Chính phủ Đức gặp khó khăn trong việc trục xuất người tị nạn
Nhiều lệnh trục xuất vẫn không thể thực hiện được do người tị nạn bỏ trốn, lệnh cấm của tòa án hoặc do chuyến bay trục xuất không thể diễn ra.
Mặc dù đã có các quy định mới chặt chẽ hơn, song số vụ trục xuất người tị nạn không thành công tại Đức vẫn ở mức cao.
Cụ thể, từ tháng 1 đến tháng 9 năm nay, có tới 23.610 trong số 38.328 vụ trục xuất (tương đương 62%) không thể diễn ra theo kế hoạch.
Số liệu này do Chính phủ liên bang cung cấp để trả lời chất vấn của nghị sỹ Sahra Wagenknecht, đứng đầu đảng Liên minh (BSW).
Trong cả năm 2023, tỷ lệ trục xuất không thành công là 65,6%, tức 31.330 trong số 47.760 vụ trục xuất đã lên kế hoạch, so với mức 64,3% của năm 2022 và 60,6% của năm 2021.
Vào tháng 1, Quốc hội Đức đã thông qua luật mới với quy trình trục xuất nhanh hơn, mạnh hơn đối với những người bị từ chối tị nạn. Các quy định trục xuất cứng rắn hơn bao gồm việc kéo dài thời gian giam giữ đợi xuất cảnh từ 10 lên 28 ngày.
Ngoài ra, từ vài tháng nay, cảnh sát được phép khám xét nơi ở của người tị nạn để tạm giữ người sắp bị trục xuất.
Hơn nữa, việc trục xuất có thể được thực hiện mà không cần phải báo trước, với một ngoại lệ áp dụng cho các gia đình có trẻ em dưới 12 tuổi.
Mặc dù vậy, nhiều lệnh trục xuất vẫn không thể thực hiện được do người tị nạn bỏ trốn, lệnh cấm của tòa án hoặc do chuyến bay trục xuất không thể diễn ra.
Nghị sỹ Wagenknecht cho rằng kế hoạch của chính phủ đã thất bại, khi Thủ tướng Olaf Scholz không thực hiện được cam kết về trục xuất những người bị từ chối tị nạn./.