Chiến trường Libya không yên tiếng súng

Sau nhiều tháng cuộc nội chiến được duy trì ở thế giằng co, những tuần qua, lực lượng của quân đội quốc gia Libya (LNA) bắt đầu thất thủ và gánh chịu tổn thất liên tiếp trong các nỗ lực tấn công nhằm chiếm thủ đô Tripoli. Thậm chí, các lực lượng đánh thuê hậu thuẫn cho lực lượng của LNA cũng đã phải rút khỏi các chiến tuyến ở gần thủ đô Tripoli.

Làn sóng giao tranh dữ dội giữa LNA do tướng Khalifa-Haftar chỉ huy với lực lượng Chính phủ Đoàn kết Dân tộc Libya (GNA) của Thủ tướng Fayez-al-Sarraj ở vùng ngoại ô thủ đô Tripoli và khu vực ở phía Nam Tripoli với sự tham gia của các lực lượng quân đội, dân quân và lính đánh thuê.

 Tripoli đang là nơi giao tranh dữ dội giữa LNA và GNA

Tripoli đang là nơi giao tranh dữ dội giữa LNA và GNA

Những tuần qua, Chính phủ GNA đã đạt được nhiều bước tiến mới quan trọng trên thực địa với sự giúp đỡ của lực lượng đánh thuê của Syria do Thổ Nhĩ Kỳ triển khai đến Libya. Chính phủ GNA đã đánh bật LNA ra khỏi các vị trí chiếm đóng ở phía nam và các khu vực khác ở phía tây bắc của Tripoli; đồng thời, tái chiếm được nhiều thị trấn từ tay của LNA. Các bước tiến mà chính phủ GNA vừa đạt được trên thực địa với sự hậu thuẫn của Thổ Nhĩ Kỳ đã tác động lớn đến tâm lý chiến đấu của lực lượng du kích thân LNA và gây tổn thất quân sự đáng kể đối với lực lượng LNA.

Với vị trí địa chiến lược quan trọng tại khu vực Địa Trung Hải và nguồn tài nguyên dồi dào, nhất là các giếng dầu khổng lồ, Libya đã thu hút sự can dự của các nước trong và ngoài khu vực kể từ khi xảy ra bất ổn vào năm 2011. Các yếu tố bên ngoài can dự vào Libya cũng hướng tới lợi ích kinh tế thông qua các hợp đồng tái thiết đất nước trị giá hàng chục tỷ USD. Libya hiện vừa là nơi chứng kiến cuộc nội chiến kéo dài, vừa là một chiến trường ủy nhiệm của các yếu tố bên ngoài. Việc LNA và GNA được các đồng minh nước ngoài cung cấp lực lượng đánh thuê, máy bay không người lái, máy bay chiến đấu và công nghệ phòng không đã và đang đẩy xung đột quân sự tại Libya lên một cấp độ nguy hiểm mới.

Kể từ tháng 4/2019, các đụng độ quân sự của các bên tại Libya đã khiến hơn 1.000 dân thường thiệt mạng và nhiều hạ tầng dân sự như trường học và bệnh viện bị phá hủy; hơn 200.000 người phải rời bỏ nhà cửa. Về kinh tế, nhất là lĩnh vực năng lượng, từ mức sản lượng 1,7 triệu thùng dầu/ngày, Libya hiện chỉ có thể khai thác ở mức thấp với 92.000 thùng dầu thô/ngày. Nền kinh tế Libya đang khủng hoảng nghiêm trọng khi nguồn thu chính từ dầu đã mất ít nhất 4 tỷ USD liên quan đến các cơ sở xuất khẩu dầu bị LNA đóng của từ tháng 1/2020 đến nay. Với vị trí địa chiến lược của Libya, những diễn biến tại Libya chắc chắn tác động trực tiếp đến sự ổn định và an ninh của cả khu vực châu Phi, Trung Đông và khối EU.

Về phản ứng, đến nay Liên Hợp Quốc, Liên minh châu Phi (AU), Liên đoàn Arab, Mỹ và các nước khu vực Trung Đông – Bắc Phi... tiếp tục quan ngại sâu sắc về diễn biến tình hình tại Libya; đồng thời lên án các bên tham chiến tại Libya cũng như các yếu tố can dự nước ngoài, vốn khiến cho tình hình Libya trở nên tồi tệ hơn bao giờ hết, nhất là khi xung đột quân sự bị đẩy lên một quy mô lớn hơn và các cuộc tấn công nhắm tới các mục tiêu dân sự.

Dư luận khu vực và quốc tế tiếp tục kêu gọi chấm dứt ngay lập tức chiến sự ở Libya, kêu gọi các bên liên quan tham gia vào tiến trình đối thoại chính trị dưới sự bảo trợ của Liên Hợp Quốc, nhất là việc tuân thủ các cam kết đạt được tại Hội nghị thượng đỉnh Berlin về Libya vào hồi tháng 1 năm nay. Ngày 27/5, Ngoại trưởng Pháp Jean Yves le Drian đã cho rằng tình hình ở Libya rất đáng lo ngại, cảnh báo "kịch bản Syria" đang được sắp sửa xảy ra ở nước này.

Theo giới quan sát, việc cả LNA và GNA gia tăng làn sóng tấn công bạo lực trong bối cảnh đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp đã khiến người dân Libya phải đối mặt với “nguy cơ kép” từ bạo lực và bệnh tật, cũng như một cuộc khủng hoảng nhân đạo tồi tệ hơn. Các bên tham chiến cần thực thi ngay một lệnh ngừng bắn nhân đạo và tập trung nguồn lực để chống đại dịch Covid-19 thay vì đầu tư để mở rộng quy mô các chiến dịch quân sự.

Hoài Anh (t.h)

Nguồn Đắk Nông: http://baodaknong.org.vn/theo-dong-thoi-su/chien-truong-libya-khong-yen-tieng-sung-80001.html