Chiến sỹ biên phòng đồng hành cùng trẻ em nghèo biên giới

Cùng với nhiệm vụ đảm bảo chủ quyền an ninh vùng biên giới, những năm qua BĐBP tỉnh TT-Huế đã có nhiều hoạt động khuyến học, khuyến tài, trợ giúp nhiều học sinh, nhất là học sinh có hoàn cảnh khó khăn ở vùng biên giới có thêm nghị lực, điều kiện để đến trường học tập. Chương trình 'Nâng bước các em đến trường' của BĐBP tỉnh TT-Huế đã và đang thực hiện vừa thiết thực vừa mang tính nhân văn cao cả.

Cùng với nhiệm vụ đảm bảo chủ quyền an ninh vùng biên giới, những năm qua BĐBP tỉnh TT-Huế đã có nhiều hoạt động khuyến học, khuyến tài, trợ giúp nhiều học sinh, nhất là học sinh có hoàn cảnh khó khăn ở vùng biên giới có thêm nghị lực, điều kiện để đến trường học tập. Chương trình "Nâng bước các em đến trường" của BĐBP tỉnh TT-Huế đã và đang thực hiện vừa thiết thực vừa mang tính nhân văn cao cả.

Trung úy Nguyễn Bá Truyền thăm hỏi các cháu nhỏ ở Trường Mầm non A Đớt. Ảnh: T.P

Trung úy Nguyễn Bá Truyền thăm hỏi các cháu nhỏ ở Trường Mầm non A Đớt. Ảnh: T.P

Đồn biên phòng cửa khẩu A Đớt, huyện miền núi A Lưới là một trong những đơn vị tiên phong thực hiện chương trình "Nâng bước các em đến trường". Hiện nay, Chi đoàn của Đồn có 3 chiến sỹ là đoàn viên thanh niên, xung phong "đỡ đầu" 3 học sinh là con em các hộ đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống tại địa phương, có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Các chiến sĩ này đã trích từ chính đồng lương của mình mỗi tháng 500.000 đồng để hỗ trợ các cháu. Trong số 3 em được nhận đỡ đầu thì cháu Phạm Thị Tranh đang học lớp 1, ở thôn A Tin, xã A Đớt, có hoàn cảnh khó khăn nhất. Gia đình cháu Tranh thuộc hộ nghèo nhất của thôn khi nhà chỉ có mảnh ruộng nhỏ, bố đau ốm liên miên, cả gia đình 4 miệng ăn chỉ trông chờ vào công việc làm thuê của mẹ. Biết được hoàn cảnh khó khăn của cháu Tranh, Trung úy Nguyễn Bá Truyền, Đội trưởng Đội vận động quần chúng, Đồn biên phòng cửa khẩu A Đớt đã đề nghị với cấp trên cho phép được "đỡ đầu" cháu Tranh. Đầu năm 2012, anh Truyền đã gặp Ban giám hiệu Trường Mầm non A Đớt xin nhận trách nhiệm về khoản tiền ăn 300 nghìn đồng mỗi tháng và một số khoản khác, đồng thời đề nghị nhà trường không nhận của gia đình em bất cứ khoản tiền nào. Chị Viên Thị Điệp, mẹ cháu Tranh cho biết: Vì hoàn cảnh gia đình khó khăn, việc làm không ổn định nên có lúc chị phải cho con nghỉ học do không có tiền ăn. Nhờ có bộ đội Truyền giúp đỡ mà cháu được đến trường và cuộc sống cũng vơi bớt phần nào khó khăn. Bộ đội Truyền còn đưa đón, họp phụ huynh thay chúng tôi những khi bận lên nương rẫy. Anh như là người anh, em ruột thịt và là ân nhân của gia đình.

