Chiến hạm Úc xông vào 'hỏa ngục' cứu người dân bị dồn ra bờ biển
Hải quân Úc đã bắt đầu sơ tán hàng trăm người bị mắc kẹt trong thị trấn ven biển Mallacoota, bang Victoria.
Hai tàu HMAS Choules và MV Sycamore sẽ đón khoảng 1.000 người, nghị sĩ Darren Chester gọi đó là "sơ tán hàng loạt chưa từng có". Trước đó, hôm 31-12-2019, cháy rừng bủa vây thị trấn, dồn khoảng 4.000 du khách và người dân địa phương ra bờ biển phía Đông Nam Úc.
Theo đài BBC, quân đội đã sơ tán khoảng 60 người bằng đường hàng không đêm 2-1. Tính đến tối qua, có 963 người đăng ký sơ tán bằng tàu trong sáng 3-1. Truyền thông địa phương đưa tin những người di tản sẽ đi thuyền đến cảng Welshpool, chuyến đi kéo dài 16 giờ.
Trong khi đó, hàng ngàn người cũng đang chạy trốn khỏi các vùng lân cận New South Wales. Đài CNN trích lời Thủ hiến bang New South Wales, bà Gladys Berejiklian, hôm 2-1 cho biết tình trạng khẩn cấp sẽ có hiệu lực kể từ sáng ngày 3-1 và kéo dài 7 ngày, do điều kiện thời tiết dự kiến xấu đi đáng kể vào ngày 4-1, làm tăng nguy cơ hỏa hoạn.
Vụ cháy rừng thảm khốc diễn ra khi mùa hè ở Úc vẫn còn có thể kéo dài 3 tháng nữa. Tính đến nay, vụ hỏa hoạn đã khiến ít nhất 19 người thiệt mạng ở hai bang trên và hàng ngàn người phải sơ tán để tránh bị ảnh hưởng. Đến nay, vụ cháy rừng phá hủy hơn 4 triệu ha đất. Hơn 1.200 ngôi nhà bị phá hủy. Chỉ tính riêng trong tuần này, ít nhất 28 người vẫn mất tích.
Thủ tướng Úc Scott Morrison đã buộc phải hủy cuộc gặp gỡ với những người dân tại một thị trấn đang vật lộn vì cháy rừng ở bang New South Wales, sau khi người dân ở đây tỏ ra giận dữ với thủ tướng.
Ông Morrison hiện phải đối mặt với những chỉ trích về chính sách biến đổi khí hậu, nhiều ý kiến cho rằng cần phải có hành động khẩn cấp để ngăn chặn một cuộc khủng hoảng như vậy xảy ra lần nữa. Lãnh đạo đảng Lao động đối lập Anthony Albanese chỉ trích chính phủ đã không làm hết sức.
Bồi thêm vào đó, ông Morrison bị chỉ trích nặng nề vì đã đi nghỉ cuối năm ở Hawaii trong khi những cánh rừng đang cháy. Mặc dù sau đó ông xin lỗi và trở lại ngay, chính phủ của ông tiếp tục bị chỉ trích vì cách tiếp cận với việc xử lý các đám cháy, bao gồm việc không trả lương cho các lính cứu hỏa phải làm thêm giờ, và những phát ngôn né tránh.
Theo Tổ chức Đo chất lượng không khí thế giới AirVisual (Thụy Sĩ), khói bụi do cháy rừng gây ra đã khiến chất lượng không khí của thủ đô Canberra bị đánh giá tệ nhất thế giới hôm 2-1. Chuyện nghiêm trọng đến mức một người phụ nữ lớn tuổi tử vong sau khi tiếp xúc với khói khi rời khỏi máy bay tại sân bay Canberra.
Các nhà khí tượng học cho biết, hiện tượng thời tiết lưỡng cực ở Ấn Độ Dương, là nguyên chính đằng sau sức nóng cực độ ở Úc. Tuy nhiên, nhiều vùng của Úc vốn ở trong tình hình khô hạn trong nhiều năm qua, chính điều này đã khiến cho các đám cháy lan ra nhanh chóng.
Nửa tỉ động vật chết vì cháy rừng
Các vụ cháy rừng kinh hoàng đang tàn phá khắp nước Úc, khiến các chuyên gia lo sợ rằng ước tính khoảng 500 triệu động vật chết trong hỏa hoạn hoặc do đói khát.
Các nhà sinh thái học từ trường ĐH Sydney tin rằng 480 triệu động vật có vú, chim và bò sát chết kể từ tháng 9, news.com đưa tin. Ước tính 1/3 số lượng cá thể gấu Koala, tương đương 8.000 con, bị lửa thiêu cháy trong 3 tháng qua. Nhà sinh vật học Mark Graham nói: "Lửa cháy dữ dội và nhanh đến mức gây ra cái chết đáng kể cho những loài sinh vật sống trên cây. Nhiều loài sinh vật hoàn toàn không thể tìm thấy xác".
Giám đốc điều hành Trung tâm Khoa học cho Động vật hoang dã Kellie Leigh nói: "Chúng ta đã nhận được bài học rằng chúng ta không chuẩn bị như thế nào khi những đợt cháy rừng xảy ra". Bộ trưởng Môi trường Úc Sussan Ley cho biết rất khó để di dời các loài thú có túi được giải cứu khỏi các đám cháy tới khu vực khác vì môi trường sống khác biệt.