Chiến dịch Biên giới (16-9 đến 14-10-1950): Bước ngoặt cuộc kháng chiến

Sau chiến dịch Việt Bắc Thu - Đông 1947, quân và dân Việt Nam giành được nhiều thắng lợi quan trọng. Lực lượng kháng chiến phát triển về mọi mặt; chiến tranh du kích được đẩy mạnh ở vùng sau lưng địch; lực lượng vũ trang ba thứ quân hình thành tương đối hoàn chỉnh, đặc biệt là bộ đội chủ lực phát triển nhanh, phương thức tác chiến phát triển từ đánh du kích lên đánh tập trung, với nhiều chiến dịch quy mô nhỏ trên chiến trường.

Tuy nhiên, ta cũng gặp những khó khăn mới do thực dân Pháp được Mỹ giúp sức, ráo riết thực hiện Kế hoạch Rơve, tập trung lực lượng mở rộng chiếm đóng vùng trung du và đồng bằng Bắc Bộ; ra sức phong tỏa biên giới nhằm ngăn chặn sự chi viện của cách mạng Trung Quốc cho cách mạng Việt Nam; bao vây, cô lập căn cứ địa Việt Bắc.

Trước tình hình đó, để đẩy mạnh kháng chiến tiến lên một bước mới, tháng 6-1950, Trung ương Đảng chủ trương mở chiến dịch lớn đánh địch trên tuyến biên giới Việt - Trung với mục đích: Tiêu diệt một bộ phận quan trọng sinh lực địch; giải phóng một phần biên giới, mở đường giao thông với các nước xã hội chủ nghĩa; mở rộng và củng cố căn cứ địa Việt Bắc.

Tháng 6-1950, Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng Thường vụ Trung ương Đảng chủ trương mở chiến dịch lớn đánh địch trên tuyến biên giới Việt-Trung.

Tháng 6-1950, Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng Thường vụ Trung ương Đảng chủ trương mở chiến dịch lớn đánh địch trên tuyến biên giới Việt-Trung.

Triển khai nhiệm vụ Trung ương Đảng giao, ngày 7-7-1950, Bộ tổng Tư lệnh quyết định mở chiến dịch giải phóng vùng biên giới Đông Bắc tại khu vực Cao Bằng - Lạng Sơn. Đại tướng Võ Nguyên Giáp - Ủy viên Thường vụ Trung ương Đảng làm Bí thư Đảng ủy, Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Chiến dịch. Thiếu tướng Hoàng Văn Thái - Tổng tham mưu trưởng làm Tham mưu trưởng; đồng chí Trần Đăng Ninh - Chủ nhiệm Tổng cục Cung cấp phụ trách hậu cần Chiến dịch; đồng chí Lê Liêm làm Chủ nhiệm Chính trị Chiến dịch. Do tầm quan trọng của Chiến dịch Biên Giới, Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng ra mặt trận cùng bộ chỉ huy chỉ đạo chiến dịch.

Lực lượng địch trên địa bàn chiến dịch có 11 tiểu đoàn và 9 đại đội bộ binh (phần lớn là lính Âu - Phi), tổ chức thành nhiều cụm cứ điểm mạnh trên tuyến phòng thủ đường số 4.

Lực lượng ta tham gia chiến dịch có Đại đoàn 308, các trung đoàn 209 và 174; 3 tiểu đoàn chủ lực của tỉnh Lạng Sơn (426, 428, 888) và Liên khu Việt Bắc; 4 đại đội sơn pháo (20 khẩu 70mm và 75mm), 5 đại đội công binh cùng bộ đội địa phương, dân quân du kích trên địa bàn tác chiến, hình thành 3 mặt trận tiến công địch.

Mặt trận Đông Khê do Trung đoàn 74 (được tăng cường 2 tiểu đoàn), Trung đoàn 209, Trung đoàn 36 (Đại đoàn 308) và Tiểu đoàn pháo 75mm đảm nhiệm đánh cụm cứ điểm Đông Khê và quân tăng viện địch xung quanh Đông Khê. Mặt trận đánh quân ứng chiến do Đại đoàn 308 (thiếu Trung đoàn 36) bố trí trên đoạn đường giữa Đông Khê - Thất Khê đảm nhiệm. Mặt trận Na Sẩm - Lạng Sơn gồm các tiểu đoàn 428 và 888 làm nhiệm vụ tiêu hao quấy rối, phá đường ngăn chặn địch vận chuyển và tổ chức phục kích địch trên đường Thất Khê - Lạng Sơn.

