Chiêu trò 'biến' đất nông nghiệp thành 'đất vàng' (Bài 2: Chuyển hồ sơ sang cơ quan điều tra làm rõ)
Sau khi có cuộc thanh tra, nhiều sai phạm về công tác quản lý đất đai để các cá nhân, chủ đầu tư xây dựng nhà ở thương mại, phân lô, bán nền trái pháp luật trên địa bàn TP Kon Tum (Kon Tum) mới được phơi bày, làm rõ. Thế nhưng, sự việc diễn ra trong suốt nhiều năm và hệ lụy để lại không nhỏ. Điều đó, cho thấy đây là một “đường dây” biến đất nông nghiệp thành đất vàng có quy mô không nhỏ với sự thiếu trách nhiệm, thậm chí tiếp tay của một số cán bộ, đơn vị.
“Chắc chắn có kẽ hở”
Đó là khẳng định của một lãnh đạo TP Kon Tum trước tình trạng xây dựng nhà ở thương mại, phân lô, bán nền, xây dựng nhà ở trái pháp luật diễn ra trong nhiều năm qua trên địa bàn. Đồng thời, vị lãnh đạo này khẳng định, nguyên nhân chính của vấn đề này là “chiêu” hiến đất mở đường không đúng quy định của pháp luật. “Dù không có trong quy hoạch nhưng vẫn cho mở đường, từ đó có đường thì đủ điều kiện để cá nhân, chủ đầu tư tách thửa. Tách thửa xong thì họ được chuyển mục đích sử dụng đất và phân lô, bán nền, xây dựng nhà. Dù chính quyền địa phương phát hiện nhưng khi đã cấp Giấy chứng nhận Quyền sử dụng đất (GCN QSDĐ) rồi thì cũng phải lo cấp giấy phép xây dựng cho họ thôi”, vị lãnh đạo này cho biết. Đồng thời, vị lãnh đạo này đưa ra dẫn chứng: như trường hợp bà Nguyễn Thị Ngọc Liên đến đề nghị cấp 17 giấy phép xây dựng, dù phát hiện con đường từ “chiêu” hiến đất mở đường không có trong quy hoạch nhưng cũng không thể... xử lý vì trong GCN QSDĐ đã có “vẽ” đường.
Điều đó chỉ rõ trong kết luận thanh tra của UBND tỉnh Kon Tum khi việc các đơn vị, sở, ngành của tỉnh này đã cho phép chuyển đổi mục đích sử dụng đất (chủ yếu từ đất nông nghiệp sang đất ở) đều không đảm bảo thủ tục quy định, có dấu hiệu vi phạm pháp luật. Như trường hợp tại khu vực nhà liền kề và quán cà-phê Villa (P. Trường Chinh, TP Kon Tum), 19-9-2017, Chi nhánh văn phòng đăng ký đất đai (CN VP ĐKĐĐ) TP Kon Tum lập hồ sơ điều chỉnh vị trí đất ở theo đơn đề nghị của ông Dương Ngọc Văn và tham mưu Sở TN&MT ký cấp GCN QSDĐ ngày 20-9-2017. Thế nhưng, bất thường trên GCN QSDĐ này đã được điều chỉnh vị trí đất ở dịch chuyển sang vị trí đất khác không trùng khớp với vị trí ban đầu. Từ đó, Sở TN&MT đã ký cấp 2 GCN QSDĐ cho ông Dương Ngọc Văn nhưng trên GCN QSDĐ cho phép chuyển dịch vị trí đất ở nhưng chỉ xác định 575m2 đất ở, còn hàng nghìn mét vuông đất ở khác không ghi rõ vị trí. Điều đó, đã tạo điều kiện cho ông Văn thoải mái sử dụng đất theo mục đích của mình: mở nhiều đường nhánh, xây dựng nhà ở thương mại để bán ngay khu vực mặt tiền đường Trần Phú cùng nhiều công trình xây dựng không đúng mục đích khác.
Thậm chí, như trường hợp bà Nguyễn Thị Ngọc Liên tại khu vực đất trường mầm non Mickey (P. Trường Chinh, TP Kon Tum) và tại khu vực P. Thắng Lợi (TP Kon Tum), dù khu vực bà Liên hiến đất mở đường không có trong quy hoạch. Thế nhưng, vẫn được các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương sở tại “mạnh dạn” vẽ đường, từ đó bà Liên xin tách thửa và xây dựng nhà ở thương mại, phân lô để bán cho người khác.
