Chiếu trúc sào Cao Bằng

Chiếu trúc Cao Bằng là sản phẩm được Cục Sở hữu trí tuệ cấp Giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý. Đây cũng là sản phẩm được làm từ bàn tay của đồng bào dân tộc thiểu số và nguồn nguyên liệu trúc sào riêng có của tỉnh Cao Bằng.

Hiện nay, tỉnh Cao Bằng có trên 3.500 héc-ta trúc sào, mỗi năm khai thác trên 150 héc-ta. Cây trúc sào được trồng tại các huyện: Nguyên Bình, Bảo Lạc, Bảo Lâm, Thông Nông, Hào An. Trúc sào Cao Bằng có đặc điểm thân thẳng, to, tròn đều, dễ uốn nên được các cơ sở sản xuất ưa chuộng. Thân trúc sào được sử dụng vào rất nhiều việc như: Làm đồ thủ công, mỹ nghệ, làm cần câu, làm giấy, sào nhảy cao, đan mành, làm chiếu, đóng bàn ghế có giá trị… Trong đó, sản phẩm chiếu trúc sào được đánh giá cao về mặt chất lượng cũng như giá trị sử dụng. Chiếu trúc sào có đặc điểm nan chiếu đều, mảnh, dài và còn nguyên chất, không bị mối mọt, tỷ lệ nan chiếu bị khuyết tật nhỏ hơn 0,5%. Mặt trên của chiếu có màu vàng nhạt, bóng; không có mùi mốc, mùi lạ…

Nghề làm chiếu trúc sào giúp bà con tăng thu nhập

Nghề làm chiếu trúc sào giúp bà con tăng thu nhập

Được thiên nhiên ưu đãi, những cây trúc sào trồng trên đất Cao Bằng có màu vàng óng tự nhiên, kết hợp với những kinh nghiệm trong ngâm, sấy, hấp trúc nên sản phẩm chiếu trúc Cao Bằng có màu vàng rơm, trong suốt quá trình sử dụng chiếu luôn thơm và giữ được màu, không bị thâm, không bị mọt và tuyệt đối an toàn cho người sử dụng. Khác với trúc mao của Trung Quốc, trúc sào Cao Bằng không có lông nên khi sản xuất bà con chủ yếu vệ sinh phần vỏ, khéo léo, tỉ mỉ vót đi phần mấu là có những nan trúc hoàn hảo. Do giữ được phần cật tự nhiên nên chiếu nằm rất mát, càng dùng càng bóng.

Trồng trúc sào góp phần bảo vệ môi trường sinh thái

Trồng trúc sào góp phần bảo vệ môi trường sinh thái

Để có được sản phẩm chiếu trúc hoàn thiện, người làm chiếu phải trải qua rất nhiều công đoạn như: Cưa trúc theo yêu cầu sản phẩm, rửa trúc cho sạch, luộc qua nước sôi để loại bỏ đường, sấy, chọn nan xước, nan sâu bỏ đi, tuốt cho nan trúc trơn tru, dệt rồi dùng keo ép… Không chỉ mang lại cho thị trường sản phẩm chiếu trúc bền đẹp, nghề làm chiếu trúc đang tạo việc làm cho nhiều lao động là đồng bào dân tộc thiểu số ở Cao Bằng. Hiệu quả kinh tế thu được từ việc trồng trúc sào ước tính khoảng 60 - 70 triệu đồng/héc-ta.

Trong bối cảnh hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, chỉ dẫn địa lý cây trúc sào và sản phẩm chiếu trúc sào Cao Bằng được bảo hộ đã khẳng định vị thế và giá trị của trúc sào, chiếu trúc sào trên thị trường Việt Nam và thế giới. Đây cũng là bước khởi đầu cho sự phát triển sản xuất, thương mại sản phẩm gắn với lợi thế vùng miền, địa phương. Chính vì vậy, thời gian qua, Cao Bằng đặc biệt quan tâm và phát triển chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm trúc sào, chiếu trúc sào trên cơ sở định hướng tổng thể phát triển các sản phẩm chủ lực của địa phương. Đồng thời, tỉnh đã có những hỗ trợ về chính sách, nguồn lực để doanh nghiệp, người dân đầu tư, áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất; các giải pháp giới thiệu, quảng bá sản phẩm… Trên thực tế, trúc sào Cao Bằng đã trở thành hình ảnh quen thuộc, là biểu tượng của người dân địa phương. Ngoài giá trị kinh tế, trúc sào còn đóng góp vào bảo vệ môi trường sinh thái, tăng độ che phủ rừng, giữ đất, giữ nước. Qua đó, góp phần bảo tồn và phát triển sự đa dạng các nguồn gen cây bản địa.

Cây trúc sào và chiếu trúc sào là sản phẩm thứ hai của tỉnh Cao Bằng sau hạt dẻ (Trùng Khánh) được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) cấp Giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý.

Mạnh Hà

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/chieu-truc-sao-cao-bang-121190.html