Thực hiện chỉ thị của Chủ tịch Hồ Chí Minh: "Chúng ta quyết đánh thắng trận này"[1]. Chiến dịch diễn ra qua 3 đợt: Đợt 1, từ ngày 16 đến 20-9; đợt 2, từ ngày 21-9 đến 8-10; đợt 3, từ ngày 9 đến 14-10-1950. Kết quả, ta loại khỏi chiến đấu gần 10 tiểu đoàn địch (trong đó diệt 7 tiểu đoàn Âu - Phi và 1 tiểu đoàn ngụy), khoảng hơn 8.000 tên (trong đó bắt 3.576 tên, có chỉ huy đồn Đông Khê và toàn bộ ban chỉ huy 2 binh đoàn Le Page, Charton); thu hơn 3.000 tấn vũ khí, phương tiện chiến tranh (trong đó có 58 khẩu pháo cối các loại), giải phóng hoàn toàn khu vực biên giới từ Cao Bằng đến Đình Lập[2].

Sau 4 năm kháng chiến, đây là lần đầu tiên, ta mở một chiến dịch tiến công lớn đánh vào tuyến phòng thủ mạnh, tiêu diệt khối sinh lực tinh nhuệ của địch, giải phóng một vùng đất đai rộng lớn nối liền hậu phương ta với Trung Quốc, khơi thông nguồn giao lưu nhiều mặt của ta với phong trào hòa bình, độc lập, dân chủ và tiến bộ trên thế giới. Thắng lợi của Chiến dịch Biên Giới mở ra bước ngoặt chuyển cuộc kháng chiến của ta từ hình thái chiến tranh du kích tiến lên chiến tranh chính quy, kết hợp với chiến tranh du kích ở trình độ cao hơn.

Chiến dịch Biên Giới đánh dấu bước tiến mới của quân đội ta về tổ chức sử dụng lực lượng quy mô lớn (gần 3 vạn cán bộ, chiến sĩ), tác chiến tập trung hiệp đồng binh chủng tiến công vào hệ thống phòng ngự mạnh của địch trên tuyến dài gần 100km trong thời gian tương đối dài (gần 1 tháng). Đánh giá về Chiến dịch Biên Giới, Đại tướng Võ Nguyên Giáp nêu rõ: "Trong tác chiến, bộ đội đánh vận động lớn lần đầu rất tốt, chỉ sử dụng những lực lượng không nhiều mà vẫn tiêu diệt được những bộ phận đông quân địch và ít bị tiêu hao..."

Công tác tham mưu đã có một bước trưởng thành trong chiến dịch. Tuy cán bộ chỉ được đào tạo, rèn luyện qua thực tế chiến đấu, còn mang tác phong chiến tranh du kích, phương tiện thông tin và trinh sát thiếu thốn, nhưng cơ quan tham mưu đã nỗ lực lớn trong đánh giá tình hình địch, quán triệt đường lối quân sự của Đảng, phát huy sự hiểu biết và kinh nghiệm giúp bộ chỉ huy chiến dịch hạ quyết tâm kịp thời"[3].

Theo Quân Đội Nhân Dân Điện tử

[1] Bộ Quốc phòng, Viện Lịch sử quân sự Việt Nam, 60 năm Quân đội nhân dân Việt Nam, Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội, 2004, tr.102.

[2] Bộ Quốc phòng, Viện Lịch sử quân sự Việt Nam, Lịch sử Tổ chức quân sự Việt Nam, Tập 3 (1930-1954), Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội, 2015, tr.417, 418.

[3] . Võ Nguyên Giáp, Tổng tập hồi ký, Nxb Quân đội nhân dân, H. 2006, tr. 679-680

* Mời bạn đọc vào chuyên mục Vững bước dưới Quân kỳ Quyết thắng xem các tin, bài liên quan.

Nguồn Hà Giang: http://baohagiang.vn/dong-su-kien/202410/chien-dich-bien-gioi-16-9-den-14-10-1950-buoc-ngoat-cuoc-khang-chien-89f0e3a/