy bay chiến đấu NATO xâm nhập vùng trời. Trong bối cảnh Mỹ vừa cầm trịch cả NATO và chủ đạo dư luận phương Tây, dù Nga có tấn công máy bay quân sự NATO bằng tên lửa hay máy bay chiến đấu thì đều có thể vô tình làm bị thương chiếc máy bay dân dụng của Serbia. Nếu xảy ra tình huống này sự bá quyền dư luận của Mỹ đủ để đảo ngược nguyên nhân hậu quả và đổ hết lỗi cho phía Nga. Mặt khác, không loại trừ khả năng quân đội NATO có thể tấn công trực diện vào máy bay hàng không dân dụng của Serbia cùng thời điểm Nga mở cuộc tấn công.
Tổng thống Serbia Aleksandar Vucic.
Kết hợp với việc hai máy bay đang ở gần biên giới Latvia-Nga vào thời điểm đó, máy bay quân sự của NATO có thể đã cất cánh từ Latvia, một quốc gia thành viên NATO. Sau khi bị quân đội Nga phát hiện, nó đã nhanh chóng kết thúc vụ bắt con tin máy bay của Serbia và quay trở lại Latvia. Đây là một hành động hết sức nguy hiểm và dụng ý hiểm ác. NATO đang buộc Nga phải nổ súng và phạm sai lầm.
Tổng thống Serbia Vucic yêu cầu NATO tiết lộ thêm các thông tin liên quan để xác định ai và loại máy bay quân sự nào đã khiến máy bay Serbia và công dân nước này gặp nguy hiểm. Serbia là quốc gia duy nhất trong khu vực châu Âu duy trì tần suất bay thường xuyên với Nga, nhưng rõ ràng sự tin tưởng lẫn nhau về hàng không dân dụng giữa Nga và Serbia đang bị NATO lợi dụng để chuẩn bị một vụ vu khống đổ vấy khác nhằm vào Nga.
"Rõ ràng là trên không phận Nga, một máy bay chiến đấu của NATO đã bay cách máy bay của chúng tôi chỉ một km”. Ông Vucic giới thiệu rằng chuyến bay liên quan là chuyến bay JU650-651 của Air Serbia cất cánh từ Moscow đến Belgrade vào ngày hôm đó. Nga không thể bắn vào máy bay chiến đấu vì máy bay của Serbia ở gần đó. Ông Vucic cho biết, Serbia yêu cầu Nga và NATO cung cấp thêm thông tin chi tiết và yêu cầu NATO giải thích về vụ việc này.
Máy bay Saab JAS-39 Gripen của Hungary.
Tổng thống Vucic cũng cho biết: “Tôi nói với các bạn điều này để các bạn hiểu chúng tôi đang phải đối mặt với áp lực lớn như thế nào, bởi vì Serbia là quốc gia duy nhất duy trì mức tần suất bay như trước đó với Moscow và St.Petersburg”.
Ngày 8/4, Bộ Quốc phòng Hungary đã lên tiếng cho biết do nhận được tin về "mối đe dọa đánh bom", máy bay chiến đấu Saab JAS-39 Gripen của Hungary đã cất cánh hai lần trong một khoảng thời gian ngắn cùng ngày để hộ tống một chuyến bay hàng không dân dụng của Serbia cất cánh từ Nga trên vùng trời Hungary.
Theo thông tin từ Bộ Quốc phòng Hungary, vào chiều ngày 8/4, chiếc máy bay A-319 cất cánh từ St.Petersburg bay đến Belgrade, thủ đô của Serbia, đã báo cho bộ phận kiểm soát giao thông dân sự Hungary, cho biết chuyến bay nhận được một "lời đe dọa đánh bom".
Theo yêu cầu của Trung tâm Điều hành Không quân Liên hợp NATO, các máy bay chiến đấu Gripen của Không quân Hungary đã được huy động cất cánh khẩn cấp hai lần trong một khoảng thời gian ngắn để hộ tống chuyến bay A-319 của Serbia ra khỏi không phận Hungary một cách an toàn và trở về căn cứ sau khi đã hoàn thành nhiệm vụ.
