Chiến lược Đo đạc bản đồ và Hạ tầng không gian địa lý quốc gia: Bài 2 - Thực trạng tại Việt Nam
Tại Việt Nam, Chính phủ và các cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành đã nhận thấy tầm quan trọng và những lợi ích to lớn từ dữ liệu không gian địa lý mang lại. Dữ liệu nền địa lý cơ bản của Việt Nam thời gian qua đã được xây dựng tương đối đầy đủ theo chuẩn thông tin địa lý quốc gia, phù hợp với tiêu chuẩn quốc tế làm nền cơ sở cho việc phát triển các ứng dụng của các ngành và địa phương.
Những thành tựu đạt được
Ngay từ những năm 1990, Cục Đo đạc và Bản đồ Nhà nước đã bắt đầu thực hiện quá trình đổi mới công nghệ với việc thử nghiệm và áp dụng công nghệ định vị vệ tinh GPS cho việc hoàn chỉnh hệ thống lưới tọa độ quốc gia cấp I và cấp II phủ trùm cả nước.
Hệ thống hồ sơ đất đai và bản đồ địa chính trong những năm đầu được lập trên giấy, đến năm 2005 đã có khoảng một nửa số địa phương cấp tỉnh đã chuyển sang dạng số và đến nay hầu hết các địa phương đã chuyển sang công nghệ số để lập hệ thống thông tin đất đai. Tổng cục Địa chính cũng đã tiến hành xây dựng hệ thống lưới tọa độ địa chính tương đương lưới tọa độ quốc gia cấp III, bảo đảm mỗi địa phương cấp xã có một điểm.
Cùng với đó, Hệ quy chiếu trắc địa quốc gia VN-2000 đã được Thủ tướng Chính phủ phê chuẩn là hệ quy chiếu tọa độ được sử dụng thống nhất ở Việt Nam. Hệ thống chụp ảnh từ máy bay, đo vẽ bản đồ địa hình bằng ảnh máy bay, hệ thống chế in bản đồ bằng công nghệ số và hệ thống 4 trạm cố định quan trắc liên tục phục vụ đo đạc bản đồ địa hình đáy biển, đo đạc đất rừng và đo đạc biên giới đã được lắp đặt và vận hành. Hệ thống bản đồ địa hình 1/50.000 phủ trùm cả nước đã được thành lập mới và đã hoàn thành vào năm 2007. Hệ thống hải đồ ở tỷ lệ 1/250.000 được lực lượng đo đạc của Hải quân Việt Nam biên tập trên cơ sở các hải đồ thu thập được kết hợp với đo đạc bổ sung. Hệ thống bản đồ địa hình đáy biển ở tỷ lệ 1/50.000 cho dải ven bờ đã được triển khai.
Đến năm 2002, Quốc hội đã quyết định thành lập Bộ Tài nguyên và Môi trường trên cơ sở sáp nhập Tổng cục Địa chính và các tổng cục, cục quản lý các loại tài nguyên thiên nhiên và môi trường. Bộ Tài nguyên và Môi trường tiếp tục đẩy mạnh quá trình thu nhận các dữ liệu không gian địa lý ở Trung ương và địa phương, tăng cường đổi mới công nghệ xử lý dữ liệu không gian địa lý để phục vụ quản lý.
Từ năm 2008 đến 2012, Chính phủ đã đầu tư xây dựng cơ sở dữ liệu nền địa lý tỷ lệ 1/10000 phủ trùm cả nước gắn liền với mô hình số độ cao, làm dữ liệu khung cho xây dựng các cơ sở dữ liệu chuyên ngành.
Theo thống kê từ Cục Đo đạc, Bản đồ và Thông tin địa lý Việt Nam, những kết quả và sản phẩm chính hiện nay có thể được sử dụng để phục vụ xây dựng thành phần nội dung của Hạ tầng dữ liệu không gian địa lý quốc gia của Việt Nam gồm: Hệ thống quy chiếu tọa độ quốc gia VN-2000 có kết nối với hệ thống lưới tọa độ quốc tế IGS; Lưới tọa độ trắc địa cấp “0”, cấp 1 và cấp 2 với hơn 10.000 điểm bảo đảm mỗi xã có ít nhất 1 điểm.
Ngoài ra, Việt Nam còn có các cơ sở dữ liệu không gian và mạng thông tin về tài nguyên và môi trường gồm các lĩnh vực đất đai, tài nguyên nước, địa chất và khoáng sản, môi trường, khí tượng thủy văn, biển và hải đảo đang được triển khai; các loại bản đồ khác gồm bản đồ biên giới trên bộ với các nước láng giềng, bản đồ địa giới hành chính các cấp, bản đồ hành chính, bản đồ hiện trạng sử dụng đất, bản đồ quy hoạch sử dụng đất, bản đồ thổ nhưỡng... đã được hoàn thành và đang triển khai theo quy định của Chính phủ. Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng đã ban hành các chuẩn dữ liệu địa lý, chuẩn dữ liệu đất đai, chuẩn dịch vụ đăng ký đất đai...
Bên cạnh đó, tại Việt Nam, công nghệ đo đạc và bản đồ đã được chuyển hoàn toàn sang công nghệ số ở khu vực nhà nước cũng như khu vực tư nhân. Hiện tại, trạm thu ảnh vệ tinh quốc gia đã thu được các loại ảnh viễn thám và từ các vệ tinh chuyên quan giát môi trường. Việt Nam đã phóng thành công vệ tinh viễn thám VNREDSat- 1 đầu tiên và đưa vào vận hành khai thác phục vụ công tác công tác quản lý giám sát tài nguyên thiên nhiên và môi trường, cung cấp ảnh quang học chất lượng cao cho các bộ ngành, địa phương.
