Chính phủ Anh đối mặt với sức ép mở rộng hạn ngạch nhập khẩu thép
Chính phủ Vương quốc Anh đang phải đối mặt với sức ép từ ngành thép và Bộ Lao động để mở rộng giới hạn nhập khẩu kim loại được áp đặt sau Brexit.
Chính phủ Vương quốc Anh đang phải đối mặt với sức ép từ ngành thép và Bộ Lao động để mở rộng giới hạn nhập khẩu kim loại được áp đặt sau Brexit, bất chấp cảnh báo rằng nguồn cung thép dư thừa có thể khiến các nhà sản xuất Anh thiệt hại 150 triệu bảng Anh (180,3 triệu USD)/năm.
Bộ trưởng Thương mại quốc tế Anne-Marie Trevelyan sẽ cần phải đưa ra quyết định về việc giữ "các biện pháp bảo vệ ngành thép", được đưa ra năm 2021, hay loại bỏ hạn ngạch nhập khẩu đối với năm loại sản phẩm, trong đó có thép tấm và thép cuộn, trước ngày 30/6.
Giá thép thế giới cao đã hỗ trợ ngành này trong những tháng gần đây sau nhiều năm bất ổn, tuy nhiên các nhà sản xuất thép Anh cho hay việc Anh dỡ bỏ hạn ngạch nhập khẩu trước Liên minh châu Âu (EU) sẽ khiến họ "yếu thế" hơn so với những đối thủ châu Âu, vốn được hưởng lợi từ chi phí năng lượng tương đối thấp.
EU đã áp mức thuế bảo hộ 25% đối với hàng nhập khẩu vượt quá hạn ngạch từ năm 2018 khi Anh vẫn là thành viên của khối này. Thuế bảo hộ được thiết kế để bảo vệ các ngành công nghiệp trong nước khỏi tình trạng dư thừa các sản phẩm thép được nhập khẩu từ Mỹ.
Nick Thomas-Symonds, thư ký phụ trách thương mại quốc tế, cho biết ngành thép Anh đã trải qua một giai đoạn vô cùng thách thức trong những năm gần đây. Hiện các bộ trưởng đang cố gắng xác định các biện pháp sẽ bảo vệ ngành thép.
Gareth Stace, Tổng giám đốc nhóm vận động hành lang của ngành thép nước Anh UK Steel, cho biết điều quan trọng là phải duy trì toàn bộ các biện pháp bảo vệ ngành thép. Nếu không làm như vậy sẽ có nguy cơ nhập khẩu thép tăng mạnh, dẫn đến thiệt hại đáng kể cho các nhà sản xuất của Anh và khiến việc làm, sản xuất và đầu tư gặp rủi ro.
Hồi tháng 3/2022, Anh và Mỹ đã đạt được một thỏa thuận, ba tháng sau thỏa thuận giữa Mỹ và EU, để dỡ bỏ thuế quan của nước này đối với thép của Anh và Anh dỡ bỏ thuế đánh vào các sản phẩm của Mỹ như rượu whisky bourbon, xe máy Harley-Davidson và quần jean Levi’s.
Tuy nhiên, thuế quan của Mỹ vẫn áp dụng đối với thép từ các nước khác, tạo cơ hội cho các nhà sản xuất tìm khách mua ở nơi khác, ngay cả với giá thấp hơn.
Alasdair McDiarmind, giám đốc hoạt động của Liên minh Cộng đồng những người thợ luyện thép, cho biết việc bỏ các biện pháp bảo hộ để cho phép thép “rẻ, buôn bán không công bằng và thép bẩn” là tự làm hại chính mình./.