Hãng tin TASS đưa tin về vụ việc.
Hãng thông tấn RIA Novosti của Nga cùng ngày đưa tin, một máy bay chở khách bay từ St.Petersburg đến Belgrade đã nhận được "lời đe dọa đánh bom" và hạ cánh xuống sân bay Sheremetyevo của Nga vào khoảng 11 giờ 39 theo giờ địa phương, "không có ai bị thương".
Đây không phải là lần đầu tiên máy bay chiến đấu của Hungary hộ tống máy bay của Serbia trước một "mối đe dọa đánh bom". Theo hãng thông tấn TASS của Nga, ngày 28/3, một chuyến bay từ Belgrade đến St.Petersburg đã đưa ra cảnh báo "có bom" và sau đó máy bay chiến đấu Saab JAS-39 Gripen của Hungary đã bay lên không trung để hộ tống nó trong không phận Hungary.
Ngoài ra, vào ngày 8/4, máy bay chở khách dân dụng JU671 của Serbia bay từ St.Petersburg đến Belgrade cũng đã bị máy bay chiến đấu của NATO bám theo một lần nữa trong chuyến bay trên không phận Lithuania (Litva). Lần này chiếc máy bay bám theo là máy bay chiến đấu sơn cờ hiệu của Bỉ. Cuối cùng, chiếc máy bay dân dụng đã hạ cánh an toàn xuống sân bay Belgrade lúc 13h50 giờ địa phương.
Cả Serbia và Nga đều lên án hành động "bắt máy bay chở khách làm con tin" hoàn toàn bất chấp an toàn bay này. Phía NATO cho đến nay vẫn không hồi âm về điều này. Và chỉ chưa đầy hai ngày sau sự cố nghiêm trọng này, NATO một lần nữa huy động một máy bay chiến đấu của Không quân Bỉ để bám đuôi một chuyến bay dân sự từ St.Petersburg, Nga tới Belgrade qua Lithuania. Việc liên tục sử dụng máy bay chiến đấu để uy hiếp máy bay dân dụng Serbia khiến người ta lo ngại.
Máy bay của hãng Air Serbia trở thành đối tượng bị NATO đe dọa.
Việc các nước NATO sử dụng máy bay hàng không dân dụng cho mục đích quân sự không phải là chuyện hiếm trước đây, những sự kiện đe dọa nghiêm trọng đến an toàn bay rất dễ gây ra đánh giá sai lầm, thậm chí dẫn đến thảm họa. Lấy hai lần máy bay chở khách của Hàn Quốc bị Liên Xô bắn rơi làm ví dụ, trong vụ tai nạn chuyến bay 902 của Korean Air, máy bay của Hàn Quốc do nhầm lẫn đã bay vào không phận Liên Xô và từ chối đáp lại cảnh báo của quân đội Liên Xô. Trước đó Mỹ nhiều lần sử dụng máy bay trinh sát RC-135 được cải tạo từ thân máy bay Boeing 707 để vào trinh sát không phận Liên Xô, điều này khiến Liên Xô xác định rằng chiếc máy bay chở khách là máy bay trinh sát của quân đội Mỹ ngụy trang thành máy bay chở khách nên bắn hạ, gây thương vong lớn. Việc Liên Xô bắn rơi chuyến bay 007 của Korean Air sau đó cũng tương tự như sự cố của chuyến bay 902.
Các chuyên gia cho rằng, vận tải hàng không vốn là hình thức vận chuyển dân dụng an toàn, so với đường bộ và đường biển, đường hàng không có xác suất sự cố ít hơn. Nhưng âm mưu lợi dụng máy bay hành khách dân dụng để thực hiện hành động quân sự đã làm gia tăng nguy cơ an toàn bay, tính mạng của hành khách bị coi thường, Việc NATO nhiều lần đe dọa hoạt động bay bình thường của các chuyến bay Serbia, đã mang đến những nguy cơ tiềm ẩn rất lớn cho sự an toàn của các máy bay chở khách của Serbia.