Cùng với đó, nước ta đã có hệ thống trạm đo định vị vệ tinh gồm 65 trạm cố định được phân bố đều trên phạm vi cả nước với mật độ khoảng 200km/trạm được sử dụng làm khung tham chiếu cho hệ tọa độ quốc gia; 41 trạm đo được sử dụng để cung cấp số liệu phục vụ đo các hệ thống định vị vệ tinh toàn cầu với mật độ 50km-70km/trạm, bố trí tại các khu vực đồng bằng Bắc Bộ, ven biển Trung Bộ và Nam Bộ.
Ứng dụng trong nhiều lĩnh vực
Cục trưởng Cục Đo đạc, Bản đồ và Thông tin địa lý Việt Nam Hoàng Ngọc Lâm nhận định: Hiện nay, cộng đồng công nghệ thông tin và truyền thông ở Việt Nam khá mạnh với nhiều nhà cung cấp dịch vụ viễn thông, dịch vụ internet, dịch vụ không dây, dịch vụ di động, dịch vụ phần mềm và số lượng người sử dụng dịch vụ này khá đông, không phải chỉ ở đô thị mà cả ở nông thôn. Về dịch vụ thông tin không gian và công nghệ thông tin và truyền thông cho thông tin không gian thì mới có một vài nhà cung cấp dịch vụ thông tin địa lý tích hợp với hệ thống định vị vệ tinh để dẫn đường cho ô tô, cung cấp bản đồ cho điện thoại di động, cung cấp dịch vụ đo đạc bản đồ cho địa chính và xây dựng.
Trong thời gian qua ngành tài nguyên và môi trường đã nỗ lực triển khai các dự án lớn về công nghệ thông tin, truyền thông ở cả trung ương và địa phương: như xây dựng hệ thống mạng thông tin ngành tài nguyên và môi trường để đảm bảo hạ tầng truyền thông phục vụ công tác điều tra cơ bản, triển khai các dịch vụ công, trao đổi dữ liệu chuyên ngành của các lĩnh vực, các đơn vị. Đây là một trong những tiền đề cơ bản đề hướng tới xây dựng và triển khai hạ tầng dữ liệu không gian địa lý quốc gia.
Trong lĩnh vực quản lý đất đai, ngành tài nguyên và môi trường đã và đang triển khai các dự án lớn về đo đạc bản đồ địa chính, đăng ký, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và quyền sở hữu nhà và tài sản gắn liền với đất, xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai; Dự án Hoàn thiện và hiện đại hóa hệ thống quản lý đất đai Việt Nam (dự án VLAP); Dự án xây dựng hệ thống hồ sơ địa chính và cơ sở dữ liệu quản lý đất đai (gọi tắt là dự án Tổng thể) đã được triển khai trên địa bàn cả nước, khi các dự án này hoàn thành sẽ tạo lập được cơ sở dữ liệu địa chính tại tất cả các tỉnh, thành phố trên toàn quốc. Cơ sở dữ liệu này không chỉ phục vụ cho yêu cầu quản lý nhà nước về đất đai mà còn là nền tảng cho nhiều hoạt động quản lý nhà nước khác cũng như các hoạt động phát triển kinh tế- xã hội khác.
Ngoài lĩnh vực tài nguyên và môi trường, một số ngành, lĩnh vực khác đã chủ động phát triển hệ thống thông tin địa lý chuyên ngành phục vụ công tác quản lý của từng lĩnh vực cụ thể như: Cục Phòng cháy chữa cháy (Bộ Công an) thành lập cơ sở dữ liệu điều tra, đánh giá hiện trạng và xây dựng cơ sở dữ liệu về công tác phòng cháy - chữa cháy, cứu hộ, cứu nạn tại các khu công nghiệp, khách sạn, chợ, siêu thị, trung tâm thương mại, các cơ sở trọng điểm quốc gia ở 5 thành phố lớn (Hà Nội, Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Đà Nẵng và Cần Thơ); Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hợp tác với cơ quan Phát triển Thương mại Hoa Kỳ (USTDA) thực hiện dự án xây dựng cơ sở dữ liệu không gian địa lý “Tăng cường năng lực cảnh báo sớm lũ lụt tại Việt Nam”; Bộ Xây dựng hợp tác với Hàn Quốc về chương trình phát triển đô thị thông minh tại Việt Nam; UBND Thành phố Đà Nẵng hợp tác với Bộ Kinh tế Công thương Nhật Bản và các công ty ZENRIN-Hitachi Solution, FPT, DDT… xây dựng hệ thống “Hạ tầng của hạ tầng” - cơ sở để xây dựng chính quyền điện tử; một số tỉnh, thành phố đã thành lập hệ thống thông tin địa lý riêng như: Vĩnh Phúc, Huế…
Mặc dù vậy, Tiến sỹ Phan Đức Hiếu, nguyên Cục trưởng Cục Đo đạc, Bản đồ và Thông tin địa lý Việt Nam, cho rằng sự phát triển về đo đạc bản đồ và thông tin địa lý ở Việt Nam mới bước đầu đáp ứng cho những nhu cầu cấp bách của Chính phủ, các bộ ngành cũng như các địa phương; chưa có sự thống nhất cả về mô hình cấu trúc, hạ tầng công nghệ, tiêu chuẩn dữ liệu. Việc phát triển manh mún, tự phát thời gian qua đặt ra một yêu cầu rất cấp bách trong việc phải xây dựng Chiến lược phát triển đo đạc bản đồ và hạ tầng dữ liệu không gian địa lý quốc gia.