Chiến lược 'cá lớn nuốt cá bé' của Apple

Thay vì bỏ ra hàng tỷ USD cho những thương vụ sáp nhập đắt đỏ, Apple tập trung thâu tóm nhân lực từ các công ty khởi nghiệp nhỏ.

Tháng 2, Tim Cook, CEO Apple, thông báo trong vòng 6 năm qua, “táo khuyết” đã mua lại 100 công ty. Với tần suất này, cứ 3-4 ngày, công ty đến từ Cupertino lại thâu tóm một doanh nghiệp mới.

Tuy vậy, theo CNBC, các thương vụ giá trị lớn chỉ chiếm số ít, điển hình như sự kiện mua lại Beats Music trị giá 3 tỷ USD diễn ra năm 2014. Phần lớn thương vụ mua lại và sáp nhập (M&A) còn lại đều đến từ các công ty nhỏ, không có hồ sơ doanh nghiệp nổi tiếng.

Chiến lược cá lớn nuốt cá bé

Thay vì bỏ ra hàng tỷ USD giống đối thủ, Apple cải tiến chiến lược mua lại bằng cách thâu tóm nhân lực tại các công ty nhỏ.

Chia sẻ với CNBC, những thành viên mới sáp nhập Apple thông qua hình thức mua lại cho biết nhà sản xuất Iphone định giá các công ty mục tiêu dựa trên số lượng kỹ sư. Sau khi thương vụ sáp nhập hoàn tất, Apple nhanh chóng hợp nhất đội ngũ kỹ sư mới thành các nhóm.

Touch ID là một trong những công nghệ Apple có được nhờ quá trình thâu tóm công ty nhỏ. Ảnh: MacWorld UK.

Touch ID là một trong những công nghệ Apple có được nhờ quá trình thâu tóm công ty nhỏ. Ảnh: MacWorld UK.

Quá trình thâu tóm công ty nhỏ giúp Apple mở rộng sang nhiều lĩnh vực mới, vốn yêu cầu yếu tố kỹ thuật khắt khe. Ngoài ra, việc sở hữu đội ngũ kỹ sư lớn giúp táo khuyết chiếm ưu thế, tăng khả năng cạnh tranh, tạo ra sự khác biệt với các đối thủ.

Mặc dù M&A là mô hình thâu tóm phổ biến giữa các công ty lớn, Apple vẫn trở nên khác biệt khi tập trung chủ yếu vào những thương vụ M&A nhỏ.

“Chúng tôi thấy Google, Facebook, Intel và Amazon bỏ ra hàng tỷ USD cho những thương vụ mua lại công ty tên tuổi. Trong khi đó, Apple sáp nhập nhiều công ty khởi nghiệp có quy mô nhỏ hơn”, Nicklas Nilsson, nhà phân tích tại GlobalData, công ty chuyên theo dõi các giao dịch M&A, chia sẻ.

Trong cuộc phỏng vấn với CNBC vào năm 2019, Tim Cook cho biết việc mua lại những công ty sở hữu công nghệ mới là cách Apple giải quyết thách thức kỹ thuật. Trước đó, nhờ mua lại AuthenTec vào năm 2012, Apple đã có thể tích hợp tính năng mở khóa bằng vân tay trên Iphone. Ngay cả trợ lý ảo Siri cũng là kết quả của một thương vụ mua lại vào năm 2010.

Bên cạnh đó, Apple cũng thâu tóm nhiều công ty khác trong các lĩnh vực như thực tế ảo, trí tuệ nhân tạo, bản đồ, sức khỏe, chất bán dẫn hoặc dự đoán các sản phẩm và tính năng trong tương lai.

Chú trọng đến nhân sự

Theo CNBC, Apple đặc biệt quan tâm đến nhân viên kỹ thuật. Khi hoàn tất thương vụ M&A, Apple yêu cầu một số nhân viên kỹ thuật của công ty bị mua lại gia nhập táo khuyết. Nếu không, thỏa thuận mua bán sẽ không được thông qua.

Khi tham gia Apple, những nhân viên này sẽ nhận được một số lượng lớn cổ phần có giá trị từ 3-4 năm, hay còn gọi là những “chiếc còng tay vàng”. Ngoài ra, Apple sẽ trả lại tiền vốn sở hữu của công ty bị mua lại cho nhân viên.

 Nhân sự từ các công ty bị mua lại là yếu tố hàng đầu mà Apple hướng tới. Ảnh: NBC.

Nhân sự từ các công ty bị mua lại là yếu tố hàng đầu mà Apple hướng tới. Ảnh: NBC.

Theo nguồn tin thân cận với quy trình M&A của Apple, gã khổng lồ công nghệ thường định giá các công ty dựa trên số lượng nhân viên kỹ thuật, khoảng 3 triệu USD/kỹ sư, thay vì dựa trên hồ sơ theo dõi doanh thu hoặc gây quỹ.

