Chiến lược tái cân bằng châu Á-Thái Bình Dương của Mỹ thời ông Trump

Chuyên gia Trung Quốc tin rằng dưới thời ông Trump, Mỹ sẽ không giảm chiến lược tái cân bằng châu Á-Thái Bình Dương, thậm chí còn tăng cường tuần tra Biển Đông.

Tàu USS Decatur thuộc Hạm đội 3 (thứ 3 từ trái sang) tham gia diễn tập trên Biển Đông cùng Hạm đội 7. Ảnh: US Navy

Ngoài bang Michigan vẫn trong quá trình kiểm phiếu, theo kết quả kiểm phiếu 49/50 bang, ứng cử viên đảng Cộng hòa Donald Trump đã giành thắng lợi áp đảo trước đối thủ đảng Dân chủ Hillary Clinton với 290 phiếu đại cử tri, hơn 20 phiếu so với quy định cần thiết để trở thành tổng thống thứ 45 của nước Mỹ.

Chiến thắng của ông Trump không những đạp đổ tuyệt đại đa số dự báo trước đó, mà còn khiến nhiều nước bất ngờ, một số nước phải tổ chức họp khẩn cấp bàn biện pháp cho quan hệ với Mỹ dưới thời Tổng thống Donald Trump.

Trong một nhận định vừa được tờ Văn hối của Hong Kong (Trung Quốc) đăng tải, Chủ nhiệm ban nghiên cứu ngoại giao Mỹ thuộc Trung tâm Nghiên cứu Mỹ, Viện Khoa học Xã hội Trung Quốc, ông Viễn Chinh chỉ rõ nếu xem xét những tuyên bố mang đậm sắc thái chủ nghĩa bảo hộ mậu dịch của ông Trump khi tranh cử, dự kiến sau khi ông Trump chính thức lên làm tổng thống Mỹ, chí ít trong một năm đầu cầm quyền rất có khả năng sẽ siết lại quan hệ thương mại với Trung Quốc, khiến ma sát thượng mại giữa hai bên ngóc đầu trở lại.

Sau khi ông Trump lên nắm quyền, chuyên gia Viễn Chinh tin rằng cùng với việc tăng cường tinh lực cho các vấn đề trong nước, Mỹ sẽ không giảm chiến lược tái cân bằng châu Á-Thái Bình Dương, tiếp tục tăng cường quan hệ đồng minh quân sự với các nước châu Á-Thái Bình Dương, yêu cầu các nước đồng minh như Nhật Bản đảm trách thêm nhiều nghĩa vụ quân sự và chia sẻ nhiều hơn về gánh nặng kinh phí, nhưng khả năng Mỹ rút quân khỏi khu vực châu Á-Thái Bình Dương là vô cùng thấp.

Về vấn đề Đài Loan, chuyên gia Viễn Chinh cho biết tới nay tuy ông Trump chưa có tuyên bố liên quan, nhưng trong cương lĩnh tranh cử đưa ra tại Đại hội đảng toàn quốc đảng Cộng hòa hồi tháng 7/2016, ông Trump lần đầu nhấn mạnh tới “Luật quan hệ với Đài Loan” và “Sáu điều bảm đảo đối với Đài Loan”. Dự kiến sau khi ông Trump lên nắm quyền, Mỹ sẽ tăng cường bán vũ khí và hợp tác quân sự với Đài Loan (Trung Quốc).

Bên cạnh đó, chuyên gia Viễn Chinh nhấn mạnh dù Trung Quốc và Mỹ không có ý định đối kháng, nhưng sau khi ông Trump lên nắm quyền, tin rằng Lầu Năm góc sẽ phái thêm nhiều tàu hải quân tới Biển Đông tuần tra.

Trong một diễn biến liên quan tới nhân sự Bộ Quốc phòng Mỹ, tờ The Hill cho biết danh sách ứng cử viên tiềm năng cho vị trí người đứng đầu Lầu Năm Góc gồm có Thượng nghị sĩ bang Alabama, ông Jeff Sessions; cựu Cố vấn An ninh Quốc gia thời Tổng thống George Bush, ông Stephen Hadley; cựu Thượng nghị sỹ Jim Talent và cựu Giám đốc Cơ quan Tình báo Quốc gia (CIA) Jim Woolsey.

Tuy nhiên, theo trang tin Politico.com, danh sách ứng cử viên chỉ có 3 người, gồm ông Jeff Sessions, ông Jim Talent và cựu Giám đốc Tình báo quân đội Michael Flynn. Trong đó, ông Jeff Sessions là cố vấn thân cận của Tổng thống đắc cử Donald Trump còn ông Michael Flynn lại là tướng quân đội về hưu, theo quy định phải đợi 7 năm mới có thể làm Bộ trưởng Quốc phòng, vị trí vốn thuộc về dân sự, cho nên, ông Michael Flynn có thể sẽ chuyển sang làm Cố vấn An ninh quốc gia.

Hoàng Hà

Nguồn Tin Tức TTXVN: http://baotintuc.vn/the-gioi/my-se-tang-cuong-tuan-tra-bien-dong-duoi-thoi-ong-trump-20161111093509006.htm