Đồn Biên phòng cửa khẩu A Đớt phụ trách quản lý đường biên giới dài 18 km trải dài qua 3 xã, có 1.050 hộ với 4.200 khẩu, 5 dân tộc anh em cùng sinh sống, trong đó chủ yếu là đồng bào Pa Cô, Tà Ôi... Cùng với phong trào nhận "đỡ đầu" những học sinh có hoàn cảnh khó khăn ở trên địa bàn, năm học vừa qua cán bộ, chiến sĩ Đồn A Đớt đã vận động được 20 suất quà, trị giá 7 triệu đồng tặng những học sinh nghèo vượt khó tại Trường Tiểu học A Đớt vào năm học mới; đồng thời vận động các nhà hảo tâm, hội sinh viên, sinh viên các trường đại học, cao đẳng ở Huế quyên góp hơn 1.000 quần áo cũ, hàng trăm cuốn sách vở, bút với tổng trị giá hơn 27 triệu đồng tặng nhân dân các xã A Đớt, Đông Sơn và bản Ka Lô của nước bạn Lào anh em. Ngay từ khi Ban Thanh niên, Bộ Tư lệnh Biên phòng tổ chức phát động mô hình "Nâng bước các em đến trường" từ tháng 3-2014, BĐBP TT-Huế đã phát động toàn thể cán bộ, chiến sĩ tham gia chương trình với tiêu chí, mỗi cơ sở Đoàn nhận đỡ đầu ít nhất 2 học sinh có hoàn cảnh khó khăn, có ý thức vươn lên trong học tập, con em gia đình chính sách có bố hoặc mẹ hy sinh vì sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Nguồn quỹ chủ yếu trích từ tiết kiệm tiền lương, phụ cấp, tăng gia sản xuất... của các chiến sĩ.

Để triển khai phong trào có hiệu quả, Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh đã phối hợp với các đơn vị, chính quyền địa phương tổ chức khảo sát thực trạng các điểm trường trên địa bàn quản lý để xây dựng kế hoạch thực hiện chương trình. Đến nay, chương trình đã tạo sự lan tỏa đến từng Chi đoàn của các Đồn biên phòng vùng biên giới, cũng như tới các bản làng nơi đơn vị đóng quân. Hiện đã có 11 đơn vị của BĐBP tỉnh đỡ đầu 27 học sinh có hoàn cảnh khó khăn trên tuyến biên giới Việt Nam - Lào đoạn qua H. A Lưới, với mức 500.000 đồng/cháu/tháng, giúp các cháu có điều kiện tiếp tục được đi học. Với mô hình này, trong năm học 2014 - 2015, đoàn viên thanh niên BĐBP đã góp phần vào sự chuyển biến rõ rệt trong kết quả học tập của các cháu. Trong 27 cháu được nhận "đỡ đầu" trước đây chỉ có học lực khá và trung bình khá, thì nay đã có 14 cháu đạt kết quả học tập giỏi, còn lại đạt loại khá. Đoàn thanh niên các Đồn Biên phòng khu vực biên giới H. A Lưới còn thường xuyên xuống nắm tình hình học tập, rèn luyện của các cháu; phối hợp với các nhà trường tổ chức phong trào văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao nâng cao sức khỏe, thể chất và vận dụng tổ chức tốt công tác giáo dục quốc phòng, an ninh trong nhà trường; phối hợp với chính quyền địa phương, nhà trường vận động nhân dân cho con đi học, đảm bảo 100% em trong độ tuổi được đến trường, vận động học sinh bỏ học trở lại trường tiếp tục học tập, đảm bảo sĩ số ở các cấp học, kể cả người lớn trong độ tuổi xóa mù chữ đi học. Thời gian qua, BĐBP TT-Huế đã mở 90 lớp xóa mù chữ, phổ cập giáo dục tiểu học cho 81 lớp, vận động 2.400 học sinh bỏ học trở lại trường, hàng nghìn bộ quần áo và dụng cụ học tập được huy động để giúp đỡ các em có hoàn cảnh khó khăn. Chương trình đã giúp đồng bào các dân tộc thiểu số vùng biên giới nâng cao nhận thức, từ đó quan tâm hơn tới việc học tập của con em mình.

Bằng tấm lòng nhân ái của những chiến sĩ mang quân hàm xanh, bước chân đến trường của học sinh vùng biên giới đã vơi đi phần khó khăn. Các em được nhận "đỡ đầu" cũng đã có ý thức tự giác vươn lên, chuyên cần hơn trong học tập. Hình ảnh những người lính biên phòng bám bản, bám làng giúp dân phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống trở nên thật gần gũi, góp phần khẳng định tuổi trẻ BĐBP luôn là điểm tựa vững chắc cho đồng bào nơi phên giậu của Tổ quốc.

Tường Vi

Nguồn CAĐN: http://cadn.com.vn/news/64_138869_chie-n-sy-bien-pho-ng-do-ng-ha-nh-cu-ng-tre-em-ngh.aspx