Chính phủ đề ra mục tiêu tăng trưởng thương mại đạt 13,5%/năm

Trong Chiến lược phát triển thương mại giai đoạn 2030, tầm nhìn 2045 vừa ban hành, Chính phủ mong muốn tổng mức bán lẻ đạt tốc độ tăng trưởng bình quân 13 - 13,5%/năm.

Ngày 13/7, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 1163, phê duyệt Chiến lược phát thương mại trong nước giai đoạn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Theo đó, Chính phủ đề ra mục tiêu, trong giai đoạn 2021 - 2030, tốc độ tăng trưởng giá trị tăng thêm thương mại trong nước đạt khoảng 9 - 9,5%/năm, đến năm 2030 đóng góp khoảng 15,0 - 15,5% vào GDP cả nước.

Trong Chiến lược phát triển thương mại giai đoạn 2030, tầm nhìn 2045, Chính phủ mong muốn tổng mức bán lẻ đạt tốc độ tăng trưởng bình quân 13 - 13,5%/năm.

Đồng thời, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng đạt tốc độ tăng bình quân 13,0 - 13,5%/năm; tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng qua trao đổi qua các cơ sở bán lẻ hiện đại chiếm khoảng 38 - 42%;...

Giai đoạn 2031 - 2045: duy trì tốc độ tăng trưởng giá trị tăng thêm thương mại trong nước đạt 8,5 - 9,0%/năm; tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng bình quân 12,0 - 12,5%/năm; doanh thu thương mại điện tử tăng bình quân khoảng 12 - 13%/năm.

Cũng theo Quyết định 1163, Chính phủ đưa ra 10 định hướng chi tiết nhằm phát triển thương mại trong nước.

Thứ nhất, Chính phủ tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh trong nước; củng cố, thiết lập trật tự thị trường thích ứng với bối cảnh, tình hình mới.

Thứ hai phát triển đa dạng phương thức và hình thức tổ chức kinh doanh thương mại trong nước.

Thứ ba thực hiện cơ cấu lại lĩnh vực thương mại trong nước theo hướng đổi mới sáng tạo và số hóa, công nghệ hóa phương thức kinh doanh; Tăng cường kết nối, tham gia chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị, các hệ sinh thái toàn cầu và khu vực.

Thứ tư phát triển thương mại điện tử trở thành hình thức thương mại chủ đạo.

Thứ năm xây dựng và phát triển hạ tầng thương mại trong nước đồng bộ, hiện đại và bền vững; Đặc biệt chú trọng đầu tư phát triển hạ tầng thương mại khu vực nông thôn, quan tâm phát triển kết cấu hạ tầng thương mại thiết yếu vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Thứ sáu tập trung tháo gỡ khó khăn, xây dựng và thực hiện các chính sách để hỗ trợ hiệu quả cho các chủ thể tham gia vào chuỗi sản xuất và cung ứng hàng hóa.

Thứ bảy hình thành các chuỗi phân phối sản phẩm sản xuất tại Việt Nam bền vững; Đẩy mạnh liên kết trong chuỗi cung ứng gắn với thực hiện tốt các quy định về chất lượng, an toàn thực phẩm, truy xuất nguồn gốc; phát triển chuỗi cung ứng các sản phẩm thân thiện với môi trường, được dán nhãn sinh thái;Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trong lĩnh vực thương mại trong nước theo hướng chuyên nghiệp;

Thứ chín đổi mới toàn diện công tác xúc tiến thương mại, đẩy mạnh đầu tư phát triển hạ tầng phục vụ hoạt động xúc tiến thương mại trong nước;

Cuối cùng đổi mới quản lý nhà nước đối với thương mại trong nước; xây dựng, nâng cao các biện pháp bảo vệ thị trường cũng như người tiêu dùng trong nước phù hợp với cam kết quốc tế.

Chiến lược cũng đã đề ra các nhóm giải pháp phát triển giai đoạn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, như hoàn thiện thể chế, chính sách, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh và quản lý hoạt động thương mại theo cam kết quốc tế; Gia tăng cầu tiêu dùng cuối cùng trong nước, phát triển doanh nghiệp phân phối, gắn kết lưu thông với sản xuất, đẩy mạnh liên kết các chuỗi cung ứng sản phẩm, hàng hóa;...

Việt Vũ

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/chinh-phu-de-ra-muc-tieu-tang-truong-thuong-mai-dat-135-nam-post144366.html