Chiến lược Syria trở thành công cụ tranh cử ở Mỹ

Sau diễn biến liên quan tới chiến dịch quân sự của Thổ Nhĩ Kỳ ở biên giới Syria, chủ đề chiến lược của Mỹ tại Syria lại nóng lên. Quyết định rút quân khỏi khu vực biên giới Syria của Mỹ, động thái được cho là 'bật đèn xanh' để Thổ Nhĩ Kỳ thẳng tay trừng trị người Kurd, nhưng cũng có thể là hành động rút lui của Mỹ khỏi địa bàn chiến lược Syria.

Đó cũng là đề tài được tranh cãi nảy lửa trong phiên tranh luận gần đây giữa các ứng viên tổng thống thuộc Đảng Dân chủ. Hầu hết các ứng cử viên đều chỉ trích gay gắt quyết định của Tổng thống Donald Trump. Tuy nhiên, cũng có những quan điểm khác biệt giữa các nghị sĩ về nước đi của Mỹ tại khu vực, kéo theo những màn tranh luận gay gắt.

Phiên tranh luận ở Mỹ diễn ra trong bối cảnh “chảo lửa” Trung Đông đang tăng nhiệt do chiến dịch mang tên “Mùa xuân hòa bình” của Ankara, nên càng thu hút nhiều sự quan tâm trong bối cảnh cuộc đua vào Nhà Trắng năm 2020 đang tới gần. Bởi nếu có “sao đổi ngôi”, một ứng viên Dân chủ trở thành tân chủ nhân của Nhà Trắng, cuộc tranh luận sẽ giúp làm sáng tỏ phần nào chính sách Trung Đông của Mỹ nói chung và chiến lược với Syria của Mỹ nói riêng.

 Quang cảnh phiên tranh luận của các ứng cử viên Đảng Dân chủ ngày 16-10. Ảnh: AP.

Quang cảnh phiên tranh luận của các ứng cử viên Đảng Dân chủ ngày 16-10. Ảnh: AP.

Lời chỉ trích nặng nề nhất đến từ cựu Phó tổng thống Joe Biden, một ứng viên sáng giá của Đảng Dân chủ, khi cho rằng rút khỏi Syria là việc đáng xấu hổ nhất mà bất kỳ tổng thống Mỹ nào từng làm trong lịch sử ngoại giao của nước này. Còn ứng cử viên Pete Buttieg, Thị trưởng thành phố South Bend, cho rằng đây là sự phản bội các giá trị Mỹ và khiến uy tín của Mỹ suy giảm nghiêm trọng.

Nhưng khi được hỏi về việc các ứng cử viên sẽ làm gì và có thể làm gì khác, sân khấu của các ứng cử viên dường như bị chia thành hai chiến tuyến. Ông Biden tuyên bố rằng, 1.000 quân Mỹ vừa rút khỏi Đông Bắc Syria sẽ “không đi đâu cả”. Theo ông, họ sẽ được không quân yểm trợ và Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan sẽ phải “trả giá”. Thêm vào đó, ông Pete Buttieg còn cho rằng, hậu quả của việc này sẽ khiến Mỹ mất đi vai trò lãnh đạo trên thế giới.

Quan điểm của ông Biden đối đầu trực tiếp với góc nhìn của ứng cử viên Tulsi Gabbard, hạ nghị sĩ bang Hawaii. Bà Gabbard kêu gọi chấm dứt những “cuộc chiến thay đổi chế độ” như tại Syria, các hành động bao vây cấm vận và ngừng hỗ trợ các nhóm phiến quân mà trong đó có cả những nhóm liên quan đến khủng bố.

Quan điểm của bà Gabbard nhận được sự đồng tình từ thượng nghị sĩ Elizabeth Warren của bang Massachusetts. Bà ủng hộ việc rút quân khỏi Trung Đông “một cách hợp lý” và cho rằng không có giải pháp quân sự nào là khả thi cho khu vực. Đáng chú ý, trong suốt phiên tranh luận, bà Warren là người diễn thuyết nhiều nhất. Các kết quả thăm dò cho thấy bà hiện là ứng cử viên hàng đầu của Đảng Dân chủ trong cuộc chạy đua vào chiếc ghế người đứng đầu Nhà Trắng.

Sự chia rẽ giữa phe “chủ chiến” và “chủ hòa” ngay lập tức thể hiện rõ. Theo ông Buttieg, quan điểm của bà Gabbard là “một sai lầm chết người”. Tuy đồng tình với quyết định quân đội Mỹ nên rút khỏi Iraq và Afghanistan nhưng ông Buttieg lại cho rằng tình hình Syria hiện tại là do người Mỹ rời bỏ khu vực. Bà Gabbard liền phản bác việc Mỹ ở lại mới khiến cuộc chiến tiếp diễn, gây ra vấn nạn người di cư Syria. Bà cũng lên án các phương tiện truyền thông chủ đạo tại Mỹ đang ủng hộ cuộc chiến và bôi nhọ những người kêu gọi chấm dứt chiến tranh như bà, dẫn nguồn một số kênh truyền thông gọi bà là “công cụ” của Nga.

Ông Buttieg và bà Gabbard đều từng phục vụ trong quân đội Mỹ.

Vấn đề đi hay ở tại Syria là một trong những khúc mắc lớn trong chính nội bộ Đảng Dân chủ. Đa số thành viên đảng này chỉ trích quyết định của Tổng thống Donald Trump, nhưng trước đó cũng chính họ kêu gọi Mỹ rút khỏi “chảo lửa” Trung Đông, vốn là lời hứa của ông Donald Trump trước khi lên làm tổng thống. Trong cuộc tranh cãi đầy toan tính này, không có kẻ đúng, người sai, mà chỉ có phần thưởng là những lá phiếu cử tri dành cho phe nào đưa những người lính Mỹ trên các chiến trường ở Trung Đông trở về. Vì vậy, lời chỉ trích nhằm vào quyết định rút lui của Tổng thống Donald Trump chỉ là đòn đánh vào uy tín của đối phương mà phe Dân chủ đưa ra với những lý do không mấy thuyết phục. Vấn đề Syria dường như đang bị biến thành một công cụ tranh cử lợi hại mà phe nào cũng muốn tranh thủ.

Hiện nay, việc rút toàn bộ quân Mỹ ra khỏi Đông Bắc Syria được dự báo sẽ đem lại những hệ quả được cho là “thảm họa” đối với Washington. Không chỉ lực lượng người Kurd, một đồng minh của Mỹ trong cuộc chiến chống lại Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng đang bị đe dọa, hàng trăm tù nhân IS trong các trại giam do người Kurd quản lý được cho là đã trốn thoát và đang tái tổ chức lực lượng. Thế nhưng, tất cả vẫn chỉ là phỏng đoán, còn tổn thất trước mắt của bất kỳ bên nào nếu không đưa lính Mỹ trở về chính là nguy cơ lớn gặp thất bại trong cuộc đua quyền lực năm 2020.

ĐĂNG SƠN

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/thoi-su-quoc-te/doi-song-quoc-te/chien-luoc-syria-tro-thanh-cong-cu-tranh-cu-o-my-597574