Chiến lược nào giúp Tổng thống Trump xoay chuyển tình thế trước đối thủ Biden
Đầu tháng này, một số cố vấn chiến dịch hàng đầu của Tổng thống Donald Trump đã nhóm họp trực tuyến nhằm vạch ra chiến lược để giải quyết một thực tế chính trị mà họ không thể làm ngơ thêm nữa: Tổng thống đang gặp rắc rối nghiêm trọng.
Trong suốt nhiều tuần, cú đánh “hội đồng” của dịch COVID-19, suy thoái kinh tế và làn sóng biểu tình chống phân biệt chủng tộc đã làm suy giảm tỉ lệ ủng hộ dành cho Tổng thống Mỹ Donald Trump, trong khi đưa đối thủ của ông, cựu Phó Tổng thống Joe Biden, sớm dẫn trước trong cuộc đua.
Nhưng thứ tự đó mới chỉ là khởi đầu. Rõ ràng mọi việc không quá tồi tệ, thậm chí cuộc họp của các cố vấn chiến dịch vẫn tràn ngập cảm giác tự tin. Với một chút hài hước, chiến lược gia David Bossie nói đùa rằng cũng vào thời điểm khó khăn như thế này năm 2016, ông Trump thậm chí đã không sa thải Giám đốc chiến dịch khi đó là Corey Lewandowski. Nói cách khác, vẫn còn rất nhiều thời gian cho một sự xoay chuyển.
Thông điệp từ cuộc họp rất đơn giản - Tổng thống Trump cần trở lại đường đua và chứng minh cho các cử tri thấy đất nước đã sẵn sàng mở cửa trở lại. Chiến dịch của ông cần đẩy mạnh thông điệp rõ ràng về sự trở lại của nước Mỹ, gói gọn trong 3 từ: “Làm mới. Khôi phục. Tái thiết”. Điều đó đồng nghĩa chiến dịch tranh cử phải dựa vào hồ sơ kinh tế của Tổng thống, vốn là thế mạnh lớn nhất của ông nơi cử tri. Chiến dịch cũng sẽ tận dụng mọi cơ hội để mô tả đối thủ Joe Biden là một chính trị gia "yếu đuối, kém năng lực và dựa dẫm vào phe cánh chính trị của mình".
Cuộc mít tinh phát thông điệp và truyền năng lượng
Hôm 20/6, thông điệp nói trên đã bắt đầu được phát đi tại Tulsa, bang Oklahoma – nơi ông Trump tổ chức chiến dịch vận động tranh cử đầu tiên kể từ khi đại dịch COVID-19 bùng phát. Các quan chức địa phương và trợ lý tranh cử của ông cho biết có tới trên 1 triệu người đăng ký vé tham dự và khoảng 20.000 người đã ngồi kín sân vận động BOK Arean ở Tulsa.
Theo các cuộc phỏng vấn với 15 thành viên đảng Cộng hòa, Tổng thống Trump đang thúc đẩy chiến lược thuyết phục người Mỹ tin rằng đã đến lúc chấm dứt tình trạng phong tỏa và đưa đất nước hoạt động trở lại.
Đối với đội ngũ cố vấn của Tổng thống, Tulsa được coi là phương thuốc cho những khó khăn hiện tại của chiến dịch, là cơ hội để Tổng thống nhấn mạnh vào mô hình “bình thường hóa”, đồng thời tái định vị mình là vị cứu tinh một thời và tương lai của nền kinh tế Mỹ.
"Cuộc biểu tình phát đi tín hiệu tuyệt vời với đất nước rằng đã đến lúc đưa mọi thứ chuyển động trở lại", Tim Murtaugh, Giám đốc truyền thông chiến dịch của ông Trump nói. "Người Mỹ lúc này sẽ thấy sự tương phản giữa thành tích của Tổng thống so với lịch sử thất bại của ông Biden”.
Sự kiện vận động tại Tulsa đánh dấu một thời điểm quan trọng trong nỗ lực tái tranh cử của Tổng thống Donald Trump. Trong vài tháng qua, những cơ sở từng là điểm tựa vững chắc cho nhiệm kỳ 2 của ông Trump đã “bốc hơi” do đại dịch. Virus SARS-CoV-2 biến một nền kinh tế mạnh mẽ, với nhiều thành tựu của ông, rơi vào cuộc suy thoái tồi tệ nhất trong hơn một thế hệ qua.
Trong khi đó, trong các cuộc thăm dò liên tiếp, tỉ lệ ủng hộ nhà lãnh đạo Mỹ đang tuột dốc, kể cả ở các “bang đỏ” đáng tin cậy với phe Cộng hòa. Chiến dịch của ông đã phải chi hàng triệu đô-la ở các bang lẽ ra ông không cần phải lo lắng, như Ohio và Iowa. Và các cuộc thăm dò gần đây cho thấy ông đã thua đối thủ Biden ở hai chiến trường quan trọng Pennsylvania và Michigan, nơi ông đều giành chiến thắng hồi năm 2016.
Một số thành viên Cộng hòa lo ngại rằng con đường của Tổng thống Trump đến chiến thắng đã thu hẹp đáng kể trong những tháng gần đây và rằng cuộc mít tinh ở Tulsa, Oklahoma sẽ khó thay đổi điều đó. Tuy nhiên các trợ lý Tổng thống lại cho rằng sự kiện Tulsa nói lên một điều quan trọng hơn nhiều: nó mang lại sự lạc quan và năng lượng cho Tổng thống sau nhiều tuần đắm chìm trong các cuộc thăm dò và bản tin u ám của truyền thông.