Theo phân tích của CNBC, Apple đã mua 55 công ty kể từ tháng 1/2015. Con số này khớp với các báo cáo mà Quốc hội Mỹ đưa ra 2020 và thấp hơn so với con số Tim Cook công bố.

Những người từng tham gia vào quá trình mua lại của Apple cho biết công ty thường giữ kín vấn đề này. Apple thường không công bố các thương vụ M&A nhỏ, đồng thời yêu cầu nhân viên tại các công ty bị mua lại không cập nhật hồ sơ LinkedIn đề cập đến chi tiết này. Khi bị giới truyền thông chú ý, Apple thường đưa ra các câu trả lời chung chung và tránh đề cập đến tương lai của công ty bị mua lại.

Nhìn chung, Apple không quan tâm đến việc duy trì hoạt động kinh doanh của công ty bị mua lại. Doanh nghiệp công nghệ hàng đầu thế giới buộc các công ty này ngừng sản xuất và loại bỏ các khách hàng cũ.

Doanh thu từ các công ty bị mua lại không phải mối bận tâm với táo khuyết. Trong báo cáo tài chính năm 2020, doanh thu của Apple đạt 274,52 tỷ USD.

Không có bàn tay của ngân hàng

Theo CNBC, các thương vụ M&A thường diễn ra sau các buổi giới thiệu sản phẩm. Thông thường, Apple sẽ mời các công ty sở hữu công nghệ mới đến giới thiệu và hợp tác. Những thương vụ thâu tóm sau đó sẽ được đội ngũ phụ trách M&A của Apple xúc tiến.

Đặc biệt, Apple sẽ phát cổ phiếu cho những kĩ sư mới gia nhập công ty thông qua hình thức M&A nếu họ cam kết làm việc lâu dài.

Theo CNBC, các thương vụ M&A nhỏ của Apple thường không thông qua ngân hàng. Nhóm M&A của Apple sẽ trực tiếp thẩm định, phỏng vấn và theo sát các giao dịch từ đầu tới cuối. Một nguồn tin giấu tên cho biết đội ngũ xúc tiến của Apple chuyên nghiệp và đáng tin một cách lạ thường, khác với các công ty mà ông từng đàm phán.

 Apple có đội ngũ xúc tiến quy trình mua lại chuyên nghiệp. Ảnh: Getty.

Apple có đội ngũ xúc tiến quy trình mua lại chuyên nghiệp. Ảnh: Getty.

Nhờ danh mục sáp nhập, các nhà phân tích có thể nắm được hướng đi trong tương lai của Apple. Công ty đến từ Cupertino đã thâu tóm 12 công ty thuộc lĩnh vực thực tế ảo kể từ năm 2013. Theo báo cáo, Apple đang nghiên cứu sản phẩm kính thực tế ảo cao cấp, dự kiến ra mắt năm 2022. Thậm chí, nhà sản xuất iPhone sớm tung ra các sản phẩm cải tiến hơn từ năm 2023.

Năm 2018, Apple đã mua Akonia Holographics, công ty nghiên cứu lĩnh vực kính thông minh. Năm 2020, Apple thâu tóm NextVR, công ty chuyên cung cấp nội dung cho kính VR và Spaces, sản phẩm cho trải nghiệm thực tế dựa trên vị trí.

Gần đây, theo GlobalData, kể từ năm 2016, táo khuyết đã thu mua 25 công ty hoạt động trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo.

Năm 2020, Apple đã mua Xnor.AI, công ty có trụ sở tại Seattle, với giá 200 triệu USD. Nhà sản xuất Iphone tiếp tục thâu tóm máy lọc âm thanh giúp nhận biết giọng nói của Ireland và mua Pullstring, công ty sản xuất linh kiện âm thanh trên đồ chơi vào năm 2019. Theo CNBC, Apple đang nỗ lực cải tiến Siri để cạnh tranh với trợ lý ảo Alexa của Amazon và Google.

Theo CNBC, với hơn 200 tỷ USD tiền mặt, các khoản đầu tư thanh khoản cao và hơn 80 tỷ USD dòng tiền tự do hàng năm, Apple đủ khả năng tham gia vào nhiều thương vụ lớn hơn. Tuy nhiên, công ty này rất thận trọng và khiến nhiều giới tài chính tin rằng Apple không hề phụ thuộc vào M&A để phát triển.

“Quy mô của các thương vụ mua lại không khiến chúng tôi lo lắng. Tuy nhiên, ưu tiên của chúng tôi là giá trị và sự phù hợp với chiến lược của mình. Chúng tôi thường tập trung vào các công ty nhỏ, nơi có khả năng bổ sung và phát triển công nghệ sản phẩm chúng tôi đang sở hữu”, Cook nhận định trong cuộc họp cổ đông.

Phương Linh

Theo CNBC

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/chien-luoc-ca-lon-nuot-ca-be-cua-apple-post1210669.html