Không chỉ nhiều bất minh trong việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất, hiến đất mở đường, hợp, tách thửa mà cả việc xử lý các công trình sai phạm cũng bộc lộ nhiều vấn đề dư luận bất bình. Đơn cử, tại khu vực nhà liền kề và quán cà phê Villa: có 4 căn nhà không có giấy phép xây dựng, cùng các công trình khác như: khu nhà dịch vụ, hồ bơi, nhà hàng, ẩm thực... rộng hàng nghìn mét vuông đều không có giấy phép xây dựng. Dù đã bị xử phạt nhưng ông Dương Ngọc Văn chỉ nộp phạt 2/4 Quyết định xử phạt, không thực hiện khắc phục, tháo dỡ công trình sai phạm, thậm chí ông Văn tiếp tục xây dựng các công trình khác nhưng không hề bị xử lý triệt để. Bên cạnh đó, hàng chục căn nhà không hề có giấy phép xây dựng vẫn ung dung mọc lên nhưng chính quyền địa phương đều không hề hay biết.
Hàng loạt cán bộ, lãnh đạo “dính” sai phạm
Theo kết luận thanh tra của UBND tỉnh Kon Tum, hàng loạt sai phạm trên thuộc về: công chức, viên chức trực tiếp thụ lý giải quyết hồ sơ; lãnh đạo Phòng TN&MT TP Kon Tum; lãnh đạo UBND TP Kon Tum được phân công phụ trách (theo giai đoạn); Chủ tịch UBND TP Kon Tum; lãnh đạo CN VPĐKĐĐ TP Kon Tum, lãnh đạo VP đăng ký đất đai cấp tỉnh; cán bộ, lãnh đạo UBND các phường trên địa bàn TP Kon Tum...
Trên cơ sở kết luận thanh tra, ngoài việc yêu cầu các địa phương, đơn vị chấn chỉnh công tác quản lý Nhà nước về trật tự xây dựng và đất đai, Chủ tịch UBND tỉnh Kon Tum Nguyễn Văn Hòa đã đề nghị chuyển toàn bộ hồ sơ liên quan sang CQCSĐT CA tỉnh Kon Tum để điều tra làm rõ. Trong đó, làm rõ về các hành vi: vi phạm trong việc thực hiện cho phép dịch chuyển vị trí đất ở không đúng vị trí ban đầu, không thể hiện vị trí đất ở trên GCN QSDĐ; vi phạm trong việc cho phép hợp thửa đất không cùng mục đích sử dụng; về hiến đất làm đường giao thông tự mở để phân lô, bán nền, xây dựng nhà ở thương mại để bán.
Theo nguồn tin của PV, trong thời điểm mà kết luận chỉ ra sai phạm tại UBND TP Kon Tum và thời điểm lãnh đạo của: ông Phan Văn Thế giữ chức Chủ tịch UBND TP Kon Tum từ năm 2011 – 2017, tháng 3-2017 ông này giữ chức Giám đốc Sở KH&ĐT Kon Tum; ông Huỳnh Tấn Phúc giữ chức vụ Chủ tịch UBND TP Kon Tum từ cuối tháng 2-2017 đến tháng 2-2019, ông Phục giữ chức vụ Trưởng Ban Tổ chức Tỉnh ủy Kon Tum và ông Nguyễn Đức Hạnh, Giám đốc Sở TN&MT Kon Tum từ tháng 2-2016 và đã nghỉ hưu từ tháng 9-2019.
Bên cạnh đó, một số cá nhân liên quan tại CN VPĐKĐĐ TP Kon Tum đã được chuyển công tác về phòng chuyên môn Sở TN&MT trước thời điểm công bố Kết luận thanh tra của UBND tỉnh Kon Tum 1 tháng. Theo Sở TN&MT, đã yêu cầu các cá nhân, đơn vị liên quan đến những sai phạm tại Kết luận Thanh tra của UBND tỉnh Kon Tum kiểm điểm trách nhiệm. “Tuy nhiên, hình thức tự kiểm điểm quá nhẹ nên chúng tôi yêu cầu làm lại nghiêm túc, đúng tinh thần chỉ đạo của UBND tỉnh. Hội đồng kỷ luật của Sở cũng đã thành lập để xem xét, kiểm điểm trách nhiệm các cá nhân, tập thể có liên quan”, ông Nguyễn Đình Khải, Chánh văn phòng Sở TN&MT TP Kon Tum cho biết.
Điều tra: MINH TÂN