Tập trung vào hai nhóm cử tri đặc biệt
Các cố vấn tranh cử của ông Trump nói với CNN rằng, cuộc vận động tại Tulsa là cơ hội đầu tiên để thử nghiệm chiến lược tranh cử của họ. Với một chiến trường đầy ấn tượng và dữ liệu thu thập từ những người ủng hộ trung thành nhất suốt nhiều năm qua, Giám đốc chiến dịch Brad Parscale cùng đội ngũ của ông đang chuẩn bị triển khai những công cụ nhằm tập hợp tất cả cử tri ủng hộ Tổng thống Trump đi bỏ phiếu.
Theo một phụ tá của ông Trump, Brad Parscale đã xác định được 2/3 số cử tri mà họ cần để giành chiến thắng. Ông Parscale là người gần gũi với Jared Kushner, con rể và cố vấn cấp cao của Tổng thống, nhưng gần đây khi tỷ lệ ủng hộ trong các cuộc thăm dò sụt giảm, có tin cho hay ông đã bị Tổng thống Trump chỉ trích, dẫn đến suy đoán có thể bị sa thải.
Tuy vậy, bất kể ai đang điều hành chiến dịch, nhiều đảng viên Cộng hòa đã bày tỏ lo ngại việc hầu như không có điều gì xảy ra trong tháng qua phát huy lợi thế của Tổng thống, thậm chí còn làm tổn hại đến ông, đặc biệt là làn sóng bất ổn bắt nguồn từ cái chết của công dân da đen George Floyd.
Vì thế, các trợ lý gần đây đã khuyến khích Tổng thống ngừng nói về chủng tộc và tập trung nhiều hơn vào thành tựu của ông về tạo việc làm.
Thay vì buộc Tổng thống Trump phải đáp ứng những yêu cầu mà tình hình hiện tại đặt ra, đội ngũ tranh cử đang xem xét nhắm đến 2 nhóm cử tri đặc biệt: những người ủng hộ ở khu vực nông thôn và những cử tri da trắng ôn hòa và độc lập, vốn tán thành cách xử lý các vấn đề kinh tế của Tổng thống Trump, nhưng hiện không chắc chắn sẽ ủng hộ ông vào tháng 11.
Đội ngũ tranh cử hy vọng các nhóm cử tri này sẽ là đối tượng dễ tiếp nhận thông điệp tích cực về mở cửa lại đất nước. Theo các chiến lược gia của đảng Cộng hòa, nghiên cứu của họ cho thấy các cử tri luôn dành cho ông Trump những điểm đánh giá cao nhất về kinh tế. Scott Jennings, cựu Phó giám đốc chính trị Nhà Trắng dưới thời Tổng thống George W. Bush, nói rằng ông Trump vẫn có thể xoay chuyển mọi thứ - đặc biệt nếu nền kinh tế phục hồi trước tháng 11. “Giống như ông ấy đang dẫn dắt một cuộc hồi phục kinh tế, đó là vấn đề mà mọi người tin tưởng ông ấy nhất.", Jennings nói.
Tấn công đối thủ
Điều gây thất vọng trong đội ngũ tranh cử của Tổng thống Trump là sự thiếu tập trung vào Biden – nhân vật mà nhiều người trong số họ cho là ứng cử viên Tổng thống kém xa cả bà Hillary Clinton.
“Sẽ đáng chú ý nếu họ có thể khiến cuộc đua này xoay quanh ông Biden. Nhưng thật không may, cuộc đua đang không liên quan gì đến Biden. Nó lại xoay quanh Tổng thống Trump và đó là lý do tại sao ông gặp rắc rối”, một thành viên Cộng hòa làm việc với đội ngũ tranh cử của ông Trump nhận xét.
Trên thực tế, sự vắng mặt của Joe Biden trong nhiều sự kiện vận động tranh cử đã giúp ứng cử viên Tổng thống chính thức của đảng Dân chủ tránh được những hoài nghi về việc liệu ông có phù hợp với vai trò người đứng đầu Nhà Trắng hay không. Tuy nhiên, một số đảng viên Cộng hòa cho rằng điều đó cũng khiến cho Biden không được định vị trong tâm trí của cử tri, dù ông đã trải qua hàng thập kỷ nơi chính trường.
Để lật ngược tình thế, đội ngũ tranh cử của ông Trump cũng tìm cách gia tăng các cuộc tranh luận giữa các ứng viên Tổng thống. Cựu thị trưởng thành phố New York, Micheal Bloomberg, đồng thời là người bạn thân của ông Trump, đã được giao nhiệm vụ đề nghị Ủy ban Tranh luận Tổng thống sắp xếp thêm nhiều cuộc tranh luận nữa.
“Phải có thật nhiều người Mỹ nhìn thấy sự khác biệt rõ rệt giữa những thành tựu và khả năng lãnh đạo của Tổng thống Trump với hồ sơ thất bại và nhạt nhẽo của ông Joe Biden", Giám đốc chiến dịch Parscale nói với Reuters.
Hôm 19/6 vừa qua, đội ngũ tranh cử của ông Trump đã ra mắt một trang web có tên BarelyThereBiden.com, để công kích đối thủ phe Dân chủ.