Chiềng Bằng đẩy mạnh chăn nuôi đại gia súc

Xác định chăn nuôi đại gia súc là thế mạnh trong phát triển kinh tế, chính quyền xã Chiềng Bằng (Quỳnh Nhai) đã đẩy mạnh tuyên truyền, vận động nhân dân phát triển chăn nuôi gia súc theo hướng nuôi nhốt chuồng gắn với trồng cỏ chủ động nguồn thức ăn cho vật nuôi; các tổ chức đoàn thể tạo điều kiện cho hội viên tiếp cận với nguồn vốn vay ưu đãi; chuyển giao kỹ thuật chăn nuôi... Toàn xã hiện có gần 4.000 con trâu, bò, 100% được nuôi nhốt chuồng.

Người dân bản Bỉa Ban, xã Chiềng Bằng (Quỳnh Nhai) chăm sóc đàn bò của gia đình.

Người dân bản Bỉa Ban, xã Chiềng Bằng (Quỳnh Nhai) chăm sóc đàn bò của gia đình.

Trước đây, người dân xã Chiềng Bằng quen với tập quán thả rông gia súc, chăn nuôi nhỏ lẻ và không áp dụng kỹ thuật vào chăn nuôi. Đây là một trong những nguyên nhân dẫn đến việc phát sinh dịch bệnh trên đàn vật nuôi, nhất là vào thời điểm giao mùa. Trao đổi với chúng tôi, ông Là Văn Hoạt, Phó Chủ tịch UBND xã Chiềng Bằng, cho biết: Xã đã lồng ghép tuyên truyền trong các cuộc họp của bản, của các tổ chức đoàn thể để người dân hiểu thêm về lợi ích của hình thức nuôi trâu, bò nhốt chuồng. Đó là đảm bảo vệ sinh môi trường; thuận lợi trong quá trình chăm sóc và chủ động phòng, chống dịch bệnh. Đồng thời, phối hợp với các cơ quan chuyên môn của huyện hướng dẫn các hộ chăn nuôi kỹ thuật nuôi vỗ béo, chăm sóc trâu, bò sinh sản, kỹ thuật trồng cỏ làm thức ăn chăn nuôi, hướng dẫn xây dựng chuồng trại chăn nuôi bảo đảm thoáng mát về mùa hè và ấm vào mùa đông; thực hiện tiêm vắc xin phòng bệnh định kỳ cho đàn gia súc, nhất là thời điểm giao mùa dịch bệnh dễ phát sinh. Riêng trong năm nay, toàn xã đã tiêm gần 14.000 liều vắc xin phòng các bệnh lở mồm long móng, tụ huyết trùng... cho đàn gia súc. Hiện, xã đang tập trung cao cho công tác phòng bệnh viêm da nổi cục ở trâu bò với nhiều biện pháp, như: vệ sinh chuồng trại, sát trùng khử khuẩn bằng vôi bột, hóa chất, không thả rông gia súc; thường xuyên theo dõi đàn vật nuôi để kịp thời thông tin cơ quan chức năng nếu có trâu bò mắc bệnh nhằm khoanh vùng hạn chế lây lan dịch bệnh. Để chủ động nguồn thức ăn cho trâu, bò, ngoài sử dụng các sản phẩm nông nghiệp, xã còn vận động nông dân trồng hơn 120 ha cỏ VA06. Đồng thời, hướng dẫn người dân thực hiện ủ ướp và dự trữ thức ăn cho trâu, bò trong mùa đông, nhằm hạn chế thấp nhất thiệt hại cho đàn vật nuôi.

Bung Én là bản có số lượng đàn gia súc lớn nhất của xã Chiềng Bằng, với 654 con trâu, bò. 100% các hộ chăn nuôi đều xây dựng chuồng trại kiên cố, chủ động tiêm đủ các loại vắc xin phòng chống dịch bệnh. Chia sẻ về việc phát triển chăn nuôi trâu, bò nhốt chuồng, ông Quàng Văn Mẳn, bản Bung Én, cho hay: Trước đây, gia đình tôi nuôi trâu, bò theo hình thức bán chăn thả. Được cán bộ khuyến nông huyện, xã vận động, năm 2012, gia đình tôi đã vay 50 triệu đồng của Ngân hàng Nông nghiệp & Phát triển nông thôn Chi nhánh huyện Quỳnh Nhai để đầu tư xây dựng chuồng trại chăn nuôi 8 con bò sinh sản. Trong quá trình chăn nuôi, gia đình đã áp dụng kỹ thuật được cán bộ khuyến nông hướng dẫn, trồng thêm hơn 2 ha cỏ VA06 làm thức ăn, học hỏi kỹ thuật ủ ướp thức ăn cho đàn vật nuôi để dự trữ vào mùa đông... Nhờ đó, đàn vật nuôi của gia đình sinh trưởng, phát triển tốt, bình quân mỗi năm, gia đình thu nhập trên 150 triệu đồng từ chăn nuôi.

Còn anh Lò Văn Toạn, bản Ba Nhất, chia sẻ: Năm 2005, sau khi thực hiện di vén phục vụ xây dựng Nhà máy thủy điện Sơn La, gia đình tôi đã được tạo điều kiện vay Ngân hàng Chính sách xã hội 10 triệu đồng để mua 2 con bò giống và làm chuồng nuôi nhốt. Gia đình thực hiện nghiêm khuyến cáo của cơ quan chức năng về phòng, chống dịch bệnh và xử lý chất thải chăn nuôi để không gây ô nhiễm môi trường; tiêm vắc xin định kỳ 2 lần/năm, trồng gần 2 ha cỏ voi để làm thức ăn cho trâu, bò. Hiện nay gia đình có 5 con bò, 2 con trâu, thu nhập gần 100 triệu đồng/năm.

Thời gian tới, xã Chiềng Bằng tiếp tục phối hợp với các cơ quan chuyên môn của huyện, tổ chức các lớp tập huấn kỹ thuật chăn nuôi cho người dân trong xã; phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội cho người dân vay vốn ưu đãi để đầu tư chăn nuôi; hướng dẫn nông dân trồng cỏ trên diện tích đất bạc màu lấy thức ăn chăn nuôi... thúc đẩy nghề chăn nuôi đại gia súc phát triển, góp phần giảm nghèo bền vững.

Anh Thư

Nguồn Sơn La: http://www.baosonla.org.vn/vi/bai-viet/chieng-bang-day-manh-chan-nuoi-dai-gia-suc-36081