Chính phủ Anh hướng đến khu vực châu Á - Thái Bình Dương

Sau 100 ngày đầu tiên tại nhiệm, Tân Thủ tướng Anh Keir Starmer đã dành nhiều thời gian cho các vấn đề về chính sách đối ngoại hơn bất kỳ thủ tướng Anh nào khác.

 Tân Thủ tướng Anh Keir Starmer tịa lễ nhậm chức. Ảnh minh họa: Getty Images/TTXVN/Báo Tin tức

Tân Thủ tướng Anh Keir Starmer tịa lễ nhậm chức. Ảnh minh họa: Getty Images/TTXVN/Báo Tin tức

Hãng tin The Business Times ngày 23/10 cập nhật, Thủ tướng Anh Keir Starmer đang thực hiện chuyến công tác đầu tiên đến khu vực châu Á - Thái Bình Dương, cụ thể là đến Samoa để tham dự Hội nghị lãnh đạo các nước thuộc Khối thịnh vượng chung (CHOGM) lần thứ 27. Đây là sự kiện diễn ra 2 năm/lần. Hội nghị là minh chứng cho thấy sự vững mạnh của khối trong suốt thời gian vừa qua.

Hiện tại, Khối thịnh vượng chung gồm nhiều quốc gia thành viên trải dài khắp khu vực Nam bán cầu, trong đó đa phần là các nước châu Á - Thái Bình Dương, Châu Phi và Châu Mỹ Latinh, bao gồm cả Ấn Độ. Các quốc gia công nghiệp hóa gồm các nước thành viên G20 như Australia và Canada.

Tầm quan trọng mà Thủ tướng Anh Keir Starmer dành cho khu vực và Khối thịnh vượng chung rộng lớn được thể hiện ở việc ông thực hiện chuyến công tác kéo dài nhiều ngày chỉ 1 tuần trước khi chính phủ Anh công bố báo cáo ngân sách quan trọng vào ngày 30/10 sắp tới.

Trục xoay hậu Brexit

Về lĩnh vực kinh tế, chính phủ Anh mới muốn xây dựng mối quan hệ mới dựa trên sự chuyển hướng của Anh hậu Brexit sang khu vực châu Á - Thái Bình Dương, bao gồm cả việc cố gắng nắm bắt những lợi thế tiềm năng có được từ tư cách thành viên của Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ Xuyên Thái Bình Dương (CPTPP). Đó là khu vực thương mại bao gồm các nước như Australia, Brunei, Canada, Chile, Nhật Bản, Malaysia, Mexico, New Zealand, Peru, Singapore và Việt Nam.

Với tổng dân số gần 700 triệu người và nền kinh tế ASEAN sẽ trở thành nền kinh tế lớn thứ tư thế giới vào năm 2030, Ngoại trưởng Anh David Lammy nhấn mạnh ưu tiên kinh tế hàng đầu của Anh là hợp tác với các quốc gia thành viên ASEAN. Trong phát biểu mới, vị bộ trưởng cũng công bố quan hệ đối tác Anh - ASEAN trị giá 25 triệu Bảng Anh (tương đương 42,7 triệu GSD) để giải quyết những thách thức y tế toàn cầu cấp bách nhất trên thế giới. Điều này bao gồm hỗ trợ phát hiện và ngăn ngừa các bệnh trong tương lai, đồng thời tăng cường an ninh y tế trong khu vực nói chung và trong nước nói riêng.

Quỹ Chuyển đổi Xanh Anh - ASEAN trị giá lên tới 40 triệu Bảng Anh cũng đã được công bố để giúp thúc đẩy tăng trưởng xanh và tận dụng chuyên môn của Anh nhằm hỗ trợ các quốc gia đi đầu trong cuộc khủng hoảng khí hậu. Khoản tài trợ này sẽ giúp mở khóa tăng trưởng xanh cho các doanh nghiệp ASEAN, đồng thời tạo cơ hội cho các khoản đầu tư xanh từ Vương quốc Anh.

Kế hoạch hợp tác cùng nhiều quốc gia

Điều mà chính phủ mới của Vương quốc Anh đặc biệt quan tâm là khả năng tiếp cận tốt hơn với nền kinh tế khổng lồ của Trung Quốc. So với các nước khác ở châu Âu, từ lâu, Vương quốc Anh đã là quốc gia nhận được một trong những khoản đầu tư trực tiếp nước ngoài lớn nhất từ Trung Quốc. Ngoài ra, Anh cũng là một trong những đối tác thương mại hàng đầu của Bắc Kinh tại châu Âu. Trong khi đó, Trung Quốc là một trong những đối tác thương mại lớn nhất ngoài EU của Vương quốc Anh.

Trong tương lai, Anh đặt mục tiêu tăng cường quan hệ với Trung Quốc trong nhiều lĩnh vực, gồm cơ sở hạ tầng, tài chính xanh và đổi mới công nghệ. Đơn cử, các doanh nghiệp năng lượng và công nghệ của Vương quốc Anh đang háo hức thâm nhập sâu hơn và đạt cơ hội phát triển ở thị trường Trung Quốc và Vương quốc Anh được nhận xét là đang có vị thế tốt khi là nước dẫn đầu trong các phân ngành chính như hệ thống quản lý năng lượng, điện gió ngoài khơi và giải quyết ô nhiễm không khí.

Ngoài Trung Quốc, với Indonesia, mục tiêu của Vương quốc Anh là mở ra một “chương mới” trong quan hệ với Jakarta. Ghi nhận trong tháng 7 vừa qua, Ngoại trưởng David Lammy cũng đã đến thăm Ấn Độ, nơi ông tìm cách thúc đẩy xây dựng thỏa thuận thương mại. Động thái được đưa ra khi Ấn Độ là một siêu cường kinh tế mới nổi quan trọng và là quốc gia lớn nhất thế giới, với dân số khoảng 1,4 tỷ người…

Một kế hoạch tái thiết những chính sách chính sách quan trọng của Vương quốc Anh đang diễn ra đối với châu Á - Thái Bình Dương, bắt nguồn từ sự chuyển hướng hậu Brexit của Anh sang khu vực này. Kinh tế là trọng tâm của sự thay đổi, với CPTPP là một cơ hội quan trọng mà chính phủ của Tân Thủ tướng Anh Keir Starmer kỳ vọng sẽ nắm bắt và triển khai hiệu quả.

Đan Lê (Lược dịch từ The Business Times)

Nguồn Thừa Thiên Huế: https://baothuathienhue.vn/the-gioi/chinh-phu-anh-huong-den-khu-vuc-chau-a-thai-binh-duong-147282.html