Chim trời được bày bán công khai ở chợ dân sinh
Tại một số chợ dân sinh trên địa bàn huyện Cẩm Xuyên (Hà Tĩnh), nhiều tiểu thương vẫn công khai bán chim trời. Hàng trăm con chim trời được bày bán tại các chợ mỗi ngày.
Video: Chim trời được bán công khai tại chợ Đón và chợ Nhượng (xã Cẩm Nhượng).
Thời gian qua, dù cơ quan chức năng cùng chính quyền các địa phương trên địa bàn Hà Tĩnh đã quyết liệt triển khai nhiều biện pháp xử lý nạn đánh bắt, mua bán chim tự nhiên, tuy nhiên, tại một số chợ dân sinh trên địa bàn huyện Cẩm Xuyên vẫn không khó để mua chim trời - thứ mà người mua lẫn người bán vẫn ví von là “đặc sản”.
Có mặt tại chợ Đón, chợ Nhượng (xã Cẩm Nhượng) vào sáng sớm ngày 13 và 14/10, chúng tôi bắt gặp hình ảnh các loại chim trời đã làm sạch lông được bày bán khá nhiều, nơi ít thì từ 10 - 15 con, nhiều thì 20 - 30 con.
Cá biệt, có những người “chào” hàng với số lượng lớn từ 40 - 50 con và sẵn sàng “ship” tận nhà nếu khách có nhu cầu. Tùy từng loại mà người bán sẽ đưa ra các mức giá khác nhau. Theo đó, cò ngàng có giá 140.000 đồng/cặp, cói 80.000 đồng/cặp, các loại chim nhỏ hơn thì có giá “mềm” hơn.
Chị Hoàng Thị B. - một người chuyên bán chim cói tại chợ Đón (xã Cẩm Nhượng) cho biết: "Sở dĩ các loại chim này có giá đắt bởi đây là “đặc sản” không phải mùa nào cũng có. Hơn nữa, việc đánh bắt bây giờ cũng khó khăn hơn do lực lượng chức năng làm “căng” hơn trước, chủ yếu đánh trộm vào ban đêm. Bình quân mỗi phiên chợ, tôi bán khoảng 35 con, hôm nhiều trên 50 con".
Cũng theo chị B., mùa này đang vào mùa di cư của chim trời nên hàng lúc nào cũng sẵn, khách muốn mua bao nhiêu, loại nào cũng có nhưng phải đặt cọc trước để chị đặt hàng cho họ bắt.
Theo một số tiểu thương, các loại cò, cói, vạc... được người dân săn, bắt ở vùng bãi ngang ven biển các huyện: Cẩm Xuyên, Lộc Hà, Nghi Xuân... hoặc tiểu thương “quen mối” nhập về từ tỉnh Nghệ An, Quảng Bình... sau đó làm sạch rồi mang ra bán tại chợ.
Bà Nguyễn Thị M. đang miệt mài mời chào khách mua chim trời tại chợ Đón, luôn miệng quảng cáo là hàng “hiếm" nên ăn thử một lần không sẽ hết mùa và cam kết là tươi ngon. "Mua đi chú, hàng vừa về sáng nay, của nhà đánh được chứ chưa qua cấp đông. Ăn thử một bữa đi, ngon lắm, không tươi mang ra đây bà đổi cho cặp khác vì ngày nào bà cũng bán ở đây" - bà M. nói.
Một số người dân xã Cẩm Nhượng cho biết, không chỉ ở chợ Đón mà chim trời còn được bán ở chợ Cẩm Nhượng. Do không có ai nhắc nhở nên chim trời vẫn được bán đều mỗi ngày tại đây.
Đúng như thông tin người dân cung cấp, tại hàng rau của chợ Cẩm Nhượng vào sáng sớm 13/10, chim trời được bán công khai như những loại thực phẩm khác. Chị Trần Thị X. cho biết: "Dù biết lực lượng chức năng nghiêm cấm mua bán chim trời nhưng vì lợi nhuận và hoạt động mua bán chim trời chỉ diễn ra trong thời gian ngắn nên tôi tranh thủ kiếm thêm thu nhập. Hơn nữa, thấy ở đây nhiều người bán mà không bị nhắc nhở nên tôi bán theo".
Anh Nguyễn Văn N. (thị trấn Thiên Cầm) bày tỏ: “Vào mùa mưa, không khó để tìm mua các loại chim cò, cói... tại chợ và trên Facebook. Bây giờ chỉ cần nhấc điện thoại lên gọi là có hàng ngay, thậm chí nhiều người còn nhận làm sẵn, mình chỉ việc đưa về thưởng thức. Thấy người ta bán hấp dẫn nên gia đình tôi cũng thường xuyên mua về ăn".
Có cầu ắt có cung, cứ thế mỗi ngày, hàng trăm con chim trời lại được săn bắt và bày bán tại các chợ. Thực trạng trên cho thấy, nạn mua bán chim trời vẫn diễn ra trên địa bàn Hà Tĩnh. Do đó, bên cạnh kiểm tra, xử lý hành vi đánh bắt, cơ quan chức năng cùng chính quyền các địa phương cần xem xét, xử lý hoạt động kinh doanh, buôn bán chim trời tại các chợ dân sinh. Về phía người dân, cần nói không với việc chế biến chim tự nhiên thành món ăn nhằm chung tay bảo vệ môi sinh, môi trường, góp phần bảo tồn đa dạng sinh học.